Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ cũng giao cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN)
trọng trách nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai các hoạt động
ứng dụng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT); hỗ trợ
kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về NLNT, an toàn bức xạ và hạt nhân;
tổ chức hoạt động đào tạo, dịch vụ trong lĩnh vực NLNT.
Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ nâng cấp Viện NLNTVN trở thành tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ hạng đặc biệt là niềm vinh
dự, đồng thời cũng là trách nhiệm đối với cán bộ, viên chức và người lao động
đang làm việc tại Viện NLNTVN. Vinh dự, bởi lẽ Viện NLNTVN đã có sự phát triển
được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận; trách nhiệm lớn hơn, bởi lẽ Viện NLNTVN được
Thủ tướng Chính phủ giao chức năng với vị thế của một tổ chức sự nghiệp khoa học
và công nghệ hạng đặc biệt.
Trụ
sở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Trải qua hơn 35 hình
thành và phát triển, tiền thân từ Viện Nghiên cứu hạt nhân, được thành lập ngày
23/02/1979 theo Nghị định 59/CP của Hội đồng Chính phủ, Viện NLNTVN đã có sự
phát triển lớn mạnh một cách toàn diện cả về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, quy
mô hoạt động khoa học và công nghệ, tổ chức bộ máy và nhân lực với hơn 800 cán
bộ, công chức, viên chức và người lao động. So với khi mới thành lập, Viện
Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt chỉ là một đơn vị có chức năng chủ yếu là nghiên cứu
cơ bản về khoa học và kỹ thuật hạt nhân, tham gia đào tạo cán bộ cùng với một
số trường đại học; chức năng triển khai ứng dụng chưa đáng kể; đến nay Viện
NLNTVN đã trở thành một cơ sở đứng đầu về nghiên cứu cơ bản, đào tạo chuyên
gia, nghiên cứu ứng dụng, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực NLNT. Với chức
năng cơ bản nêu trên, Viện NLNTVN được giao nhiều nhiệm vụ mới, quan trọng, đặc
biệt là nhiệm vụ tham gia vào dự án điện hạt nhân (ĐHN) như đã nêu trong Quyết
định 265/QĐ-TTg, ngày 05/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án
“Tăng cường năng lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát
triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh”. Những nhiệm
vụ được giao là ở tầm quốc gia, phục vụ các chương trình trọng điểm cấp Nhà
nước.
Viện NLNTVN đã có
những bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt từ xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo
cán bộ đến triển khai ứng dụng có hiệu quả các kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy chủ trương phát triển ĐHN, tạo
niềm tin và sự ủng hộ của quốc tế cho chương trình phát triển NLNT của đất
nước. Hiện trạng và những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực NLNT thời gian qua
của Viện NLNTVN có thể tóm tắt như sau:
Về
quy mô tổ chức, khối lượng công việc: Với mô hình tổ chức ban đầu
chỉ có Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt với nhân lực khoảng 200 cán bộ, đến nay
Viện NLNTVN đã có 9 đơn vị nghiên cứu và triển khai trực thuộc ở khắp 3 miền và
hiện đang chuẩn bị thành lập thêm 2 đơn vị mới, trong đó có Trung tâm Khoa học
và Công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới có công suất gấp khoảng 30
lần so với lò phản ứng hiện nay tại Đà Lạt. Trong các đơn vị trực thuộc hiện
nay, có 4 đơn vị lớn do Chính phủ thành lập, đó là Viện Khoa học và Kỹ thuật
hạt nhân, Viện Công nghệ xạ hiếm tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu hạt nhân tại Đà
Lạt và Trung tâm hạt nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, cơ cấu tổ chức
của Viện NLNTVN hiện nay có quy mô lớn về số lượng và rộng về phạm vi địa lý,
gồm nhiều đơn vị với các mô hình hoạt động khác nhau và khối lượng công việc
gấp nhiều lần so với trước đây. Viện được giao các nhiệm vụ nghiên cứu triển
khai khoa học công nghệ hạt nhân có tầm quan trọng quốc gia, đặc biệt là các
nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, lựa chọn công nghệ, nhiên liệu hạt nhân, an
toàn phóng xạ, an toàn hạt nhân, xử lý thải phóng xạ, quan trắc phóng xạ môi
trường và đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án ĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2
nói riêng và chương trình phát triển ĐHN nói chung.
