Hội thảo còn có sự phối hợp tổ chức của các đơn vị, gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các bộ ngành liên quan.
Tham dự Hội thảo có ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN; ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM; ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ông Phan Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; ông Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, ĐHQGHN; ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc
Tham dự Hội thảo còn có gần 150 khách quốc tế là các học giả, các nhà hoạch định chính sách, đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ đến từ hơn 30 quốc gia khác nhau như Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Philipin, Nhật Bản, Malaysia,…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao ĐHQGHN và các đơn vị phối hợp đã tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5. Phó Thủ tướng cho rằng, là người Việt Nam dù ở lứa tuổi nào, vùng miền nào hay đang công tác ở quốc gia nào cũng có quyền tự hào về lịch sử đấu tranh, nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt Nam. Niềm tự hào đó đã trở thành động lực, sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn thử thách. Từ xa xưa người Việt Nam, văn hóa Việt Nam luôn gắn liền với sự sáng tạo, giao lưu học hỏi bàn bè quốc tế và ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của KH&CN thì sự sáng tạo ấy càng mạnh mẽ.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, tăng cường kết nối, xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu về Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam, có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng. Qua 4 kỳ hội thảo, các khuyến nghị, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học đã đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định ra các chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo, quản lý của Việt Nam. KH&CN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, mục đích của của Hội thảo là tạo ra diễn đàn học thuật và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam. Đẩy mạnh sự phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu, quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Cũng qua Hội thảo này tiến tới hình thành một số tổ chức quốc tế về Việt Nam học.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 700 báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn do các học giả trong nước và quốc tế gửi đến. Các báo cáo tại Hội thảo đã tập trung 6 nội dung chuyên môn như: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Nguồn lực văn hóa; Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Chuyển giao tri thức và công nghệ; Kinh tế và sinh kế và Biến đổi khí hậu.
Hội thảo đã thu hút hàng nghìn đại biểu trong và ngoài nước tham dự
Nếu các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với nội dung Việt Nam học “truyền thống” thì hội thảo lần này đã đề cập đến nội dung nghiên cứu Việt Nam rộng hơn, quan tâm đến cả vấn đề giáo dục – đào tạo, chuyển giao công nghệ và biến đổi khí hậu.
“Càng ngày chúng ta càng ta nhận rõ vai trò của KH&CN hiện đại với sự phát triển của Việt Nam. Cùng với đó, để phát triển bền vững thì không thể tách khỏi yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 cũng cho biết, trên thế giới số bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam đã lên tới 40 nghìn bài, trong đó các bài của các tác giả nước ngoài chiếm hơn 50%. Điều đó cho thấy các nhà khoa học trên thế giới đã dành sự quan tâm lớn đến các vấn đề của Việt Nam.
Hội thảo luôn là diễn đàn của các nhà nghiên cứu Việt Nam ở khắp năm châu đến trình bày các nghiên cứu của mình về Việt Nam, là sự kết nối và phát triển mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam.