Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; TS. Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); đoàn đại biểu từ Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, do TS. Lê Đình Tiến, chuyên gia cao cấp của Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN làm trưởng đoàn; PGS.TS. Dương Anh Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM; ông Liang, Kuang Chung - Tổng Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP. HCM; ông Chaney HO - Chủ tịch Tập đoàn Advantech; các diễn giả quốc tế đến từ các tập đoàn công nghệ lớn như Advantech, Intel, Microsoft, Sigfox, Piacom; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí và hơn 350 khách mời tham dự.
TS. Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, làn sóng công nghệ mới sẽ tạo ra các tác động cả về phía cung và cầu sản phẩm, dịch vụ. Từ đó, tạo ra sự phát triển của các nền tảng công nghệ mới, thay thế dần cấu trúc ngành công nghiệp hiện có. Sự gia tăng tỉ lệ tự động hóa giúp các công ty sản xuất toàn cầu có cơ hội đưa sản xuất về lại nước mình, giành lại công việc từ các nước có giá nhân công thấp. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ cũng cho phép tạo ra các sản phẩm, dịch vụ với đầu tư ban đầu có thể không lớn, nhưng lợi nhuận thu về cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hình thành.
“Với những cơ hội và thách thức chưa có tiền lệ mà làn sóng công nghệ mới sẽ mang tới. Một số quốc gia trên thế giới đã sớm có các chiến lược để tiếp cận và đón nhận làn sóng này. Việt Nam không nằm ngoài tác động của làn sóng công nghệ này. Việc tập trung thực hiện các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia; các chương trình Đổi mới công nghệ, Phát triển công nghệ cao, Sản phẩm quốc gia … là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cần thiết”, TS. Trần Văn Tùng cho biết.
Tại Việt Nam, để tiếp cận với làn sóng công nghệ mới này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, trong lĩnh vực liên quan, đã có những định hướng và chiến lược bao gồm: Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2022 với việc xác định các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy - tự động hóa; và Chính sách phát triển Công nghiệp đang được xây dựng.
Hội thảo “Đổi mới công nghệ và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh” được tổ chức với mong muốn tận dụng các cơ hội của làn sóng công nghệ mới trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và internet đồng thời là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ KH&CN tiên tiến.
PGS.TS. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tại Hội thảo
Tại Hội thảo, PGS.TS. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đã chia sẻ về bối cảnh và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế nào là thành phố thông minh?. PGS.TS. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1, 2, 3 trước đây, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có đặc trưng là điều khiển hệ và robot, kết nối hệ thống thế giới thực và thế giới ảo. Trên thế giới đã từng xuất hình các mô hình thành phố: xanh, sinh thái - đa dạng sinh học, vườn, sinh thái - thành phố kinh tế, phát triển bền vững, đáng sống, có khả năng phục hồi….Đô thị thông minh có nhiều lợi ích và giải quyết các vấn đề về điều hành kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, quy hoạch, kết cấu hạ tầng, vận hành hệ thống, đầu tư ICT, sự tham gia của mọi người dân, chia sẻ dữ liệu và kết nối liên vùng.
Để có khái niệm đầy đủ về thành phố thông minh thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, PGS.TS. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cho rằng, trong tư duy chúng ta cần nhận thức thành phố là một hệ sinh thái. Theo đó, thành phố thông minh là thành phố sử dụng công cụ điều khiển hệ tích hợp kết nối giữa hệ thống thế giới thực và thế giới ảo, chủ đạo là tư duy hệ thống, phương tiện là sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Mục tiêu xây dựng thành phố là có giá trị, có sức sống, có khả năng phục hồi và cạnh tranh, thước đo là sự hài lòng của cộng đồng dân cư. Thành phố thông minh phải đạt chuẩn một số tiêu chí về các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn về kinh tế, xã hội và môi trường…
Ông Chaney Ho - Chủ tịch tập đoàn Avantech cũng chia sẻ các yếu tố cốt lõi của IoT, đó là cảm biến, mạng không dây, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn. Đồng thời, ông Chaney Ho cũng chia sẻ câu chuyện thành công của Đài Loan khi ứng dụng IoT trong các lĩnh vực y tế, xây dựng và sản xuất. Theo đó, nhờ ứng dụng IoT, Đài Loan đã tiết kiệm được 22.5 triệu phút mỗi ngày, 60 triệu tấn nhiên liệu và 138 nghìn tấn khí thải carbon mỗi năm. Ông Chaney Ho cũng chia sẻ về quá trình để chuyển đổi sang sản xuất thông minh, theo đó quá trình này sẽ diễn ra tuần tự, bắt đầu từ tự động hóa máy móc, tiếp đến là kết nối thu thập dữ liệu, tích hợp công nghệ điện toán đám mây và trực quan hóa quá trình, phân tích dữ liệu lớn và dự đoán thời điểm bảo trì.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia đến từ doanh nghiệp đã đưa ra góc nhìn toàn cảnh về xu thế và ảnh hưởng của làn sóng công nghệ mới đối với nền công nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thông minh. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ hơn về việc đổi mới công nghệ và triển khai ứng dụng các công nghệ phù hợp với doanh nghiệp của mình để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả nhất nhằm nâng cao tính cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận. Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã có thêm những thông tin về chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi đổi mới công nghệ và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh.
Đại biểu tham dự tham quan khu trưng bày bên lề Hội thảo
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra hai tọa đàm về: “Làm thế nào để nền công nghiệp Việt nam tăng tốc hướng tới kỷ nguyên sản xuất thông minh”, “Hướng tới sự thành công cùng cộng đồng nhà cung cấp”. Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời đến từ Bộ KH&CN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tự động hóa Việt Nam, Đại học Quốc gia TP.HCM và các chuyên gia công nghệ hàng đầu đến từ các công ty, tập đoàn lớn… Tọa đàm giúp các doanh nghiệp nhìn nhận rõ hơn về làn sóng công nghệ mới và con đường để ứng dụng thành công công nghệ vào sản xuất tại doanh nghiệp./.