Về
cơ cấu, trình độ lao động và độ phức tạp quản lý: Các
đơn vị chuyên môn trực thuộc được chia làm 2 khối: Khối nghiên cứu phát triển ĐHN
và hỗ trợ kỹ thuật gồm 6 đơn vị và Khối nghiên cứu triển khai ứng dụng bức xạ
và đồng vị phóng xạ trong các ngành gồm 5 đơn vị. Các đơn vị đều có tư cách
pháp nhân riêng, hoạt động theo những cơ chế quản lý khác nhau. Ngoài ra, còn
có khối cơ quan phục vụ công tác quản lý. Nhân lực hiện có đến năm 2015 là 50
tiến sỹ, 135 thạc sỹ, gần 500đại học và hơn 100 kỹ thuật viên, nhân viên các
trình độ. Và hiện nay, Viện có 15 nghiên cứu sinh đang làm tiến sĩ và khoảng 23
cán bộ đang làm thạc sỹ ở nước ngoài như: Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc. Nhiều cán bộ
của Viện có trình độ cao, trong đó có một số đạt trình độ chuyên gia trong khu
vực và quốc tế trong lĩnh vực NLNT. Viện đang quản lý chuyên môn đa ngành, đa
lĩnh vực với nhiều chuyên ngành khác nhau như công nghệ hạt nhân, vật lý hạt
nhân, vật liệu hạt nhân, hóa phóng xạ, hóa phân tích, hóa vô cơ, sinh học phóng
xạ, điện tử hạt nhân, điện tử tự động hóa …, nên có tính phức tạp cao trong
công tác quản lý.
Về
hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ, phương tiện làm
việc: Các đơn vị trực thuộc đều có cơ sở làm việc riêng, tổng
số diện tích đất toàn Viện đang quản lý là khoảng 1.206.620 m2. Ngoài ra,
khoảng 100 ha sẽ được cấp cho dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản
ứng nghiên cứu mới sẽ xây dựng trong thời gian tới. Viện đang quản lý tài sản
cố định bao gồm nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải
và các tài sản cố định khác với tổng giá trị còn lại là khoảng 400 tỷ đồng,
trong đó có đầy đủ các loại thiết bị hạt nhân phục vụ nghiên cứu, đào tạo, sản
xuất và dịch vụ như lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, 1 thiết bị chiếu xạ công
nghiệp dùng nguồn Co-60 tại Tp. Hồ Chí Minh và 1 thiết bị chiếu xạ bán công
nghiệp tại Hà Nội, 1 máy gia tốc cyclotron 13 MeV để nghiên cứu và sản xuất
đồng vị phóng xạ cho y tế, 1 máy gia tốc chùm tia điện tử để chiếu xạ khử trùng
và bảo quản thực phẩm, vật tư y tế, các cơ sở sản xuất thử nghiệm quy mô nhỏ về
xử lý quặng urani và xử lý monazit và rất nhiều hệ thiết bị đắt tiền khác phục
vụ phân tích nguyên tố, phân tích cấu trúc vật liệu polyme, định liều bức xạ
cho nhân viên bức xạ trong cả nước.
Về
hiệu quả sử dụng các nguồn lực, kết quả hoạt động có thu và mức độ đáp ứng nhu
cầu phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; phát huy vai
trò, tác dụng thực tế: Cùng với nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho
công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT, nhiệm vụ quan trọng của Viện là
nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các sản phẩm và dịch vụ chính của
Viện là cung cấp đồng vị phóng xạ cho gần 30 khoa y học hạt nhân và cơ sở xạ
trị trong nước, chẩn đoán và điều trị cho trên 300 nghìn lượt bệnh nhân mỗi
năm, cung cấp giống cây trồng, các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vi
sinh, polymer giữ nước cho nông nghiệp, làm dịch vụ định liều chiếu ngoài cho
trên 10 nghìn nhân viên bức xạ trong cả nước, dịch vụ chiếu xạ khử trùng và bảo
quản hàng nông sản và thực phẩm xuất khẩu, các sản phẩm từ quặng và vật liệu…
Doanh thu từ sản xuất các sản phẩm và dịch vụ đạt khoảng 200 tỷ mỗi năm. Nhờ
vậy, tất cả các đơn vị trực thuộc của Viện đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế
tự chủ, tự trang trải kinh phí theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ,
trong đó có 2 đơn vị tự chủ 100% kinh phí, còn lại là tự chủ một phần kinh phí
hoạt động thường xuyên.
Về
lịch sử phát triển: Viện NLNTVN đã trải qua các thời kỳ khác
nhau của sự phát triển. Về tổ chức quản lý, trong những thời kỳ trước đây, Viện
đã từng là đơn vị nghiên cứu trực thuộc Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng trước đây).
Mặc dù có những thay đổi về cơ chế quản lý, trong suốt thời gian qua quy mô của
Viện vẫn không ngừng phát triển. Viện vẫn luôn luôn đóng vai trò hàng đầu trong
thực hiện các chức năng nhiệm vụ phát triển ngành NLNT của đất nước.
Như vậy, từ thực tế lịch
sử, tổ chức và hoạt động của Viện NLNTVN nêu trên cùng với những yêu cầu, nhiệm
vụ trong thời gian tới đặt ra, cho thấy việc nâng cấp Viện NLNTVN lên tổ chức
khoa học công nghệ cấp quốc gia, hạng đặc biệt là rất cần thiết, để tương xứng
với vai trò và nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ giao, nhằm bảo
đảm cho Viện NLNTVN cũng như các đơn vị trực thuộc Viện có đủ quyền hạn, trách
nhiệm và tầm cỡ tương xứng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng
dụng và triển khai mang tính chất quốc gia về NLNT, cũng như phục vụ chương
trình phát triển ĐHN dài hạn của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ
đã quyết định để Viện NLNTVN có vị thế quan trọng, kể cả đối nội và đối ngoại,
trong việc triển khai dự án ĐHN đầu tiên đã được Quốc hội thông qua năm 2009;
trong việc nghiên cứu triển khai các hoạt động ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng
xạ và kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế - kỹ thuật; góp phần trọng yếu,
chủ lực nhằm thực hiện thành công Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa
bình. Viện có điều kiện để thực hiện tốt hơn trọng trách, thông qua trao đổi
công tác, phối hợp nghiên cứu, hợp tác làm việc với các viện đầu ngành, các
tổng cục, tập đoàn… Viện cũng có thể làm tốt hơn trách nhiệm đầu mối hợp tác
quốc tế về khoa học công nghệ trong lĩnh vực NLNT với Cơ quan Năng lượng nguyên
tử Quốc tế, Tổ chức hợp tác vùng châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hạt nhân
châu Á và hợp tác song phương với các cơ quan năng lượng nguyên tử của nhiều
nước trên thế giới, mà theo cơ cấu tổ chức của họ, các cơ quan này hầu hết là
trực thuộc Thủ tướng hoặc Tổng thống.
Ngày 6/1/2016, với
Quyết định số 30/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Viện NLNTVN vinh dự là Viện
nghiên cứu thứ 4 trên toàn quốc được xếp hạng đặc biệt, cùng với 3 Viện nghiên
cứu đầu ngành như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi
Việt Nam và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn. Nhìn lại trong lịch sử thì Viện NLNTVN đã có giai đoạn từ 1979
đến 1993 là Viện cấp Quốc gia, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng
Chính phủ.
Trong bối cảnh chung của thế
giới và Việt Nam hiện nay, với vị trí là
tổ
chức sự nghiệp khoa học và công nghệ hạng đặc biệt và mục tiêu phát triển Viện NLNTVN thành một cơ quan nghiên cứu
và triển khai đầu ngành của quốc gia về NLNT có các viện, trung tâm nghiên cứu
chuyên ngành, trung tâm triển khai ứng dụng công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ
và kỹ thuật hạt nhân trên toàn quốc; đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông
Nam Á,
Viện NLNTVN xác định rõ vai
trò nhiệm vụ của mình với 2 định hướng chiến lược là: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ, và Hỗ trợ
phát triển
điện hạt nhân. Đối với nhiệm vụ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ
và đồng vị phóng xạ, Viện sẽ tập trung thúc đẩy ứng dụng bằng xã hội hóa các kỹ thuật công
nghệ đã có, nguồn ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư vào nghiên cứu tiên tiến. Đối với nhiệm
vụ nghiên
cứu triển khai hỗ trợ chương trình phát triển ĐHN, Viện sẽ tập trung đào tạo nhân
lực, đội ngũ chuyên gia, thúc đẩy
nghiên cứu công nghệ và an toàn ĐHN, và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ trên cơ sở
xác định rõ các hướng nghiên cứu ưu tiên mang tính chiến lược và cần thiết.
Trong những năm tới,
định hướng hoạt động của Viện NLNTVN như sau:
1) Nghiên cứu triển khai ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ
Trong lĩnh vực y tế:
Hỗ trợ cho hoạt động
của các viện, trung tâm quốc gia và các trung tâm khu vực về y học hạt nhân và
xạ trị. Đảm bảo khả năng sản xuất các loại đồng vị và dược chất phóng xạ trên
lò phản ứng và máy gia tốc đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đảm bảo các dịch vụ kỹ thuật về bảo dưỡng và sửa chữa máy gia tốc, các thiết bị
điện tử hạt nhân phục vụ ngành y tế trong cả nước. Nghiên cứu để tiến đến chế
tạo trong nước các thiết bị ghi đo bức xạ cho y tế. Phát triển các ứng dụng
công nghệ bức xạ trong y tế.
Trong lĩnh vực ứng dụng trong nông, lâm,
ngư nghiệp:
Nghiên cứu và ứng
dụng kỹ thuật đột biến phóng xạ tạo ra nguồn gen quý và một số giống cây trồng
quốc gia có giá trị kinh tế. Phát triển các sản phẩm và công nghệ mới trong
lĩnh vực phân bón, thức ăn gia súc, chế phẩm kích thích tăng trưởng và bảo vệ
thực vật, chế phẩm phòng và trị nấm bệnh thực vật, polymer trương nước chống
hạn cho cây trồng, công nghệ tiệt sinh sâu bệnh, kỹ thuật canh tác, quản lý đất
bằng kỹ thuật hạt nhân và các công nghệ liên quan phục vụ cho các lĩnh vực
nông, lâm và ngư nghiệp. Mở rộng chủng loại và năng lực chiếu xạ thanh trùng
thủy hải sản, nông sản, hoa quả tại các cơ sở của Viện phục vụ các nhu cầu nội
tiêu và xuất khẩu.
Đẩy mạnh ứng dụng trong các ngành công
nghiệp, xây dựng, giao thông, tài nguyên và môi trường:
Nghiên cứu và triển
khai ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp dầu khí, than,
xi măng, khai khoáng, các ngành công nghiệp hóa chất và chế tạo máy. Phát triển
các sản phẩm và công nghệ vật liệu mới sử dụng kỹ thuật chiếu xạ gamma và chùm
điện tử gia tốc.
Tăng cường năng lực
nghiên cứu và triển khai ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật hạt nhân trong kiểm tra
đánh giá chất lượng, tuổi thọ các công trình giao thông và xây lắp, đặc biệt
công trình xây dựng nhà máy ĐHN.
Tăng cường năng lực
nghiên cứu và triển khai ứng dụng hiệu quả kỹ thuật thủy văn đồng vị và đồng vị
đánh dấu trong quản lý và khai thác nước ngầm, đánh giá an toàn các công trình
đê, đập, bồi lắng các hồ chứa nước.
Nghiên cứu đánh giá ô
nhiễm môi trường và xử lý một số loại ô nhiễm bằng các công nghệ hạt nhân và
liên quan. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và lắp đặt thiết bị xử lý ô nhiễm môi
trường.
2) Nghiên cứu phát triển điện hạt nhân và hỗ trợ kỹ
thuật
Trong lĩnh vực công nghệ và an toàn nhà
máy điện hạt nhân:
Xây dựng năng lực
nghiên cứu, tư vấn, triển khai về công nghệ, thiết kế, phân tích an toàn nhà
máy ĐHN nhằm hỗ trợ tốt cho các dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2,
và các dự án tiếp theo:
- Xây dựng đội ngũ
nhân lực khoa học và công nghệ có đủ năng lực nắm vững về thiết kế, chế tạo,
xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng nhà máy ĐHN. Nghiên cứu các loại công
nghệ mới của nhà máy ĐHN trên thế giới để chuẩn bị cho chương trình phát triển
dài hạn về ĐHN của Việt Nam;
- Các hướng nghiên
cứu phục vụ tiếp thu và làm chủ công nghệ: Vật lý hạt nhân và số liệu hạt nhân,
vật lý nơtron và động học lò phản ứng, che chắn bức xạ, vật lý và kỹ thuật lò
phản ứng, an toàn lò phản ứng, vận hành và bảo dưỡng lò phản ứng, hệ thống cung
cấp hơi hạt nhân (NSSS), hệ thống kiểm soát và điều khiển (I&C), thiết kế
hệ thống nhà máy ĐHN, đo đạc và bảo vệ bức xạ, vật lý y học, khoa học vật liệu
(thép, thép không rỉ, bê tông, ...), phát triển công cụ tính toán, chuẩn bị
năng lực R&D hỗ trợ công nghiệp trong nước phục vụ cho chương trình chế tạo
thiết bị nhà máy ĐHN.
