Thứ năm, 27/04/2017 14:31 GMT+7

Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài NCCB trong Khoa học xã hội và Nhân văn đợt 1 năm 2017

Ngày 25/4/2017, tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Quỹ) đã tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài NCCB trong Khoa học xã hội và Nhân văn đợt 1 năm 2017. Tới dự Hội nghị có ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ, các thành viên Hội đồng khoa học (HĐKH) ngành/liên ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV), Lãnh đạo và cán bộ Cơ quan điều hành (CQĐH) Quỹ.

Toàn cảnh Hội nghị
 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc CQĐH Quỹ chào mừng các nhà khoa học thuộc các HĐKH ngành/liên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV nhiệm kỳ 2016 – 2018 tham dự các phiên họp đánh giá xét chọn đề tài, đồng thời cảm ơn sự đóng góp của các HĐKH vào việc đảm bảo chất lượng đánh giá xét chọn hồ sơ cũng như chất lượng quản lý các đề tài được tài trợ. Ông cho biết, trong thời gian qua, các hoạt động của CQĐH Quỹ tiếp tục được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả tài trợ trong lĩnh vực, đồng thời cải thiện công tác tổ chức điều hành thông qua hồ sơ điện tử, đánh giá phản biện và họp trực tuyến, nhằm đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học (NKH) và HĐKH.

Cụ thể, chất lượng của các nhiệm vụ được tài trợ được đảm bảo thông qua sự kết hợp của yếu tố con người và tiêu chí, quy trình thực hiện: HĐKH thực hiện đánh giá hồ sơ gồm những chuyên gia có thành tích cao, có uy tín được bầu chọn bởi các NKH trong cùng lĩnh vực; các quy định, tiêu chí được đưa ra rõ ràng (kết quả nghiên cứu của các NKH được đánh giá bởi hệ thống bình duyệt của các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, đảm bảo tính khách quan và chất lượng khoa học). Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, CQĐH Quỹ tiếp tục tham vấn, trao đổi với các HĐKH, từ đó đề xuất các phương án điều chỉnh chính sách tài trợ, tiêu chí đánh giá để HĐQL Quỹ xem xét, ban hành các chính sách, tiêu chí cho các chương trình tài trợ của Quỹ, nhằm đảm bảo chất lượng và phù hợp với đặc thù của từng ngành/liên ngành.

Số liệu thống kê trong 02 đợt đánh giá hồ sơ năm 2016 và đợt 1 năm 2017 đã cho thấy, số lượng hồ sơ đăng ký tuy giảm so với giai đoạn trước nhưng chất lượng vẫn đảm bảo và cải thiện dần, thể hiện ở xu hướng tăng số lượng hồ sơ hợp lệ, số lượng nhiệm vụ được tài trợ cũng như đa dạng hơn trong phân bố ngành/liên ngành của các hồ sơ.

Theo Nghị quyết của HĐQL Quỹ năm 2016, phương hướng hoạt động của Quỹ trong giai đoạn sắp tới là duy trì số lượng và nâng cao chất lượng tài trợ/hỗ trợ, để các hoạt động của Quỹ thực sự đóng góp vào năng suất khoa học và đóng góp vào sự phát triển của nguồn lực khoa học chất lượng cao. CQĐH Quỹ hy vọng với nỗ lực làm việc của HĐKH và các đơn vị trong Quỹ, sự ủng hộ của cộng đồng khoa học, các chương trình tài trợ của Quỹ, đặc biệt NCCB trong KHXH&NV sẽ tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới, thực hiện được phương hướng mà HĐQL Quỹ đã đề ra.
 

Ông Mai Thế Bình, PGĐ CQĐH Quỹ báo cáo kết quả tiếp nhận hồ sơ đợt 1 2017 và kết quả tài trợ từ 2009 - 2016
 

Trong phần trình bày tiếp nối, ông Mai Thế Bình, Phó Giám đốc CQĐH Quỹ báo cáo kết quả tiếp nhận hồ sơ đề nghị tài trợ trong KHXH&NV năm 2017 (đợt 1) và báo cáo kết quả tài trợ giai đoạn 2009 - 2016. Trong đợt tiếp nhận hồ sơ lần này, Quỹ đã tiếp nhận 42 hồ sơ, trong đó số lượng hồ sơ hợp lệ (theo rà soát trước họp) là 36 hồ sơ. Năm 2016 là năm đầu tiên Quỹ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ hai kỳ một năm.

