7 nhóm lọt vào Chung kết cuộc thi
Phát biểu khai mạc Chung kết, ông Đỗ Việt Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án BIPP cho biết, đối tượng dự thi “Hành trình khởi nghiệp 2016” là học sinh - sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ, doanh nghiệp trẻ. Cuộc thi khuyến khích các nhóm dự thi có sự kết hợp nhiều thành phần (sinh viên kết hợp nhà nghiên cứu, nhà nghiên cứu kết hợp doanh nghiệp… ). Cuộc thi “Hành trình khởi nghiệp 2016” được tổ chức với mong muốn trở thành môi trường thực tập, ươm tạo và bảo trợ khởi nghiệp thường niên lớn nhất dành cho thanh niên Việt Nam yêu thích khởi nghiệp.
“Hành trình khởi nghiệp 2016” hướng tới nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin,…, hứa hẹn thu hút được nhiều nhóm đối tượng. Khác với “Ý tưởng khởi nghiệp 2015”, năm nay cuộc thi được đổi tên chính thức là “Hành trình khởi nghiệp” bởi sau khi đã tìm được những ý tưởng xuất sắc nhất sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, quan trọng hơn. Đó là ươm tạo với hỗ trợ về công nghệ để hoàn thiện sản phẩm, sau đó đến tiếp cận và đưa sản phẩm ra thị trường. Cũng có nghĩa, các ý tưởng sẽ được phát triển trong vòng 3 năm tiếp theo để có thể trở thành những sản phẩm/dịch vụ hữu ích và thiết thực trong đời sống.
Cuộc thi “Hành trình khởi nghiệp 2016” được Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ kết hợp với các đơn vị đồng tổ chức là trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ty Time Universal, với những đơn vị bảo trợ Bộ Khoa học và Công nghê, BIPP, BTC, đơn vị tài trợ là tập đoàn GFS và công ty Ngân Hà, những đơn vị đồng hành SAGE, Đại học Kinh tế quốc dân, những đơn vị bảo trợ truyền thông VTC; VITV, Diễn đàn doanh nghiệp, KHAMPHA, EBIV, YBOX.VN.
“Hành trình khởi nghiệp – startup journey 2016” gồm 3 giai đoạn:
• Giai đoạn 1: Tìm kiếm ý tưởng
• Giai đoạn 2: Đào tạo
• Giai đoạn 3: Tốt nghiệp
Trải qua các vòng tuyển chọn, từ 146 ý tưởng dự thi, tại Chung kết cuộc thi có sự tham gia của 7 đội gồm:
1. Linh Việt - sẻ chia và cùng phát triển
2. Máy đa năng làm các loại thực phẩm sử dụng men vi sinh áp dụng công nghệ nhiệt tại gia đình
3. Warm Mart (ý tưởng về trang thương mại điện tử chuyên bán sản phẩm tồn kho và thanh lý)
4. Phần mềm quản lý, công bố, minh bạch sản phẩm nông nghiệp từ khâu Sản xuất – Phân phối - Tiêu dùng theo chuẩn mã QR
5. FermenTech (VFT) (nguyên liệu sinh học bền vững)
6. PM - Perfect Meal (Bữa ăn hoàn hảo)
7. Mediknow (ứng dụng y tế trên điện thoại)
Phát biểu tại Chung kết, TS. Phạm Hương Sơn, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ cho biết: “Hành trình khởi nghiệp 2016” giúp các nhà nghiên cứu trẻ, cá nhân/nhóm khởi nghiệp được đào tạo chính thức về khởi nghiệp, tham gia môi trường thực tế để trình bày ý tưởng sáng tạo của mình, tương tác trực tiếp với doanh nhân, cộng đồng khởi nghiệp trên cả nước để được bảo trợ và thương mại hóa ý tưởng, phát triển mô hình khởi nghiệp”.
Ông Đỗ Việt Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ tặng hoa và phần thưởng cho Dự án Fermen Tech - Hoàng Ngọc Thanh đạt Giải Nhất với ý tưởng lên men ngũ cốc với các chủng nấm dược liệu quý tạo nguyên liệu dùng cho ngành công nghiệp dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm
Kết quả chung cuộc, Giải Nhất đã thuộc về Dự án Fermen Tech (VFT) – Hoàng Ngọc Thanh với ý tưởng lên men ngũ cốc với các chủng nấm dược liệu quý tạo nguyên liệu dùng cho ngành công nghiệp dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm; nhóm MediKnow (ứng dụng y tế trên điện thoại) – Trần Thị Mai Hương đã vinh dự nhận Giải Nhì và Giải tài trợ từ Tập đoàn GFS; Giải Ba thuộc về nhóm Warm Mart (ý tưởng về trang thương mại điện tử chuyên bán sản phẩm tồn kho và thanh lý) – Luyện Thị Linh.
Kết quả “Hành trình khởi nghiệp – startup journey 2016” là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của những ý tưởng khởi nghiệp mới, hứa hẹn đem đến cho đất nước những thế hệ doanh nhân trẻ dám nghĩ dám làm. Và là tiền đề, nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ có mong muốn được hỗ trợ khởi nghiệp vào Cuộc thi năm sau.