Thứ sáu, 24/02/2017 09:12 GMT+7

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Định hướng phát triển đúng tiêu chí công nghệ cao

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc phải vận hành đạt đúng với định hướng ban đầu: trở thành thành phố khoa học, một đô thị sinh thái và thông minh, nơi tập trung liên kết đào tạo hoạt động ươm tạo, phát triển doanh nghiệp, ứng dụng chuyển giao CNC. Nói cách khác, đây không phải là khu công nghiệp CNC thông thường, nơi chỉ lắp ráp gia công mà phải thực sự có chất của khu CNC.

Để thực hiện được điều này, đòi hỏi công tác quản lý, vận hành, thu hút đầu tư vào Khu CNC phải có những tiêu chí thực sự rõ ràng. Để làm rõ những vấn đề này, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc sau chuyến thăm và làm việc với Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 16/2/2017 vừa qua.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm dây chuyền sản xuất thiết bị đầu cuối của VNPT- một trong những tập đoàn đang đầu tư mạnh về KH&CN tại Khu CNC Hòa Lạc

Thu hút đầu tư: Giải phóng mặt bằng cần nhưng chưa đủ

Phóng viên: - Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo trong năm 2017 phải giải phóng xong mặt bằng cho Khu CNC Hòa Lạc, vậy Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành như thế nào để đạt được mục tiêu này?

Ông Nguyễn Trung Quỳnh: - Tôi có thể nói rằng, đây là quyết định rất quan trọng của Thủ tướng Chính phủ vì công tác giải phóng mặt bằng càng kéo dài thì càng khó khăn và kinh phí càng lớn. Trong thời gian gần đây, về mặt cơ chế, Khu CNC Hòa Lạc đã được các cấp các ngành về cơ bản giải quyết. Vấn đề lớn nhất hiện nay là vốn. Việc này cũng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết và chúng tôi đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND thành phố Hà Nội chi đủ vốn để thực hiện quyết định của Thủ tướng.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh, phần giải phóng mặt bằng còn lại là những công việc rất khó khăn và để triển khai được cần sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị liên quan. Chính vì vậy, để đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng đúng kế hoạch, tiến độ đề ra ngoài việc giải phóng mặt bằng tại Khu CNC Hòa Lạc thì cần phải hoàn thiện bố trí các dự án tái định cư cho các hộ trong diện giải tỏa có nơi ăn chốn ở theo đúng quy định pháp luật.

- Vâng, với sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ KH&CN cũng như sự phối hợp của các Bộ, Ngành trong công tác giải phóng mặt bằng thì việc thu hút đầu tư cho Khu CNC Hòa Lạc sẽ được thuận lợi như thế nào, thưa ông?

- Thực sự, khi công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng xong thì đây là những yếu tố cơ bản nhất để thu hút đầu tư. Tín hiệu này đã được thể hiện trong vài năm gần đây sự quan tâm của các nhà đầu tư đã tăng lên rất nhiều. Nhưng cũng cần khẳng định đây là yếu tố thiết yếu quan trọng nhưng chưa đủ để thu hút đầu tư. Để thu hút đầu tư, ngoài chuyện giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng tôi còn phải thúc đẩy liên kết giữa trung tâm thành phố Hà Nội với Khu CNC, ví dụ như giao thông hình thành các chuyến xe bus nhanh, xa hơn nữa là hình thành đường sắt nối trung tâm Hà Nội với Khu CNC Hòa Lạc. Vấn đề cũng hết sức quan trọng, đó là để Khu CNC Hòa Lạc trở thành thành phố khoa học, thông minh thì theo quan điểm của chúng tôi để thu hút người đến làm việc thì Hòa Lạc cần có cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, bệnh viện, nhà hàng, siêu thị… để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt. Chúng tôi phấn đấu Khu CNC Hòa Lạc trở thành nơi đáng sống và là điểm nhấn thu hút nguồn nhân lực cấp cao, các nhà đầu tư chất lượng.



Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc

Ưu tiên dự án dành nguồn lực cho nghiên cứu phát triển KH&CN

- Thưa ông, với mục tiêu ban đầu của Khu CNC là đảm bảo những điều kiện cần thiết về công nghệ, chứ không đơn thuần là lắp ráp, gia công thì cách thức lựa chọn nhà đầu tư như thế nào để đảm bảo đúng tiêu chí CNC?

