Thứ ba, 06/09/2016 14:11 GMT+7

Nghiên cứu công nghệ thích hợp phục vụ xây dựng đường giao thông nông thôn

Từ năm 2013 - 2015, PGS.TS Nguyễn Hữu Trí cùng các cộng sự tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành Đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu công nghệ thích hợp phục vụ xây dựng đường giao thông nông...


Toàn cảnh buổi bảo vệ cấp nhà nước


Dựa trên thực trạng về hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) Việt Nam hiện nay, nhóm nghiên cứu đã điều tra, khảo sát, phân tích, tổng hợp và đánh giá về nhu cầu vận tải, đặc điểm chủng loại phương tiện vận tải, các ưu nhược điểm của các loại kết cấu nền, mặt đường GTNT hiện đã và đang được sử dụng đối với đường GTNT ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tham quan, học tập, nghiên cứu và thu thập số liệu về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết cấu mặt đường điển hình, trang thiết bị máy móc, trình độ công nghệ xây dựng đường GTNT ở nước ngoài (Trung Quốc), tiếp cận hiện trường xây dựng đường GTNT tại một số địa phương ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và đề xuất tham khảo áp dụng các tiêu chuẩn về thiết kế, vật liệu và công nghệ mới cho xây dựng GTNT ở Việt Nam.

Trên cơ sở tổng quan về các loại thiết bị chuyên dùng xây đường GTNT ở nước ngoài và ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu đề xuất các giải pháp về thiết bị máy móc hợp lý dùng trong xây dựng đường GTNT ở nước ta hiện nay. Đề tài đã thiết kế chế tạo thành công bốn bộ công tác: Bộ công tác rải trộn vật liệu bột (vôi bột, xi măng rời,…); Bộ công tác rải trộn vật liệu dính (nước, phụ gia dạng lỏng); Bộ công tác rải vật liệu rời (đá dăm cỡ 0,5 đến 2, sỏi cuội); Thiết bị phun nhũ tương. Các bộ công tác trên có các thông số kỹ thuật đúng như đề tài đã đăng ký, có tài liệu hướng dẫn sử dụng cho các thiết bị đảm bảo cho người sử dụng vận hành, khai thác đúng các tính năng của thiết bị một cách an toàn, chính xác, đồng thời hướng dẫn các công việc cũng như cách thức thực hiện chăm sóc bảo quản thiết bị đảm bảo thiết bị sẵn sàng hoạt động. Các thiết bị máy móc trên cũng đã tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ dưới dạng Giải pháp hữu ích và đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ nhận đơn.

Trên cơ sở đề xuất áp dụng các loại vật liệu mới làm lớp mặt đường GTNT, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm trong phòng, tính toán thiết kế cụ thể 3 loại kết cấu mặt đường cho 3 vùng điển hình và đã xây dựng thí điểm thành công 03 đoạn đường giao thông tại ba tỉnh đại diện cho 3 khu vực điển hình: Đồng bằng Bắc Bộ (đường Thôn Đông Tảo Đông, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) với KCMĐ 3 lớp trên nền đất (móng đá dăm, lớp chịu lực chính là cấp phối đá dăm gia cố 5% xi măng + Tro bay / xi măng là 20% và trên cùng là lớp vữa nhựa dày 2-3 cm); Tây Nguyên (đường nội bộ Tổ dân phố số 8, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk với KCMĐ 3 lớp trên nền đất (móng đất cải thiện lẫn gạch đá, lớp chịu lực chính là đất Bazan trộn đá dăm gia cố nhựa đường, xi măng và trên cùng là găm đá láng nhựa 3 lớp); Đồng bằng sông Cửu Long (đường Lộ Giồng, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) với kết cấu mặt đường 3 lớp trên nền đất (móng cấp phối đá dăm, bê tông đầm lăn và trên cùng là có hoặc không láng nhựa 2 lớp).

Một số hình ảnh Kiểm tra thiết bị máy móc tại Viện KH&CN GTVT và khảo sát hiện trường đoạn tuyến thí điểm tại Thôn Đông Tảo Đông – xã Đông Tảo – huyện Khoái Châu – tỉnh Hưng Yên của Tổ chuyên gia:





Một số hình ảnh thi công hiện trường đoạn tuyến thí điểm tại Thôn Đông Tảo Đông – xã Đông Tảo – huyện Khoái Châu – tỉnh Hưng Yên:







Một số hình ảnh thi công hiện trường đoạn tuyến thí điểm tại Tổ dân phố số 8, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk:









Một số hình ảnh thi công hiện trường đoạn tuyến thí điểm tại đường Lộ Giồng, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang:







Lượt xem: 2298

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)