Thứ tư, 04/01/2017 16:15 GMT+7

Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 04/01/2017, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng các Bộ, ngành cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Hội nghị được tổ chức với mục đích nhìn nhận lại những kết quả, hạn chế của KH&CN trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo để đưa KH&CN đóng vai trò quan trọng, trọng yếu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đầu cầu Trung ương tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, đầu cầu địa phương tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chủ trì Hội nghị. 

Đến dự Hội nghị còn có các đồng chí: Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn; Lãnh đạo, đại diện các Bộ, ban ngành, viện nghiên cứu, trường đại học. Tham dự Hội nghị tại đầu cầu các địa phương có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Sở KH&CN và các sở, ban, ngành. 

Về phía Bộ KH&CN, tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. 



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chủ trì Hội nghị


Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong năm 2016, ngành KH&CN đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. KH&CN cũng đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung.

Hoạt động KH&CN trong năm qua đã có nhiều kết quả nổi bật, thể hiện trong các nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với các cam kết quốc tế và triển khai định hướng đổi mới trong lĩnh vực KH&CN, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ (ĐMCN), ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; khoa học xã hội, nhân văn phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; KH&CN đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; KH&CN ở địa phương; Phát triển tiềm lực KH&CN; Thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN; Phát triển thị trường KH&CN; Các hoạt động hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh; Hội nhập quốc tế về KH&CN;… 

Theo đó, hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết, phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ĐMCN; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường KH&CN. Các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) trình Quốc hội và báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa các nội dung về quỹ đầu tư mạo hiểm vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm khuyến khích đầu tư mạo hiểm cho hoạt động ĐMST; Hoàn thành, trình Chính phủ đúng thời hạn 3 Nghị định về điều kiện kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Đồng thời, trực tiếp tham dự, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo tổng hợp, báo cáo chuyên đề để phục vụ nội dung giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”; hoạt động giám sát về KH&CN tại nhiều địa phương trong cả nước của Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Khoa học xã hội và nhân văn đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, giúp các cơ quan chức năng hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng đất nước bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Năm 2015, 2016 các kết quả nghiên cứu đã phục vụ trực tiếp xây dựng Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới (1986-2016), soạn thảo các dự thảo văn kiện Đại hội XII và các Hội nghị Trung ương Đảng. 
 


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh báo cáo tại Hội nghị


KH&CN có những bước tiến lớn

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt bậc của ngành KH&CN, thời gian qua, KH&CN Việt Nam đã có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng. Tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp có mức gia tăng 1-2% so với năm 2015. Các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp. Kết quả KH&CN được ứng dụng trong nông nghiệp giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, đã thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại sản phẩm, thiết bị cơ khí đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh. Qua hoạt động KH&CN, các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã khẳng định được thương hiệu, vị thế ở thị trường trong nước và thế giới, có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD, một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, điển hình như giàn khoan tự nâng 120m (Tam Đảo 05) - giàn khoan tự nâng dầu khí lớn nhất Việt Nam hạ thủy, bàn giao cho chủ đầu tư Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro ngày 12/08/2016; các loại động cơ điện công suất đến 5 MW, tuabin công suất đến 6MW, các loại biến áp đến 500kV, chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của Châu Âu.

ĐMCN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong các ngành kinh tế mũi nhọn. Việc đầu tư ĐMCN trong ngành khai thác than, khoáng sản đã góp phần tăng sản lượng than khai thác bình quân 14%/năm, tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò tăng vượt bậc từ 10% đến 80% trong những năm qua. Lĩnh vực dầu khí, đã nắm vững nhiều công nghệ hiện đại, áp dụng để nâng cao hệ số thu hồi dầu ở các mỏ trong khai thác thứ cấp, tam cấp như: Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng... 

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, về khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo các cụm khối, hệ thống kiểm tra phục vụ cho công tác bảo đảm kỹ thuật; nghiên cứu thiết kế, chế tạo mới, cải tiến, hiện đại hoá, bảo đảm kỹ thuật cho các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật theo hướng công nghệ cao, tăng tầm bắn, tăng uy lực, khả năng cơ động, tăng độ chính xác, tích hợp khả năng dẫn đường; xây dựng các hệ thống giám sát có chủ đích trên không gian mạng;... 

Với lĩnh vực y tế, các công trình nghiên cứu đã góp phần dự phòng, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đã được nghiên cứu ứng dụng thành công, nhiều loại bệnh đã được chẩn đoán, điều trị với tỷ lệ thành công cao, giá thành rẻ, tiết kiệm cho xã hội hàng trăm tỷ đồng, tiết kiệm ngoại tệ hàng tỷ đô la/năm do không phải ra nước ngoài điều trị. Vai trò, vị thế nền y tế Việt Nam ở một số lĩnh vực đã được nâng cao ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới như: Ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp,... Sau khi nghiên cứu thành công ghép các tạng đơn lẻ như ghép thận, gan, tim, các nhà khoa học Việt Nam đã chủ động thực hiện được ghép đồng thời 2 tạng (thận và tụy). 

