Thứ hai, 18/01/2016 09:35 GMT+7

Phiên họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam

Ngày 13/01/2016, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam đã tổ chức Phiên họp lần thứ 2 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án Trần Quốc Khánh.


Toàn cảnh buổi họp


Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 19/9/2014 do Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản, Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện, giao Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) là chủ Dự án và được thực hiện trong vòng 5 năm (2015-2020). Mục tiêu của Dự án là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.

Tại Phiên họp, Giám đốc Dự án Nguyễn Đình Hậu, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật cho biết, năm 2015 Dự án đã được triển khai thực hiện 4 hợp phần đã được ký kết bao gồm: hỗ trợ chính sách đối với việc phát triển công nghệ gạch không nung; xây dựng năng lực kỹ thuật về việc ứng dụng, vận hành công nghệ gạch không nung và sử dụng các sản phẩm gạch không nung; hỗ trợ cung cấp tài chính bền vững cho việc ứng dụng gạch không nung; ứng dụng, đầu tư và nhân rộng công nghệ gạch không nung. Mặc dù mới được phê duyệt kế hoạch triển khai từ tháng 5/2015 nhưng Dự án đã hoàn thiện được tổ chức, nhân sự, ký kết với các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện đồng đều cả 4 hợp phần nêu trên và bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ: về khối lượng công việc, đã hoàn thành 15/19 chỉ tiêu kết quả của kế hoạch năm 2015; về tài chính, đã giải ngân được 75% kế hoạch năm 2015; đã lựa chọn được 2 dự án để trình diễn mô hình sản xuất gạch không nung tại Thái Nguyên và Quảng Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu tham dự Phiên họp, hiện nay cả nước mới chỉ có 50/63 tỉnh/thành phố xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, vật liệu không nung được sử dụng trong cả nước mới chỉ đạt 20% trong tổng số vật liệu xây dựng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do thói quen sử dụng gạch đất sét nung còn phổ biến, công nghệ sản xuất và kỹ thuật sử dụng gạch không nung còn chưa được nhiều người biết đến, chất lượng sản phẩm gạch không nung còn nhiều bất cập, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung còn nhiều bất cập, việc xóa bỏ các lò gạch thủ công ở các địa phương còn chưa được thực hiện một cách đồng bộ và nghiêm túc…

Các đại biểu kiến nghị, để tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam, Nhà nước cần có cơ chế và chính sách hợp lý cũng như bố trí nguồn vốn thích hợp cho các địa phương để triển khai việc chuyển đổi mô hình sản xuất gạch thủ công truyền thống sang sản xuất gạch không nung; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng gạch không nung mang lại…


Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại phiên họp


Phát biểu kết luận Phiên họp, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án Trần Quốc Khánh ghi nhận những kết quả mà Dự án đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng cho rằng, chỉ trong vòng 6 tháng hoạt động dự án đã hoàn thành một khối lượng công việc khá lớn với 75%. Dự án đã hoàn thiện được khung pháp lý, rà soát được các tiêu chuẩn kỹ thuật và công việc trong 4 hợp phần cơ bản đã được triển khai. Để đạt được kết quả đó là có sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa Bộ KH&CN với Bộ Xây dựng và các đơn vị có liên quan.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong năm 2016 Ban Quản lý dự án cần tiếp tục rà soát hoàn thiện các khung pháp lý, tiêu chuẩn cần thiết cho dự án, tiếp tục cập thêm các thông tin về thị trường, chất lượng của gạch không nung. Đặc biệt cần quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu được chất lượng và lợi ích của gạch không nung. Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án cũng cần xem xét xây dựng đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp nhà nước để phục vụ triển khai dự án trong thời gian tới.

Lượt xem: 1346

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)