Giai đoạn từ 2009 – 2014, số lượng đề tài được tài trợ trung bình hàng năm từ 40 – 95 đề tài, kinh phí tài trợ tăng nhẹ và ở mức trung bình 700 – 750 triệu/đề tài. Các đề tài được nghiệm thu đạt chiếm tỉ lệ cao, với kết quả trung bình mỗi đề tài là 0.5 bài báo quốc tế, 3.7 bài báo quốc gia, 0.9 bản thảo sách chuyên khảo. Trong đó, 58 trong số 222 bản thảo sách chuyên khảo đã được xuất bản. Ông Mai Thế Bình cũng đề cập đến một số thông tin về công bố quốc tế uy tín trong lĩnh vực KHXH&NV của Việt Nam trong tương quan với các nước trong khu vực và quốc tế. Cụ thể, theo số liệu thống kê, Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực về số lượng công bố ISI trong lĩnh vực KHXH&NV giai đoạn 2006 – 2015. Bên cạnh đó, các phân tích về tỷ lệ của số lượng công bố ISI của Việt Nam so với thế giới trong KHXH&NV, khoa học tự nhiên và kỹ thuật (KHTN&KT) cho thấy dù KHTN&KT vẫn đang đi trước, khoảng cách giữa hai lĩnh vực lại đang thu hẹp dần. Các quy định trong Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ (Thông tư 37) bắt đầu được áp dụng từ năm 2015 sẽ góp phần vào quá trình phát triển của lĩnh vực KHXH&NV.

Tiếp theo, Bộ phận Tin học của CQĐH Quỹ giới thiệu và hướng dẫn sử dụng hệ thống đánh giá phản biện đề tài trực tuyến. Hệ thống quản lý đề tài trực tuyến được Quỹ sử dụng từ năm 2012 trong việc đánh giá hồ sơ đăng ký tài trợ chương trình NCCB trong KHTN&KT và bắt đầu triển khai đối với KHXH&NV từ năm 2016. Bắt đầu từ năm 2017, ngoài việc quản lý hồ sơ đề tài trực tuyến, Quỹ sẽ tiến hành gửi/nhận kết quả phản biện trực tuyến đối với các đề tài đề nghị tài trợ trong lĩnh vực KHXH&NV.
 

Hệ thống đánh giá phản biện đề tài trực tuyến được giới thiệu tại Hội nghị
 

Trao đổi tại Hội nghị, các thành viên HĐKH bàn luận sôi nổi về xác định danh mục tạp chí, cách thức nâng cao số lượng công bố trên tạp chí quốc tế uy tín trong KHXH&NV, cũng như đề xuất nâng cao tỷ lệ xuất bản sách chuyên khảo là sản phẩm của đề tài do Quỹ tài trợ.

Trao đổi về xuất bản sách chuyên khảo, GS.TS Bùi Thế Cường đề nghị xem xét sự chênh lệch giữa số sách xuất bản và số lượng bản thảo hiện có, gợi ý hình thức xuất bản trên mạng (online) thay vì in bản giấy. GS.TS Lê Huy Bắc đề nghị Quỹ tài trợ kinh phí xuất bản sách chuyên khảo ngay trong kinh phí của đề tài.Về xác định danh mục tạp chí quốc tế uy tín, GS.TS Bùi Thế Cường và  PGS.TS Nguyễn Thị Hiền kiến nghị mở rộng danh mục tạp chí, ví dụ thêm tạp chí của các trường đại học hàng đầu Châu Á, Châu Âu,… PGS.TS Lê Hữu Nghĩa, cho rằng một số ngành, chuyên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV khó khăn trong công bố quốc tế, do đó kiến nghị nên xem xét quy định trong thông tư như điều kiện đầu vào, mở rộng danh mục tạp chí, và Quỹ nên có lộ trình dài hạn cho công bố quốc tế trong KHXH&NV.
 


