Nhiều vấn đề quan trọng được giải đáp thỏa đáng
Tại buổi Họp báo thường kỳ, những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm trong thời gian gần đây như: cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo (GII); những nội dung Bộ KH&CN đã và sẽ triển khai trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; việc dán tem để đếm tổng lượng xăng dầu tại cột đo xăng, với mục đích chống thất thu thuế; các nội dung liên quan đến đổi mới hoạt động sở hữu trí tuệ, hợp tác về sở hữu trí tuệ của Việt Nam với thế giới; hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp... đã được Lãnh đạo Bộ KH&CN, Chánh Văn phòng Bộ và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời, giải đáp thoả đáng.
Trả lời phóng viên về những nội dụng Bộ KH&CN sẽ triển khai trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Bùi Thế Duy - Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cho biết, Bộ đã được Chính phủ giao nhiệm vụ làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành, địa phương tiếp cận và tận dụng tốt nhất những lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0). Lý do Bộ KH&CN được Chính phủ giao nhiệm vụ nói trên bởi bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp là nơi hội tụ các thành tựu KH&CN mới, khi đạt được ngưỡng phát triển sẽ tạo ra sức bật với nền tảng sản xuất mới.
“Từ tháng 11/2016 đến nay, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước tổ chức nhiều hội thảo và chuẩn bị báo cáo Chính phủ. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tuy là mới nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều đã có chỉ đạo, như Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công nghệ sinh học, Nghị quyết về phát triển KH&CN. Gần đây, Nghị quyết số 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng cũng nhấn mạnh việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Với các định hướng đó, chúng ta phải rà soát, điều chỉnh và nhấn mạnh lại để có định hướng phù hợp nhằm tận dụng tốt nhất những lợi thế sẵn có”– ông Duy nhấn mạnh.
Toàn cảnh họp báo
Trả lời câu hỏi của nhà báo về việc Bộ KH&CN đã triển khai chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII như thế nào, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN Hoàng Minh cho biết, ngày 06/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam.
Để thực hiện nhiệm vụ về ĐMST, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; chủ động tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng. Theo phân công của Chính phủ đối với Bộ KH&CN về chỉ số ĐMST, Bộ KH&CN chủ trì thực hiện 24 chỉ số ĐMST; hướng dẫn các Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh trong việc “tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng, cung cấp thông tin để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng”; làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), trả lời câu hỏi của phóng viên về sự hợp tác của Cục SHTT với Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) nhân chuyến thăm của Tổng Giám đốc Francis Gurry thời gian vừa qua, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết: “Bộ KH&CN đã ký thỏa thuận với WIPO xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT. WIPO sẽ hỗ trợ Việt Nam các chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia. Chuyên gia được giới thiệu là cựu Tổng Giám đốc cơ quan SHTT Singapore – người giàu kinh nghiệm trong quản lý hệ thống SHTT tương thích với Việt Nam”.
Nói về tiến trình xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia, ông Lê Ngọc Lâm cho biết, Cục SHTT đang nghiên cứu nhu cầu thực tế để đưa ra bản dự thảo và xin ý kiến chuyên gia trước khi gửi bản hoàn chỉnh lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, cơ quan, viện, trường...
“Chiến lược sẽ đưa ra giải pháp để đẩy mạnh thương mại hóa tài sản SHTT, giúp doanh nghiệp có thêm giá trị gia tăng thông qua tài sản vô hình. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đàm phán với WIPO để tận dụng các công cụ SHTT của họ ở Việt Nam. Điển hình nhất là hệ thống IP Hub cung cấp cho các viện nghiên cứu, trường đại học, giúp họ thuận tiện hơn trong việc tra cứu các sáng chế, sở hữu công nghiệp. Hệ thống của WIPO đang tiến hành dịch từ thông tin của tất cả các nước trên thế giới, giúp các nhà nghiên cứu của Việt Nam thuận tiện trong việc tìm đọc thông tin khi đăng ký sản phẩm SHTT. Hệ thống này một mặt nâng cao năng lực nghiên cứu cho các viện, trường, mặt khác giúp họ có biện pháp thương mại hóa ứng dụng để đạt các lợi ích kinh tế từ quyền SHTT” – ông Lâm giải thích thêm.
Tập trung hoàn thiện một số chính sách
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã điểm lại các hoạt động nổi bật của Bộ KH&CN trong quý I/2017. Trong đó, về công tác xây dựng cơ chế chính sách, quý 1/2017 Bộ KH&CN tập trung xây dựng tiến tới hoàn thiện một số chính sách, bao gồm một số nội dung chính như trình Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành KH&CN; trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nhằm cải thiện Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) do Chính phủ giao tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017. Trong đó có việc xây dựng tài liệu hướng dẫn nhanh về khái niệm và nguồn thông tin của các chỉ số về ĐMST; phối hợp với các chuyên gia của WIPO tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ về nâng cao Chỉ số ĐMST toàn cầu. Cũng trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã ký ban hành Thông tư số 01/TT-BKHCN quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 54/1016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN.
Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao. Dự thảo Luật với 6 Chương, 59 Điều đã bao quát các vấn đề đặt ra đối với phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế chính sách pháp luật về KH&CN, trong quý I/2017, Bộ KH&CN cũng đã tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo quan trọng như: Tổ chức Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN (đợt 5); Đón tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đến thăm và làm việc tại Việt Nam, phối hợp với các chuyên gia của WIPO tổ chức Hội nghị hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ về nâng cao Chỉ số ĐMST toàn cầu; Ký kết Biên bản ghi nhớ xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT của Việt Nam giữa Bộ KH&CN và WIPO; Tổ chức trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia và Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi họp báo
Trong quý II/2017, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về KH&CN, đồng thời, tổ chức các hoạt động, sự kiện theo kế hoạch, đặc biệt gắn với các sự kiện lớn chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 như: Tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Hồng; Hội thảo các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN; Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Luật CGCN (sửa đổi) được xem xét để thông qua tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội; Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Hội nghị Ủy ban KH&CN ASEAN lần thứ 72 (COST-72) và các cuộc họp liên quan; Hội nghị quan chức cấp cao APEC SOM2 sẽ được tổ chức vào tháng 5 tại Hà Nội và SOM3 vào tháng 9 tại Đà Nẵng (Nhóm đối tác Chính sách KH&CN và Đổi mới APEC-PPSTI-10).