Thứ tư, 22/02/2017 09:03 GMT+7
Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm da thuộc đà điểu mang thương hiệu Việt Nam
Đà điểu được nuôi ở nước ta từ 1995 với sự phát triển nhanh, mạnh. Trên mặt trận nông nghiệp đã hình thành một ngành hàng mới sản xuất sản phẩm chất lượng cao có quy mô và tỷ xuất hàng hóa lớn đáp ứng tiêu dùng trong nước và hướng ra xuất khẩu là da đà điểu. Đà điểu trở thành con vật xóa đói giảm nghèo cho người nông dân.
Ngoài chức năng bảo vệ cơ thể trước tác động cơ học, da đà điểu còn có các chức năng như điều hòa nhiệt độ cơ thể, thải bỏ các chất không thích hợp ra khỏi cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, điều hòa lượng nước và là xúc giác của cơ thể,…
Viện nghiên cứu Da - Giầy là cơ quan chủ trì đã cùng kết hợp Kỹ sư Nguyễn Hữu Cương thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm da thuộc đà điểu mang thương hiệu Việt Nam” vào năm 2013 với mục tiêu về chất lượng sản phẩm và quy mô sản xuất thử nghiệm da thuộc đà điểu.
Trong thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã từng bước hoàn thiện quy trình công nghệ thuộc da đà điểu. Sản phẩm da thuộc có chất lượng ngày một nâng cao, tiệm cận với yêu cầu đặt ra, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh và bảo vệ môi trường. Tiêu chuẩn kỹ thuật đã từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đề ra. Kết quả dự án sản xuất thử nghiệm mang ý nghĩa cao về khoa học và thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của ngành da giầy Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã kết hợp đào tạo và chuyển giao công nghệ thuộc và hoàn thiện da đà điểu cho công ty TNHH Thiên Lan (Thanh Hóa). Điều đó chứng tỏ quy trình công nghệ thuộc da đà điểu có tính khả thi cao.
Nhóm thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm đã hoàn thành phần việc hoàn thiện công nghệ thuộc và trau chuốt da đà điểu, mới thực hiện sản xuất thử nghiệm được 1.009 tấn da đà điểu.
Có thể tìm đọc toàn văn nội dung đề tài với mã số 11012/2015 tại Cục Thông tin KH&CN QG
Nguồn: Đ.T.V (NASATI)
Lượt xem: 1592