 

GS.TS Bùi Thế Cường và PGS.TS Nguyễn Thị Hiền trao đổi tại Hội nghị
 

Trao đổi về cách thức nâng cao số lượng công bố quốc tế cũng như hỗ trợ các NKH trẻ trong lĩnh vực KHXH&NV, TS. Nguyễn Việt Cường và TS. Trần Quang Tuyến đề nghị Quỹ tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn NKH về thiết kế thực hiện nghiên cứu để phù hợp chuẩn mực công bố quốc tế. TS. Nguyễn Việt Cường chia sẻ cách thức lựa chọn hướng nghiên cứu, dẫn ra một vài dẫn chứng cụ thể về hướng nghiên cứu trong KHXH&NV mà các NKH Việt Nam đã công bố nhiều trên các tạp chí quốc tế uy tín. TS. Nguyễn Việt Cường cũng đề nghị có những đề tài kinh phí hạn chế cho các NKH trẻ để làm quen dần với quá trình công bố quốc tế.

Các thành viên HĐKH cũng chia sẻ các thông tin hữu ích liên quan, như thông tin về danh mục ISI, Scopus trong lĩnh vực KHXH&NV; ý nghĩa của việc các nghiên cứu trong KHXH&NV được công bố trên các tạp chí quốc tế, không chỉ góp phần đưa thông tin về văn hóa, tôn giáo, lịch sử… Việt Nam ra cộng đồng khoa học quốc tế, mà còn có ý nghĩa quan trọng khi có những tranh chấp như vấn đề hải đảo, qua đó nâng cao vị thế của KHXH&NV Việt Nam nói riêng và lĩnh vực KHXH nói chung trên các diễn đàn quốc tế.

Bên cạnh đó, về việc đổi mới phương pháp làm việc, hầu hết các thành viên HĐKH đều ủng hộ việc sử dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ đánh giá trực tuyến và quản lý đề tài nghiên cứu của Quỹ, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí. Một số ý kiến cho rằng cần có lộ trình thực hiện để các NKH và thành viên HĐKH làm quen với các hệ thống và cách thức mới.

Trao đổi với các nhà khoa học, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc CQĐH Quỹ cảm ơn các trao đổi từ phía các thành viên HĐKH. Về vấn đề số lượng sách chuyên khảo được xuất bản chưa cao, thời gian tới, CQĐH Quỹ sẽ nghiên cứu cơ chế để thúc đẩy việc xuất bản các bản thảo sách chuyên khảo có chất lượng tốt, đã được HĐKH nghiệm thu. Về danh mục tạp chí khoa học uy tín, Quỹ đã nhận được đề xuất từ một số HĐKH và sẽ phối hợp với các HĐKH để xây dựng phương án trình HĐQL Quỹ, nhằm phù hợp với các đặc thù của các ngành, liên ngành trong khi vẫn đảm bảo tiêu chí và nguyên tắc chất lượng thống nhất trong lĩnh vực. Hiện nay, Quỹ cũng đã có những hỗ trợ cụ thể cho nhà khoa học trẻ như tài trợ báo cáo tại hội nghị/hội thảo, thực tập nghiên cứu ngắn hạn tại nước ngoài, sắp tới sẽ triển khai  hỗ trợ nghiên cứu sau tiến sĩ và các chương trình hỗ trợ khác. Các NKH trẻ cũng có thể tham gia vào các nhóm nghiên cứu để xây dựng dần kinh nghiệm và thành tích công bố trước khi đề xuất tài trợ các đề tài độc lập. CQĐH Quỹ sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất của nhà khoa học, đặc biệt các ý kiến về danh mục tạp chí để có thể đưa ra danh mục nhất quán, phù hợp cho các đề tài đề nghị tài trợ trong giai đoạn 2017 – 2018.
 

 

Ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ phát biểu bế mạc Hội nghị
 

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch HĐQL Quỹ cũng đưa ra của HĐQL về nâng cao số lượng và chất lượng nghiên cứu của KHXH&NV. Ông Nguyễn Quang Thuấn đánh giá, để vừa đảm bảo quy mô đầu tư cho KHXH&NV vừa đảm bảo tiêu chí công bố quốc tế là một bài toán khó đang được đặt ra. Việc vận dụng Thông tư 37 trong điều kiện hiện nay cần có lộ trình phù hợp như tạo điều kiện đối với các ngành/liên ngành chưa có nhiều công bố quốc tế, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, khuyến khích hợp tác trong nghiên cứu.

Ngay sau phiên họp toàn thể, HĐKH tiếp tục họp các hội đồng chuyên ngành đánh giá xét chọn, rà soát điều kiện hồ sơ thuộc lĩnh vực nghiên cứu và phân công phản biện.

 

Nguồn: Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1973

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)