- Triển khai các
hướng nghiên cứu về an toàn nhà máy ĐHN, đánh giá an toàn động đất các cấu trúc
và thành phần của nhà máy địên hạt nhân, phân tích an toàn hạt nhân theo các
phương pháp tất định và phương pháp xác suất, quản lý rủi ro, phát triển công
nghệ phân tích nhiệt thủy động, nghiên cứu đánh giá an toàn định kỳ nhà máy ĐHN,
đánh giá sự phá hủy vật liệu trong môi trường bức xạ, phát triển hệ thống theo
dõi và chẩn đoán nhà máy, nghiên cứu an toàn chất thải phóng xạ, kỹ thuật thẩm
định an toàn cho các công trình hạt nhân, kỹ thuật thanh tra an toàn các cơ sở
hạt nhân.
Nghiên cứu cơ bản về
hạt nhân
Tiếp tục phát triển
các hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, hình thành các trung tâm
nghiên cứu mạnh có uy tín trong khu vực về lĩnh vực khoa học hạt nhân, vật lý
hạt nhân, vật lý nơtron, vật lý lò phản ứng, công nghệ lò thế hệ mới, vật lý
gia tốc, vật lý tia vũ trụ, hóa học và sinh học phóng xạ v.v.
Hỗ trợ kỹ thuật, an toàn bức xạ, đo
lường bức xạ và hạt nhân
Xây dựng và phát
triển năng lực hỗ trợ kỹ thuật về kiểm tra chất lượng và đảm bảo chất lượng cho
công trình và thiết bị nhà máy ĐHN, bảo đảm an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ,
an ninh nguồn phóng xạ, chuẩn đo lường bức xạ và hạt nhân đạt chuẩn mực quốc
tế, đáp ứng yêu cầu của cơ quan hỗ trợ kỹ thuật quốc gia về ĐHN:
- Nghiên cứu phát
triển các công nghệ đánh giá không phá hủy ứng dụng trong kiểm tra và đảm bảo
chất lượng (QA/QC) các công trình nhà máy ĐHN và lò phản ứng nghiên cứu;
- Thực hiện các dịch
vụ kỹ thuật về đo liều chiếu ngoài, liều chiếu trong và tập huấn kiến thức cơ
bản về an toàn bức xạ cho các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và cho các nhân viên
tiến hành công việc bức xạ trong cả nước theo nhu cầu; Nghiên cứu phát triển và
chuyển giao các công nghệ mới trong lĩnh vực đo liều bức xạ vào Việt Nam;
- Chuẩn hoạt độ nguồn
phóng xạ, chùm tia bức xạ: alpha, beta, gamma, tia X, nơtron, proton, deutron;
Chuẩn liều bức xạ: alpha, beta, gamma, tia X, nơtron, proton, deutron; Chuẩn
thiết bị bức xạ: máy gia tốc chùm điện tử, máy phát nơtron, máy phát tia X, máy
gia tốc cyclotron, máy xạ trị Co-60, máy xạ trị LINAC; Chuẩn thiết bị đo liều
bức xạ: Liều kế cá nhân, máy đo liều, thiết bị cảnh báo liều khu vực; Chuẩn
nồng độ phóng xạ: mẫu lỏng, mẫu rắn, mẫu môi trường, mẫu sinh học, mẫu địa
chất,…; Các loại chuẩn khác.