- Tôi có thể nói rằng, khu CNC hoàn toàn khác với những khu thông thường. Hiện nay Việt Nam có 3 khu CNC: phía Bắc có Khu CNC Hòa Lạc, phía Nam có Khu CNC TP Hồ Chí Minh, miền Trung có Khu CNC Đà Nẵng. Khu CNC Hòa Lạc có những điểm tương đối khác so với những khu CNC còn lại. Quan điểm của chúng tôi: khu CNC không chỉ là lắp ráp vì lắp ráp không mang lại hàm lượng KH&CN cao, vì vậy, các dự án vào khu phải đáp ứng tiêu chí CNC theo đúng Luật CNC và đặc biệt theo danh mục sản phẩm công nghệ, sản phẩm CNC được ưu tiên theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Một phần rất quan trọng để thu hút các dự án đúng theo nghĩa CNC ngoài việc đáp ứng về công nghệ thì các nhà đầu tư phải dành nguồn lực con người, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu triển khai.

- Tôi được biết hiện nay tại Khu CNC Hòa Lạc đã có sự hiện diện của các tập đoàn lớn của Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT… Vậy ông đánh giá như thế nào về hàm lượng công nghệ trong hoạt động cũng như sản phẩm của họ trong các dự án đã đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc?

- Tôi đánh giá rất cao các doanh nghiệp này, đây là những doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam mang tính chất dẫn dắt về KH&CN. Thực tế, các doanh nghiệp này đầu tư vào con người, cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu rất lớn. Ví dụ như FPT. Trước đây, nếu nhắc đến FPT là nhắc đến gia công phần mềm nhưng đến nay họ đã có những hợp tác với các tập đoàn lớn của nước ngoài để phát triển sản phẩm. Hiện nay họ đang tiến tới tự phát triển sản phẩm và khách hàng là những doanh nghiệp lớn của thế giới. Có thể thấy, bước phát triển về công nghệ của FPT là rất lớn. Còn về Tập đoàn Viettel hay như VNPT đã sản xuất ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam do chính các đơn vị này sản xuất để thay thể nhập khẩu và xuất khẩu sang một số nước. Các ví dụ trên cho thấy, đầu tư cho KH&CN rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp, nó cũng tạo điều kiện cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có sức cạnh tranh và đi ra được thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp này đều đặt mục tiêu mang tầm khu vực và quốc tế thì yếu tố KH&CN không thể xem nhẹ. Các doanh nghiệp này có sự đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc.

- Ông có thể cho biết, đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc thì doanh nghiệp sẽ nhận được những ưu đãi gì khác so với các khu công nghệ khác không?

- Đến nay, theo Luật CNC thì ưu đãi vào khu CNC là cao nhất, tuy nhiên theo cảm nhận của chúng tôi thì chưa có những ưu điểm vượt trội hẳn cho với các khu vực bên ngoài. Ví dụ: thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn 4 năm; 9 năm tiếp theo còn 5%; 2 năm tiếp là 10%; sau đó là đóng như bình thường. Về thuế nhập khẩu: được miễn đối với các tài sản hình thành dự án; miễn thuế đối với nguyên vật liệu trong nước chưa sản xuất được trong vòng 5 năm…

- Có nhiều ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải có trường đại học trong khu CNC, vậy không ông có quan điểm gì về vấn đề này, thưa ông?

- Theo kinh nghiệm và thông tin tôi được biết thì các khu CNC thành công đều dựa rất lớn vào các trường đại học và các viện nghiên cứu. Thực sự, đối với Khu CNC Hòa Lạc thì đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư. Nhưng các trường đại học hiện nay đã được chấp nhận đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc có sự khác biệt nhất định so với các trường đại học hiện nay. Chúng tôi yêu cầu phải đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu , phát triển. Bởi các trường đại học trên thế giới hoạt động này rất mạnh và các khu CNC đều dựa vào hoạt động này để phát triển. Thứ nữa, với các trường này, chúng tôi đề xuất phải đào tạo theo đề xuất nhu cầu của doanh nghiệp (khoảng 20% quỹ thời gian đào tạo). Làm được điều này sẽ thu hẹp được khoảng cách giữa công tác đào tạo và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Tôi khẳng định lại lần nữa, đối với Khu CNC Hòa Lạc, các trường đại học có một vai trò quan trọng trong hoạt động và phát triển của Khu.

- Xin trân trọng cảm ơn ông vì những trao đổi rất thẳng thắn.

Ngày 16/2/2017, trong buổi làm việc với Khu CNC Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan ngay trong năm 2017 này phải giải phóng xong mặt bằng làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư. Đây là thông tin đáng mừng bởi sau gần 20 năm, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng mới đạt hơn 80% và nhiệm vụ tiếp theo mà người đứng đầu chỉ đạo đó là phải vận hành Khu CNC đạt đúng với định hướng ban đầu: trở thành thành phố khoa học, một đô thị sinh thái và thông minh, nơi tập trung liên kết đào tạo hoạt động ươm tạo CNC, doanh nghiệp CNC, ứng dụng chuyển giao CNC. Nói cách khác, đây không phải là khu công nghiệp CNC thông thường, nơi chỉ lắp ráp gia công mà phải thực sự có chất của khu CNC.


 

Nguồn: Minh Châu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3271

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)