Thứ năm, 07/01/2016 15:38 GMT+7

Họp báo thường kỳ Quý IV/2015: Bộ KH&CN giải đáp nhiều vấn đề nóng dư luận quan tâm

Diễn biến và quá trình xử lý sự cố mất nguồn phóng xạ xạ Cs-137 tại Bắc Kạn; việc quản lý các nguồn phóng xạ; triển khai Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN); trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN; tổ...


Toàn cảnh buổi Họp báo ngày 07/01 (Ảnh: Ngũ Hiệp)

Buổi họp báo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin cho báo chí về kết quả hoạt động của Bộ KH&CN trong năm 2015 nói chung và Quý IV nói riêng, định hướng phát triển KH&CN trong năm 2016, đồng thời là dịp để Lãnh đạo Bộ KH&CN trả lời trực tiếp những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo còn có đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ; các đơn vị báo chí thuộc Bộ KH&CN cùng đại diện gần 40 cơ quan thông tấn, báo chí.

Nhiều hoạt động lớn diễn ra trong Quý IV

Có thể nói năm 2015 là một năm đầy sôi động của KH&CN. Hàng loạt các sự kiện quan trọng diễn ra, đánh dấu những thành tựu phát triển, ứng dụng KH&CN trong nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế, quốc phòng,… Việc triển khai các chương trình, đề án quốc gia về KH&CN tiếp tục được chú trọng thực hiện. Các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 tập trung hoàn thiện những kết quả nghiên cứu để tiến hành tổng kết đầu năm 2016, xây dựng kế hoạch rà soát, sắp xếp lại Chương trình để triển khai trong giai đoạn 2016-2020. Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi đã tiến hành tổng kết sau 3 giai đoạn thực hiện (1998-2002; 2004-2010; 2011-2015). Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hình thành thị trường công nghệ, dịch vụ ở nông thôn. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Bộ KH&CN đã hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.

Cùng với đó, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 đã tổng kết với kết quả hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã tổ chức sơ kết giai đoạn 1 (2010-2015); 03 Chương trình KH&CN quốc gia: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và các Chương trình, đề án quốc gia về KH&CN khác cũng đã được tập trung triển khai và có nhiều kết quả tốt.

Thông tin với phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, trong Quý IV, Bộ KH&CN đã tổ chức rất nhiều hoạt động, sự kiện. Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành và trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế; Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng;…

Quý IV cũng là thời điểm diễn ra rất nhiều sự kiện lớn của Bộ như: Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2015 và Tổng kết công tác năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016; Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2015; Khánh thành Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015; Khởi công Dự án Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý KH&CN của Lào; Khai trương VSV Corner theo mô hình thung lũng Silicon Việt Nam; UNESCO công nhận 02 Trung tâm Quốc tế về Toán học và Vật lý của Việt Nam là Trung tâm dạng 2; Khởi động xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN; Hội nghị giao ban ba Khu Công nghệ cao quốc gia; Tổng kết thanh tra chuyên đề năm 2015; bình chọn các sự kiện ấn KH&CN ấn tượng năm 2015; Đánh giá 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 50/CT-TW về Công nghệ sinh học;…


Thứ trưởng Phạm Công Tạc chủ trì họp báo thường kỳ quý IV năm 2015 và giải đáp nhiều câu hỏi của báo chí (Ảnh: Ngũ Hiệp)

“Nóng” vấn đề quản lý nguồn phóng xạ

Tại buổi họp báo, ngoài các vấn đề về tốc độ triển khai hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; tình hình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập; dự án kính Mắt Thần; Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng;… vấn đề được báo giới quan tâm nhất đó là sự cố mất nguồn phóng xạ xảy ra tại Bắc Kạn gần đây.

Chia sẻ thông tin với báo chí, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, theo phân loại của Quy chuẩn Việt Nam 6:2010/BKHCN về phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ, nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất thuộc nhóm số V (nhóm V là nguồn phóng xạ có tỷ số hoạt độ tổng cộng trên hoạt độ riêng nhỏ hơn 0,01. Đối với nguồn phóng xạ này, tỷ số trên là 0,0016). Theo tài liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA TECDOC 1344), nguồn loại này không nguy hiểm cho con người, cũng như không người nào có thể bị tổn thương bởi nguồn phóng xạ này khi tiếp xúc gần.

Cũng theo ông Tấn, ngay khi nhận được Báo cáo số 343/SKHCN-KHCN của Sở KH&CN Bắc Kạn về sự cố mất nguồn phóng xạ Cs-137 tại Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn DATC (Suối Viền, phường Xuất Hóa, Thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn), theo chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ KH&CN đã cử Đoàn công tác do Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đến làm việc với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Kạn để hỗ trợ công tác tìm kiếm và xử lý các vấn đề liên quan. Đồng thời Bộ KH&CN cũng đã có Công điện số 158/CĐ-BKHCN gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn để chỉ đạo công tác ứng phó sự cố mất nguồn phóng xạ tại địa phương. Ngày 21/12/2015, Bộ KH&CN đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cố mất nguồn phóng xạ nêu trên và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp để khắc phục các hạn chế về công tác quản lý an ninh nguồn phóng xạ của các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ trong cả nước, cũng như chỉ đạo Cục ATBXHN tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Trước mắt, sẽ ưu tiên cho công tác tìm kiếm, thu hồi và sau đó là xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.


Bộ KH&CN xác định năm 2016 sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN; hướng trọng tâm hoạt động KH&CN vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục tập trung thúc đẩy việc chuyển đổi tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát triển doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, đưa KH&CN bám sát và phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước; Tiếp tục nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia; Phát triển thị trường công nghệ, doanh nghiệp KH&CN và các hoạt động dịch vụ KH&CN; Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN; Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
 


 

Lượt xem: 2389

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)