Quan trắc phóng xạ môi trường và kỹ
thuật ứng phó và xử lý sự cố bức xạ và hạt nhân
Xây dựng và phát
triển năng lực hỗ trợ kỹ thuật về quan trắc phóng xạ và đánh giá tác động môi
trường, kỹ thuật ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, là cơ quan đầu mối thiết lập
và vận hành mạng quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường trong khuôn khổ mạng
lưới quốc gia:
- Nghiên cứu phát triển
các công nghệ phân tích phóng xạ trong các loại mẫu môi trường nước, mẫu môi
trường khí, mẫu môi trường đất, các mẫu sinh vật chỉ thị, các công nghệ phân
tích đánh giá hiện trạng phóng xạ môi trường, đánh giá tác động môi trường các
cơ sở hạt nhân, quan trắc phóng xạ trong trường hợp sự cố bức xạ và sự cố hạt
nhân;
- Kỹ thuật ứng phó và
xử lý sự cố bức xạ và hạt nhân đối với các cơ sở có nguồn phóng xạ như: nhà máy
ĐHN và lò phản ứng nghiên cứu; nguồn Co-60; cơ sở xạ hình công nghiệp; máy gia
tốc; cơ sở xạ trị; cơ sở y học hạt nhân; các nguồn phóng xạ khác; cũng như cơ
sở khai thác và chế biến quặng phóng xạ; vận chuyển chất phóng xạ và vật liệu
hạt nhân.
Xử lý và chế biến tài nguyên quặng phóng
xạ
Xây dựng và phát
triển năng lực tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ xử lý và chế biến
quặng phóng xạ và nguyên tố hiếm:
- Nghiên cứu thiết kế
dây chuyền công nghệ xử lý thu hồi urani ở quy mô pilot, áp dụng cho việc đánh
giá khả năng kinh tế - kỹ thuật của việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn
quặng urani Việt Nam;
- Nghiên cứu tiếp
thu, làm chủ và phát triển công nghệ tuyển, xử lý quặng đất hiếm, chiết phân
chia tinh chế các nguyên tố đất hiếm riêng rẽ, phát triển công nghệ ứng dụng
các nguyên tố đất hiếm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên của đất nước.
Nhiên liệu hạt nhân, vật liệu trong nhà
máy điện hạt nhân
Xây dựng và phát
triển năng lực nghiên cứu, triển khai về nhiên liệu, vật liệu cho các nhà máy ĐHN
của Việt Nam:
- Nghiên cứu các
chính sách về an ninh cung cấp nhiên liệu cho phát triển ĐHN, chính sách về chu
trình nhiên liệu hạt nhân và quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; Nghiên
cứu tính toán, thiết kế, đánh giá nhiên liệu hạt nhân; Nghiên cứu áp dụng các
quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng và bảo quản các loại nhiên liệu;
- Xây dựng năng lực
nghiên cứu, đánh giá vật liệu sử dụng trong lò hạt nhân, phát triển các kỹ
thuật phân tích hạt nhân và liên quan để phân tích, đánh giá và kiểm tra các
chỉ tiêu chất lượng về thành phần hóa học của vật liệu lò phản ứng hạt nhân;
- Phát triển các kỹ
thuật phân tích hạt nhân và liên quan phân tích cấu trúc, kiểm tra khuyết tật
và ăn mòn vật liệu; Đánh giá tuổi thọ của vật liệu kết cấu lò phản ứng hạt
nhân;
- Các vật liệu phục
vụ ngành NLNT: Ti, Zr, Cd, Hf; hợp kim đất hiếm;
- Các vật liệu mới và
vật liệu nano tạo ra bằng công nghệ chiếu xạ: Vật liệu kích thước hạt nanomét,
vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao, vật liệu bán dẫn, vật liệu từ, các loại đá quý,
các loại vật liệu chức năng phục vụ các ngành kinh tế - kỹ thuật tạo ra bằng
công nghệ chiếu xạ.
