Hội nghị có sự tham dự của 300 đại biểu đại diện cho Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Liên Hiệp các Hội KH&KT; các Tập đoàn, Tổng công ty; các cơ quan ngoại giao và Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 17/6/2010 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Qua 5 năm triển khai, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã để lại dấu ấn tích cực đối với toàn xã hội trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nói chung và tiết kiệm năng lượng mới nói riêng. Kết quả đạt được từ các chương trình, dự án triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015 đã khẳng định việc ban hành Luật là kịp thời và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chính sách phát triển năng lượng của nước ta trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dưới tác động của Luật, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc vì mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đánh giá của Viện Năng lượng, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cộng dồn cho cả giai đoạn 2011 - 2015 là 5,65% với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn này là 11,261 tấn đầu quy đổi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015 đã đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giúp cho Luật được phổ biến và triển khai thực hiện mạnh mẽ trong lĩnh vực của đời sống.
Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số khó khăn tồn tại trong quá trình thực thi như việc tuân thủ Luật còn chưa nghiêm; còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước tại các địa phương; nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng còn hạn chế. Hạn chế có thể kể đến là nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn chưa áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nên gây tình trạng hao tổn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan xây dựng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/1/2017. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung giá của mức giá bán lẻ điện giai đoạn 2016-2020.
Hội nghị đã thu hút hàng trăm đại biểu đến từ các đơn vị, tổ chức trong cả nước (Ảnh: H.A)
Tại Hội nghị này, việc triển khai Luật, các văn bản dưới Luật và các kết quả đạt được cũng như ý kiến đóng góp của các đại biểu Bộ Công thương sẽ tổng hợp và đề xuất với Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản dưới Luật để tháo gỡ rào cản khó khăn giúp Luật ứng dụng nhanh hơn vào cuộc sống.