Thứ sáu, 21/04/2017 16:49 GMT+7
Hội thảo về chuyển đổi công nghệ cho ứng dụng nguồn phóng xạ hoạt độ cao
Từ ngày 19-21/4/2017, tại Hà Nội, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ KH&CN (ATBXHN) phối hợp với Văn phòng An ninh nguồn phóng xạ (ORS), Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo về chuyển đổi công nghệ cho ứng dụng nguồn phóng xạ hoạt độ cao. PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ATBXHN đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, có các chuyên gia đến từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và các đại biểu trong nước đại diện cho Bộ Y tế, Bệnh viện 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện huyết học và truyền máu trung ương và Cục ATBXHN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải đã đánh giá cao hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác hơn 10 năm qua, thực hiện nâng cao đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ có hoạt độ cao và hướng tới giảm sử dụng các nguồn phóng xạ này bằng các công nghệ thay thế. Cục trưởng cũng nhấn mạnh, việc sử dụng công nghệ thay thế không sử dụng nguồn phóng xạ sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an ninh nguồn phóng xạ cũng như các mối đe dọa nguồn phóng xạ bị sử dụng trong các hành động khủng bố hoặc phá hoại.
Cục ATBXHN nhận được đề xuất hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ cho Việt Nam một dự án thử nghiệm sử dụng công nghệ thay thế cho nguồn phóng xạ hoạt độ cao ứng dụng trong chiếu xạ máu tại các bệnh viện. Hội thảo này sẽ là cơ hội để chuyên gia Hoa Kỳ và đại diện các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam trao đổi về các yêu cầu trong y tế tại Việt Nam đối với sản phẩm máu được chiếu xạ để tìm công nghệ thay thế tương đương. Đồng thời, hai bên cũng trao đổi về cam kết, khả năng, cơ hội và các yêu cầu để có thể triển khai dự án.
Một ứng dụng phổ biến của nguồn phóng xạ hoạt độ cao là chiếu xạ các thành phần máu để ngăn ngừa bệnh ghép chống chủ (TA-GvHD) do truyền máu, một bệnh hiếm gặp nhưng gần như luôn gây tử vong, trong đó bạch cầu từ máu người hiến tặng tấn công các mô của người nhận. Các tế bào có khả năng gây hại sẽ bị vô hiệu hóa thông qua việc áp dụng bức xạ ion hóa. Trong lịch sử, phương pháp phổ biến nhất để ngăn ngừa bệnh này là chiếu xạ máu bằng các thiết bị bức xạ có chứa nguồn Cs-137. Những tiến bộ về công nghệ đã cho ra đời các công nghệ thay thế, như máy chiếu xạ tia X, không sử dụng nguồn phóng xạ./.