Thứ năm, 05/01/2017 10:35 GMT+7

Nghiên cứu thành công 3 đề tài khoa học cấp thành phố phục vụ sản xuất, kinh doanh

Ngày 30/12/2016, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị đánh giá, nghiệm thu 3 đề tài nghiên cứu khoa học mang tên: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy nong ống tự động trên dây chuyền sản xuất ống nhựa u.PVC”; “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị thử khả năng chịu áp suất thủy tĩnh di động cho ống và phụ tùng HDPE có đường kính 1,4 đến 2m” và “Nghiên cứu cải tiến máy dán ống HDPE”. Các đề tài trên đều do kỹ sư của công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong thực hiện.
 
Những năm gần đây, việc sử dụng ống nhựa u.PVC và HDPE để thay thế cho ống bê tông, gang, thép, gốm sứ...trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp đang trở thành xu hướng mới và ngày càng phổ biến do có nhiều đặc tính kỹ thuật ưu việt như: trọng lượng nhẹ, chống gỉ sét, không độc hại và tuổi thọ trung bình có thể lên đến 50 năm.

Dây chuyền sản xuất ống HDPE 2000 công ty Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong

Tuy vậy, các thiết bị máy nong ống tự động trên dây chuyên sản xuất ống nhựa u.PVC phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài có giá thành rất cao (khoảng từ 950 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng) nhưng cho chất lượng sản phẩm không ổn định. Để chủ động trong sản xuất và kiểm soát chất lượng, kỹ sư Nguyễn Quốc Trường - Tổng giám đốc công ty Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong và các cộng sự đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy nong ống tự động trên dây chuyền sản xuất ống nhựa u.PVC. Sản phẩm nghiên cứu của nhóm tác giả đáp ứng được các yêu cầu, như: dễ vận hành, chất lượng đầu nong đạt tiêu chuẩn ISO 1452 và DIN 19532, giá thành chế tạo thấp (khoảng 1,8 tỷ đồng), tiết kiệm nhiên liệu, điện năng... Việc chế tạo thành công thiết bị nong ống tự động giúp công ty hoàn toàn tự chủ về công nghệ, không còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu thiết bị từ đối tác nước ngoài.

Với các công trình thi công có hệ thống đường ống HDPE, công ty Tiền Phong đều giúp khách hàng thử áp lực ống trước khi đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo các mối nối, gối đỡ, tê cút đều chịu được áp lực va đập của nước và không bị rò rỉ. Tuy nhiên, các trạm thử áp IPT nhập khẩu của Đức và bộ đầu bịt ống ɸ1000 nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ thử nghiệm được với các ống có đường kính từ 1,2m trở xuống. Nguyên nhân là do: bộ đầu bịt ống này không thể lắp ráp với ống có độ ô van tối đa hoặc tối thiểu của dải tiêu chuẩn sản phẩm; zoăng làm kín có cấu tạo dễ bị rò rỉ nước; kết cấu chưa hợp lý gây khó khăn trong quá trình lắp đặt… Với mong muốn khắc phục các hạn chế này, công ty đã tiến hành nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công thiết bị thử khả năng chịu áp suất thủy tĩnh di động cho ống và phụ tùng HDPE có đường kính từ 1,4 đến 2m (kỹ sư Nguyễn Quốc Trường làm chủ nhiệm đề tài). Kết quả, đã chế tạo thành công, lắp ráp, hiệu chỉnh và xây dựng quy trình vận hành thiết bị thử áp suất di động cho tất cả các cỡ ống HDPE từ 1,4m – 1,6m – 2m đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 1167:2006. 

Đối với đề tài “Nghiên cứu cải tiến, thiết kế, chế tạo máy dán ống HDPE” do kỹ sư Trần Bá Phúc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty làm chủ nhiệm, máy được chế tạo để đáp ứng nhu cầu dán các ống có đường kính 315mm đến 630mm cho chất lượng mối dán đạt tiêu chuẩn ISO 31270. Quá trình thử nghiệm, hiệu chỉnh kỹ thuật, vận hành thiết bị được đánh giá đảm bảo tính khoa học, có tính mới, sáng tạo, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất và kinh doanh của đơn vị.


Hội đồng Tư vấn Khoa học và Công nghệ tiến hành đánh giá, nghiệm thu đề tài

2 trong số 3 đề tài nghiên cứu trên được thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, xếp loại xuất sắc, 1 đề tài đạt yêu cầu. Kết quả triển khai các đề tài này hoàn toàn có thể đưa vào ứng dụng, nhân rộng đối với các dây chuyền khác của công ty Nhựa Tiền Phong cũng như các công ty khác trong ngành nhựa.

Kỹ sư vận hành dây chuyền sản xuất tự động hóa công ty Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong

 

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng

Lượt xem: 2189

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)