Tham gia sự kiện có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; đại diện Ban bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí; Sở KH&CN TP Hà Nội; đại diện một số bộ ngành liên quan; Trung tâm Tình nguyện Quốc gia; Đại học Ngoại thương; CLB Doanh nhân Sáng tạo cùng gần 2.000 người, bao gồm cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, cộng đồng IP, các nhà quản trị, doanh nhân, chuyên gia đổi mới sáng tạo và đông đảo sinh viên từ nhiều trường đại học cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc
Mục tiêu của sự kiện là góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ của cộng đồng, xã hội, đồng thời tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, khơi dậy tiềm năng chất xám trong xã hội, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển KH&CN, nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, xa hơn là sự hình thành và phát triển của nền công nghiệp, nền kinh tế sáng tạo cho Việt Nam.
Với thông điệp Chắp cánh sáng tạo Việt hy vọng sẽ tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, khơi dậy tiềm năng chất xám trong xã hội. Thông qua đó, có thể thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa – công nghiệp sáng tạo, của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhờ ứng dụng các thành tựu của KH&CN hiện đại, qua đó góp phần hình thành nền kinh tế sáng tạo cho Việt Nam; tạo ra của cải và những giá trị quý báu.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho rằng: Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Đổi mới sáng tạo – cải thiện cuộc sống”. Đây là một thông điệp hết sức quan trọng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) gửi đến mọi người trên toàn thế giới. Đổi mới sáng tạo được thể hiện dưới vô số hình thức khác nhau, từ những thứ rất thông thường đến những thứ dường như rất phi thường như: các giải pháp về năng lượng tái tạo để cung cấp điện chạy tủ lạnh, các loại vật liệu và thuốc mới tới những giống cây trồng mới,… Đổi mới sáng tạo đang làm cho cuộc sống của chúng ta khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và tốt hơn. Đổi mới sáng tạo là năng lực không giới hạn của con người, phá vỡ các giới hạn về khả năng của con người, tạo ra những năng lực mới chưa từng có. Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2017 tôn vinh năng lực sáng tạo đó.
Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ có những chính sách và hành động thiết thực để khuyến khích đổi mới sáng tạo, cụ thể là đã ban hành các cơ chế chính sách đầy đủ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp các cá nhân, tổ chức, trong đó có các nhà đổi mới sáng tạo, cộng đồng khởi nghiệp có được cơ sở pháp lý vững chắc, bảo vệ các thành quả lao động sáng tạo của mình trong nước cũng như ở nước ngoài. Theo công bố của WIPO Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 59/128 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo. Chúng ta đạt thứ hạng cao ở chỉ số “Hấp thụ tri thức”, “Dòng vốn đầu tư nước ngoài” cũng như “Lan truyền tri thức”,… nhưng chúng ta vẫn còn yếu ở nhóm chỉ số về “môi trường kinh doanh”, “xếp hạng các đại học”, “việc làm thâm dụng tri thức”, “đăng ký sáng chế quốc tế PCT”,… Điều đó cho thấy chúng ta cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực để phấn đấu đạt mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4.
Để sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo phát huy sức mạnh phục vụ cuộc sống, cần phải có sự chung tay của cộng đồng, mỗi cá nhân cần trở thành “IP MAN” có nhiều ý tưởng, tràn đầy năng lực, chung tay đưa sở hữu trí tuệ trở thành một văn hóa, một thói quen trong xã hội của chúng ta, góp phần nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia trên trường quốc tế. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết: "Trong giai đoạn tới, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Thủ đô nhằm hỗ trợ các chủ thể trong quá trình định hướng và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo". Ông Quý cũng kêu gọi thanh niên, sinh viên, các nhà sáng tạo trẻ và không chuyên cùng doanh nghiệp thủ đô luôn đi đầu sáng tạo trong hành trình khởi nghiệp và phát triển của mình.
Chương trình kỷ niệm gồm nhiều hoạt động: Mít tinh tổng kết các hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung cũng như các vấn đề về bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ tại Việt Nam; Nghi thức thả bóng bay xanh trắng tượng trưng cho niềm mong mỏi, ý chí quyết tâm về một sự giải phóng, chắp cánh ngày một mạnh mẽ hơn nữa cho khát vọng, năng lực sáng tạo của Việt Nam; Trình diễn hòa tấu âm nhạc, rap IP, nhảy flashmob để truyền đi những thông điệp, niềm cảm hứng về đổi mới sáng tạo…
Một số hình ảnh tại Chương trình:
Gần 2000 người, bao gồm cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, cộng đồng IP, các nhà quản trị, doanh nhân, chuyên gia đổi mới sáng tạo và đông đảo sinh viên từ nhiều trường đại học cao đẳng trên địa bàn Hà Nội đã tham gia điệu nhảy đồng diễn
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh tặng hoa và chứng nhận cảm ơn các cá nhân, tổ chức đồng hành cùng Chương trình
Toàn thể khán đài như đang hòa mình vào các bản nhạc để nhảy flashmob
Sinh viên từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội mang đến không khí sôi động cho sự kiện
Các đại biểu tham gia nghi thức thả bóng bay xanh trắng tượng trưng cho niềm mong mỏi, ý chí quyết tâm về một sự giải phóng, chắp cánh ngày một mạnh mẽ hơn nữa cho khát vọng, năng lực sáng tạo của Việt Nam.
Hơn 3000 bóng bay được thả lên cao.
Đại biểu, khách mời tham gia tiết mục Đi bộ bằng đầu (Walk A-head - lấy ý tưởng từ việc đi bộ bằng đầu (walk ahead) hay sự vận động không ngừng của tư duy (walk a head) nhằm cổ vũ cho hoạt động đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ ở mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội) từ Quảng trường Lý Thái Tổ tới Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Đài phun nước).