Công nghệ xử lý, quản lý chất thải phóng
xạ
Xây dựng và phát
triển năng lực tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ quản lý chất thải
phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng:
- Nghiên cứu đánh giá
công nghệ, an toàn của các hệ thống xử lý và quản lý chất thải phóng xạ trong
nhà máy ĐHN, lò nghiên cứu;
- Công nghệ xử lý
chất thải khí, lỏng, rắn từ hoạt động của các cơ sở sản xuất và điều chế đồng
vị phóng xạ, các cơ sở y học hạt nhân và các cơ sở nghiên cứu triển khai về
NLNT; Công nghệ xử lý, bảo quản và quản lý các loại nguồn phóng xạ đã qua sử
dụng; Công nghệ xử lý chất phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên và từ các hoạt động
kinh tế - kỹ thuật khác nhau như khai thác chế biến quặng, dầu khí, …; Công
nghệ tháo dỡ và tẩy xạ cơ sở sản xuất và điều chế đồng vị phóng xạ, lò phản ứng
nghiên cứu; Công nghệ chôn cất các chất thải phóng xạ hoạt độ thấp; Công nghệ
chôn nông gần mặt đất các chất thải hoạt độ thấp;
- Nghiên cứu phát
triển công nghệ, quy trình kỹ thuật lưu giữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;
- Tham gia tư vấn,
xây dựng chính sách, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về công tác quản lý chất
thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
3) Đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân
Đào tạo sau đại học;
Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành; Đào tạo nâng cao trình độ chuyên
sâu; Đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng nghiên cứu; Đào tạo kiến thức an toàn
bức xạ; Đào tạo chụp ảnh phóng xạ công nghiệp; Đào tạo kiến thức vật lý y học;
Đào tạo về ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành; Đào tạo cấp
chứng chỉ nhân viên bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT theo quy
định của Luật NLNT.
Thực hiện kế hoạch
bồi dưỡng, huấn luyện chuyên ngành cho nhu cầu phát triển của Viện, các cơ quan
trong Bộ KH&CN, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhân lực khoa học công nghệ trình
độ cao về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong
lĩnh vực NLNT, phát huy hiệu quả của Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân
trong chương trình phát triển dài hạn về ĐHN của Việt Nam.
4) Triển khai công nghệ, sản xuất và dịch vụ
Tập trung xây dựng và
củng cố các thương hiệu đã được thị trường chấp nhận, tìm kiếm các sản phẩm và
thị trường mới cho các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và phi hạt nhân mà Viện có
năng lực; Thực hiện việc cổ phần hóa một số loại hình sản xuất kinh doanh có
hiệu quả của Viện nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho Viện và cho cán bộ công
nhân viên; Hình thành một số công ty về thiết kế, quản lý chất lượng và kiểm
tra chất lượng, cung cấp vật tư thiết bị, đào tạo cho các dự án xây dựng nhà
máy ĐHN trong tương lai theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Để thực hiện tốt định
hướng hoạt động của Viện NLNTVN như đã nêu trên, trong thời gian tới một số
giải pháp cần thiết phải triển khai bao gồm:
-
Xây dựng các nhóm nghiên cứu ưu tiên dần dần
phát triển thành nhóm nghiên cứu mạnh;
-
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, trong
đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ chuyên gia;
-
Xây dựng và thực hiện chương trình nghiên cứu
khoa học công nghệ dài hạn cấp Nhà nước và cấp Bộ;
-
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế;
-
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu;
-
Đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, triển khai,
thông tin liên lạc.
Việt Nam đang tích
cực đẩy mạnh phát phát triển kinh tế của đất nước, phấn đấu năm 2020 về cơ bản
trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là một mục tiêu đúng đắn,
nhưng nhiều thách thức và khó khăn còn ở phía trước. Có thể thấy rằng, trong
lịch sử phát triển của nhiều nước trên thế giới, không có nước nào đi lên con
đường thịnh vượng mà không trải qua phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ.
Khoa học và công nghệ vừa là mục tiêu, vừa là công cụ thiết yếu để đưa đất nước
trở thành công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Việc thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng
khoa học công nghệ vào đời sống kinh tế xã hội trong điều kiện đặc thù Việt Nam
hiện nay là hết sức cần thiết đối với đất nước. Khoa học công nghệ hạt nhân có
một vị trí quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Như
vậy, với trọng trách, vị thế mới của một tổ chức sự nghiệp khoa học và công
nghệ hạng đặc biệt mà Thủ tướng Chính phủ vừa giao trong tuần lễ đầu tiên của
Năm Mới Bính Thân 2016, và cùng với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của toàn thể
đội ngũ cán bộ, viên chức, Viện NLNTVN sẽ ngày càng có nhiều đóng góp trong
nghiên cứu phát triển các kỹ thuật hạt nhân, triển khai ứng dụng trong các lĩnh
vực kinh tế- xã hội, góp phần phục vụ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân./.