Thứ năm, 03/11/2016 16:00 GMT+7

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Hải Phòng đến năm 2020

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. PCI cung cấp những thông tin hữu ích và...
Theo kết quả “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Hải Phòng đến năm 2020” do TS. Nguyễn Xuân Quang làm chủ nhiệm, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Hải Phòng chủ trì thực hiện, được Hội đồng KH&CN cấp thành phố đánh giá chiều 01/11/2016 tại Sở KH&CN thành phố Hải Phòng, trong 09 năm (từ 2007-2015), PCI của Hải Phòng luôn ở nhóm khá, chưa bao giờ đạt ngưỡng “tốt”. Năm 2013, chỉ số PCI cao nhất, đạt 59,76 điểm trên thang điểm 100.
Trong 10 chỉ số thành phần được khảo sát, có 02 chỉ số đạt mức độ khá và tốt, giữ ổn định trong nhiều năm, đó là: Chỉ số đào tạo lao động và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Các chỉ số khác có điểm số thấp và không ổn định, thể hiện tính không bền vững của những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số của PCI.
Nghiên cứu cũng cho thấy, trong các nhân tố tác động đến điểm số của các chỉ số thành phần, tính công khai, minh bạch thông tin là khâu yếu nhất, có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh của Hải Phòng hiện nay. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hành chính công cũng như kiên trì cải cách hành chính là những công việc cần thực hiện nhằm cải thiện chỉ số PCI của thành phố.
Với mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành địa phương năng động về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các tác giả đề tài đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố đến năm 2020.
Với nhóm giải pháp thứ nhất về tổ chức bộ máy, cán bộ; tác giả chỉ ra các giải pháp cụ thể như: Chuyển đổi phương thức vận hành của bộ máy chính quyền từ cai trị hành chính sang chính quyền kiến tạo và phục vụ; Nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức các cấp, các ngành về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; Nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhóm giải pháp giải thứ hai về thể chế, chính sách bao gồm các giải pháp tiêu biểu sau: Nâng cao chất lượng quản trị của các cấp chính quyền về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra; Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho quá trình khởi nghiệp; Thay đổi tư duy, cách tiếp cận về doanh nghiệp và đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp sau cấp phép; Hoàn thiện hệ thống thể chế; Tăng cường vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp và phát huy nội lực của doanh nghiệp; Tăng cường đối thoại và nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, dự báo và phản biện; Đẩy mạnh công tác phổ biến giới thiệu, tuyên truyền cho doanh nghiệp về kiến thức trong hội nhập quốc tế.
Nhóm giải pháp cuối cùng là nhóm giải pháp tác động vào các chỉ số thành phần của PCI; được thiết kế để cải thiện và nâng cao 10 chỉ số thành phần.



Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN cấp thành phố, đề tài có giá trị khoa học, tính mới; đảm bảo tính khách quan, phù hợp và có khả năng ứng dụng trong thực tế. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học để lãnh đạo thành phố Hải Phòng tham khảo trong việc hoạch định chiến lược, chính sách nhằm nâng cao chỉ số PCI của thành phố./.

Lượt xem: 2376

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)