Tại các địa phương, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã bám sát hơn, phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch theo hướng nâng cao tính ứng dụng, hiệu quả. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng nhiều địa phương đã quan tâm hơn đến đầu tư cho KH&CN. Một đặc điểm nổi bật trong hoạt động KH&CN ở các địa phương năm 2016 và những năm gần đây là đã ngày càng chú trọng ngày vào việc ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, trọng điểm, sản phẩm đặc sản của địa phương; thúc đẩy hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Trong 10 kết quả nổi bật năm 2016 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tổng kết mới đây đã khẳng định việc phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Theo Thủ tướng, lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891.000 tỷ đồng. Cùng với đó, năm 2016 đã được xác định là năm quốc gia khởi nghiệp. Trong năm 2016, hoạt động thúc đẩy hình thành, phát triển doanh nghiệp KH&CN; phát triển thị trường KH&CN; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, ĐMCN là một trong những hoạt động được ngành KH&CN triển khai mạnh mẽ, rộng khắp và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều này đã đóng góp đáng kể vào việc hình thành, phát triển các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, tính đến tháng 6/2016, cả nước có khoảng 250 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận đang trong quá trình thẩm định, họp hội đồng đánh giá và có khoảng 2.100 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp KH&CN. Theo thống kê từ Topica Founder Institute và Geektime, hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. 
 


Toàn cảnh Hội nghị


Đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KH&CN 

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu ý kiến một cách tập trung, thẳng thắn nêu những điểm còn khó khăn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, để KH&CN thực sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua có đóng góp quan trọng của KH&CN. Cụ thể, xếp hạng về kinh tế của Việt Nam đứng trên 100 nhưng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu đứng thứ 59. Trong đó, các nhóm chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến KH&CN xếp dưới 50. Điều đó cho thấy, dù còn bất cập nhưng giới KH&CN nước ta đã rất cố gắng so với mặt bằng chung. 

Trong chỉ đạo, bước đầu đã coi trọng ứng dụng KH&CN, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng không coi nhẹ khoa học xã hội và khoa học cơ bản. 

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Chúng tôi nhận thấy rằng điều này không phải do các nhà khoa học gây ra mà do cơ chế của nhà nước”, Thủ tướng nói. 
 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị


Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển KH&CN thành công, phải có 6 yếu tố gồm thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KH&CN. 

Thủ tướng nhấn mạnh, phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương. Thủ tướng khẳng định, luôn lắng nghe và tiếp mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc. Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KH&CN, nhất là con người và thể chế. Tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng. Việc tháo gỡ thể chế nào kìm hãm sự phát triển của KH&CN thì chính Bộ KH&CN phải đề xuất lên Trung ương Đảng, Chính phủ.

Phải bảo đảm năng lực thực thi pháp luật trong việc bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, nếu không chúng ta khó có thể phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực. “Không có tập đoàn quốc tế nào muốn đặt trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam nếu họ e ngại về quyền sở hữu trí tuệ”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng yêu cầu rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam để xây dựng quy hoạch chiến lược đào tạo và sử dụng tối ưu. Thủ tướng lưu ý, Bộ KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong vấn đề này.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu KH&CN phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp nhất. Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Cân nhắc hình thành một chợ giao dịch về công nghệ để ở đó, nhu cầu công nghệ và sản phẩm công nghệ có thể giao thoa với nhau.

Theo Thủ tướng, phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Nếu các nhà khoa học suốt ngày lo nghĩ thủ tục hành chính thì rơi rụng về am hiểu chuyên môn trong khi am hiểu về thủ tục hành chính lại tăng lên. “Hãy làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vất vả”, Thủ tướng nói.

Cho rằng toàn cầu hóa là cơ hội to lớn, nếu bỏ lỡ thì chúng ta sẽ bị tụt lại xa hơn mà văn minh nhân loại có được, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng KH&CN; tập trung tháo gỡ nút thắt trong thể chế về KH&CN.

Thủ tướng lưu ý và đề nghị Bộ KH&CN và các đơn vị trong hệ thống KH&CN bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe "hơi thở cuộc sống", xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt “3 nhà” (nhà khoa học, nhà nước, nhà sản xuất). Đi liền với đó, cán bộ ngành KH&CN cần tăng cường chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo Nghị quyết Trung ương 4.
 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN, Lãnh đạo Bộ KH&CN.

 

Nguồn: Hạnh Nguyên, (Ảnh: Ngũ Hiệp)

Lượt xem: 10709

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)