Đây là sản phẩm của KS. Lê Huy Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Laser – Viện Ứng dụng Công nghệ nghiên cứu chế tạo. Sản phẩm vinh dự được trưng bày tại Cung Thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng vào ngày 22/4/2017 nhân sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại trực tiếp với 2.000 công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
KS. Lê Huy Tuấn cho biết, Vi điểm phẫu thuật Fractional Laser là một công nghệ laser mới (còn được gọi là Fractional photothermolysis) đã được tổ chức FDA (Food and Drug Administration) của Mỹ cho phép lưu hành trong những năm gần đây. Đặc biệt, Fractional Laser ưu thế tuyệt vời trong tái tạo da: các tia laser tác động sâu vào da đã giữ lại phần lớn các tế bào sống (khoảng 80%), chỉ điều trị 20% tế bào bệnh; Chính vì điều này, các tế bào khỏe mạnh đã hỗ trợ phục hồi và kích thích tái tạo nhanh chóng các tế bào da bị bệnh đã được điều trị, kéo dài quá trình tái tạo Colagen của da, làm đầy vết lõm của da. Đồng thời các tế bào biểu bì và tế bào mô kiên kết tại vị trí bắn bị tan ra, phần nhiệt phát sinh do sức nóng của tia laser cũng bị bốc hơi và phân tán với tốc độ rất nhanh (khoảng 0,1 – 0,3ms). Điều này có nghĩa là tất cả các vết ố và các đốm màu không mong muốn trên da được loại bỏ và màu sắc của da trở nên sáng và trắng hơn. Sự co rút của mô liên kết giúp cho việc tái tạo da đạt được hiệu quả tốt hơn. Phương pháp này đã tạo đi một hướng đi mới cho ngành thẩm mỹ. Được biết, hiện sản phẩm đã được ứng dụng tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Phòng khám da liễu thẩm mỹ Venus.
Vượt qua rất nhiều sản phẩm dự thi, sản phẩm Thiết bị Vi điểm phẫu thuật Fractional Laser– Model: FL412 Super đã xuất sắc được đứng vào top 10 sản phẩm Tự hào trí tuệ Việt Nam 2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen top 10 sản phẩm Tự hào Trí tuệ Việt Nam 2017
Chương trình “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức và đây là năm thứ 2 chương trình được triển khai. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra những tiêu chí vô cùng chặt chẽ nhằm lựa chọn những sản phẩm thể hiện trí tuệ của người lao động. Đó phải là những sản phẩm do chính người lao động trong doanh nghiệp sáng tạo và sản xuất ra, sản phẩm đã được đăng ký bản quyền hoặc phải được doanh nghiệp cam kết sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Những tiêu chí đặt ra cho sản phẩm tham gia chương trình là sáng tạo, hiệu quả, thân thiện, thay thế hàng ngoại và tiêu chí nhóm.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương thăm gian hàng của Bộ KH&CN
Ban tổ chức Chương trình cũng đưa ra những yêu cầu rất cụ thể về các tiêu chí như: sản phẩm phải có tính sáng tạo độc đáo, mới lạ; sản phẩm có hiệu quả kinh doanh tốt, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường, ưu tiên sản phẩm giúp mở một lĩnh vực kinh doanh mới cho doanh nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm; sản phẩm sử dụng nguyên liệu ở địa phương hoặc nguyên liệu trong nước, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, ưu tiên các sản phẩm thay thế được hàng nhập ngoại. Điều này đòi hỏi những sản phẩm tham gia Chương trình phải thực sự xuất sắc, đại diện cho tập thể lao động, cho trí tuệ và tài năng của mỗi đơn vị.
Ông Đặng Quang Huấn, Chủ tịch Công đoàn Bộ KH&CN cho biết: “Trên cơ sở những yêu cầu đặt ra, Công đoàn Bộ KH&CN đã triển khai đến các cấp công đoàn trực thuộc và trải qua quá trình xét chọn kỹ lưỡng. Có thể nói, đây là sản phẩm vô cùng tiêu biểu, xuất sắc, đại diện cho trí tuệ của người lao động của Bộ KH&CN”.
Ông Đặng Quang Huấn, Chủ tịch Công đoàn Bộ KH&CN (đứng thứ 2 từ bên trái) chụp ảnh cùng KS Lê Huy Tuấn (thứ 2 từ bên phải) tại gian hàng triển lãm “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam” lần thứ 2 năm 2017
Tại sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại trực tiếp với 2.000 công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ngày 22/4/2017 tại Cung Thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, liên quan đến câu hỏi của người lao động về việc Chính phủ có biện pháp gì để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, KH&CN nước ta tiếp tục phát triển và đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Tuy nhiên, chỉ số sẵn sàng công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 92; hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế; nhiều đề tài chưa sát thực tế, cơ chế chính sách còn chưa phù hợp, chưa phát huy được nhiều nguồn lực xã hội vào phát triển KH&CN. Một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ là khuyến khích doanh nghiệp tham gia và đầu tư vào hoạt động KH&CN; nhận chuyển giao và ứng dụng kết quả KH&CN, thương mại hóa sản phẩm. Về hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy KH&CN phát triển, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát, báo cáo Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa KH&CN phát triển.
Chính phủ cũng đã giao Bộ KH&CN phối hợp với các bộ ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách đổi mới cơ cấu đầu tư, nâng cao tỷ trọng đầu tư của xã hội cho KH&CN… Riêng khu vực Miền Trung Tây Nguyên, đúng là phần lớn doanh nghiệp chỉ ở mức vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, Chính phủ sẽ yêu cầu chính quyền các địa phương quan tâm hơn, có chính sách động viên khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng KH&CN tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, đặc biệt là tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, trong đó những sản phẩm nông sản có thế mạnh như cà phê, ca cao, hồ tiêu đảm bảo sạch, an toàn…
|