Thứ năm, 29/09/2016 09:14 GMT+7

Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện

Ngày 24/9/2016, Trung tâm Đào tạo hạt nhân - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh (NCS) Hoàng Văn Đức, chuyên ngành Hóa vô cơ, mã số 62.44.01.13 do PGS.TS. Lê Bá Thuận hướng dẫn, với đề...
Tới tham dự buổi lễ có PGS.TS. Lê Bá Thuận - Giáo viên hướng dẫn, Lãnh đạo Viện Công nghệ xạ hiếm: TS. Hoàng Nhuận, PGS. TS. Lê Thị Mai Hương, Lãnh đạo Trung tâm Đào tạo hạt nhân và nhà khoa học trong các lĩnh vực: Hóa vô cơ, Hóa lý, Hóa phân tích cùng với đồng nghiệp và người thân của NCS Hoàng Văn Đức.


TS. Nguyễn Văn Hải đọc các điều kiện cần thiết để bảo vệ luận án tiến sĩ của NCS

Với sự điều khiển của GS. TS. Nguyễn Trọng Uyển - Chủ tịch Hội đồng,NCS Hoàng Văn Đức trình bày trong 45 phút và đã làm nổi bật những tính mới của luận án tiến sĩ:
- Luận án là công trình khoa học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và phát triển phương pháp kết tủa trọng trường cao có tính hệ thống để điều chế vật liệu Nano - CaCO3 hình thái lập phương, CaCO3 hình kim và Nano - CaCO3/St biến tính bề mặt sử dụng hệ thiết bị kết tủa trọng trường cao do tác giả tự chế tạo;
- Luận án đóng góp vào việc phát triển và ứng dụng phương pháp kết tủa trọng trường cao để tổng hợp vật liệu canxi cacbonat kích thước nanomet với các hình thái khác nhau và khả năng triển khai lượng lớn;
- Ở Việt Nam, các nghiên cứu của luận án này lần đầu tiên đề cập đến việc nghiên cứu lý thuyết, thiết kế, chế tạo hệ thiết bị kết tủa trọng trường cao góp phần làm rõ cơ sở khoa học của phương pháp kết tủa trọng trường cao trong quá trình tổng hợp vật liệu nano vô cơ nói chung và Nano - CaCO3 nói riêng.


NCS Hoàng Văn Đức trình bày luận án

Hội đồng đánh giá nghiên cứu quá trình điều chế Nano – CaCO3 từ dung dịch sữa vôi và khí CO2 theo phương pháp kết tủa trọng trường cao là một phương pháp mới, rất phù hợp cho các phản ứng dị thể 3 pha (rắn – lỏng – khí) để điều chế vật liệu có kích thước hạt nhỏ, đồng đều, có độ phân tán cao, đặc biệt là vật liệu nano. Với phương pháp này, tác giả đã nghiên cứu điều chế Nano – CaCO3 với các biến thể khác nhau như: Nano – CaCO3 cấu trúc tinh thể hình lập phương, Nano – CaCO3 cấu trúc tinh thể hình kim, Nano – CaCO3 biến tính bằng acid steric và sản phẩm nghiên cứu đã được thử nghiệm dùng làm chất phụ gia trong thành phần sơn nước, vật liệu compozit và giấy. Nội dung chính của luận án cũng đã được công bố trên ba (03) bài báo của tạp chí Hóa học.
Kết quả 7/7 thành viên Hội đồng thông qua và kết luận: Luận án tiến sĩ của NCS Hoàng Văn Đức đáp ứng các yêu cầu của luận án tiến sĩ chuyên ngành Hóa vô cơ và đề nghị Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho NCS Hoàng Văn Đức.
Kết thúc buổi lễ, GS. TS. Nguyễn Trọng Uyển đã chúc mừng NCS Hoàng Văn Đức, Viện Công nghệ xạ hiếm và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã đón nhận thêm một tân tiến sĩ.


Nghiên cứu sinh cùng các thành viên Hội đồng

Xúc động và tự hào, NCS Hoàng Văn Đức cảm ơn PGS. TS. Lê Bá Thuận đã dìu dắt, nhiệt tình hướng dẫn và chỉ bảo để NCS hoàn thành luận án tiến sĩ; NCS cũng cảm ơn Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Lãnh đạo Viện Công nghệ xạ hiếm, Lãnh đạo Trung tâm Đào tạo hạt nhân, đồng nghiệp và gia đình luôn là hậu phương, là nguồn động viên cổ vũ lớn lao để NCS đạt được học vị Tiến sĩ hôm nay./.

Lượt xem: 1518

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)