Thứ tư, 13/01/2016 08:36 GMT+7

Thông tin về sự kiện nổ hạt nhân ngày 06/01/2016 của Triều Tiên

Việt Nam là thành viên của Tổ chức cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) và thường xuyên được cung cấp các dữ liệu toàn cầu của Tổ chức này về kiểm soát hoạt động thử vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân là đầu mối quốc gia của...
Sáng ngày 06/01/2016 đài truyền hình Triều tiên đã chính thức thông báo thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) và khẳng định triều tiên là quốc gia có tiềm lực vũ khí hạt nhân. Đây là vụ nổ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều tiên kể từ năm 2006 và là vụ nổ thử loại vũ khí “hàng khủng”, bởi sức công phá của nó còn lớn hơn rất nhiều so với bom hạt nhân. Tiếp theo thông báo của Triều Tiên, nhiều tờ báo và đài truyền hình quốc tế cũng đưa tin và bình luận về vụ nổ thử hạt nhân trên.

Các nước trong khu vực đã lên tiếng quan ngại về việc Triều tiên thực hiện nổ thử hạt nhân, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Dư luận quốc tế cho rằng việc thực hiện nổ hạt nhân của Triều tiên sẽ làm tình hình trên bán đảo Triều tiên tồi tệ thêm và làm bất ổn định thêm tình hình tại khu vực. Mặc dù là quốc gia láng giềng và có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với Triều Tiên, nhưng trong lần thử hạt nhân này Trung Quốc cũng thể hiện sự quan ngại và lên tiếng chỉ trích việc Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân lần thứ 4 này.

Việc thực sự Triều tiên có thực hiện vụ nổ hạt nhân như tuyên bố hay không còn đang là đề tài bàn luận của các quốc gia và giới truyền thông quốc tế. Cho dù đó là vụ nổ thử bom hạt nhân thông thường hay là vụ nổ thử bom nhiệt hạch, việc phát hiện được hạt nhân phóng xạ trong khí quyển phát ra từ vụ nổ này mới khẳng định được đó là một vụ nổ thử hạt nhân thông thường hoặc có thể là vụ nổ bom H.

Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO), là một tổ chức quốc tế được thành lập trên cơ sở Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện, có nhiệm vụ xây dựng và vận hành hệ thống quan trắc quốc tế- bao gồm 337 trạm quan trắc phân bố trên toàn thế giới, với 4 kỹ thuật là địa chấn, thủy âm, hạ âm và phóng xạ - để phát hiện, tìm kiếm các bằng chứng về bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào. Ngay trong ngày 6/1/2016, tổ chức CTBTO đã tiến hành các hoạt động kỹ thuật tích cực liên quan đến vụ nổ tại Triều Tiên.

Xác định địa điểm nổ thử hạt nhân
Liên quan đến sự kiện Triều Tiên thử nổ hạt nhân ngày 6/1, tổ chức cấm thử hạt nhân toàn diện đã nhanh chóng tiến hành phân tích số liệu thu nhận được từ các trạm quan trắc địa chấn và cung cấp cho các quốc gia thành viên của Hiệp ước.

Kết quả phân tích cho thấy có một sự kiện địa chấn bất thường xảy ra lúc 1:30:00 (giờ UTC) tức 8:30 sáng ngày 6/1 giờ Việt Nam, tại một vị trí trong khu vực thử nổ hạt nhân của Triều tiên.


Hình 1: (a) Vị trí sự kiện địa chấn xác định được trên lãnh thổ Triều tiên. (b) Vị trí các vụ nổ thử hạt nhân của Triều tiên năm 2006, 2009, 2013 và 2016 tại khu vực nổ thử hạt nhân

Trước đó, Triều Tiên cũng đã thực hiện nổ thử hạt nhân tại cùng một khu vực với vụ nổ hạt nhân lần này và cũng đều được hệ thống quan trắc địa chấn của tổ chức CTBTO xác nhận.

Tuy nhiên, kết quả này chỉ xác nhận là thực sự có một sự kiện địa chấn xảy ra tại địa điểm này, còn sự kiện đó có phải là vụ nổ thử hạt nhân hay không còn phải tìm kiếm thêm bằng chứng về hạt nhân phóng xạ thoát ra từ vụ nổ thử.

Mô phỏng đường đi của hạt nhân phóng xạ từ vụ nổ tại Triều Tiên

Thông thường đối với vụ nổ hạt nhân ngầm dưới lòng đất, hạt nhân phóng xạ có thể thoát lên mặt đất từ vài ngày đến vài tháng và từ thời điểm thoát lên mặt đất, hạt nhân phóng xạ sẽ di chuyển trong khí quyển và sẽ được các trạm quan trắc hạt nhân phóng xạ của tổ chức CTBTO phát hiện.

Hiện tại chưa có trạm quan trắc nào phát hiện được hạt nhân phóng xạ nhân tạo phát ra từ vụ nổ hạt nhân tại Triều tiên. Kết quả quan trắc hạt nhân phóng xạ của tổ chức CTBTO sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang web bảo mật của CTBTO và cũng được gửi đến các quốc gia thông qua Trung tâm dữ liệu quốc gia của các nước thành viên.

Tuy nhiên, tổ chức CTBTO cũng thực hiện tính toán mô phỏng sự di chuyển của hạt nhân phóng xạ phát ra từ vụ nổ tại Triều Tiên. Các hình ảnh dưới đây thể hiện đường di chuyển của hạt nhân phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân tại Triều Tiên được tính toán mô phỏng với giả thiết rằng hạt nhân phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân liên tục thoát lên bề mặt đất ngay tại thời điểm nổ thử, ngày 6/1/2016.


Kết quả mô phỏng ngày 7/1 Kết quả mô phỏng ngày 9/1

Dựa trên điều kiện khí tượng toàn cầu, phép tính toán mô phỏng cho thấy hạt nhân phóng xạ sẽ di chuyển về phía Nhật Bản, và trong ngày 7/1/2016 trạm quan trắc của tổ chức CTBTO “JPP38” đặt tại Nhật Bản có thể sẽ phát hiện được hạt nhân phóng xạ, và các ngày tiếp theo 8,9,10 cũng chỉ có trạm JPP38 phát hiện được hạt nhân phóng xa từ vụ nổ tại Triều Tiên.


Kết quả mô phỏng ngày 11/1 Kết quả mô phỏng ngày 12/1

Cũng theo tính toán mô phỏng này, có thể trong ngày 11/1 và ngày 12/1, ngoài trạm JPP38 tại Nhật Bản, có thể còn có trạm USP78 của tổ chức CTBTO trên Thái Bình Dương sẽ phát hiện được hạt nhân phóng xạ phát ra từ vụ nổ tại Triều Tiên. Cho đến nay chưa có thông tin về phóng xạ từ các trạm nêu trên.

Tổ chức CTBTO sẽ liên tục cập nhật và theo dõi số liệu quan trắc hạt nhân phóng xạ và sẽ thông báo khi có những thông tin mới liên quan đến sự kiện nổ thử hạt nhân của Triều Tiên ngày 6/1/2016.

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân sẽ tiếp tục theo dõi số liệu quan trắc phóng xạ hạt nhân cũng như các thông tin cập nhật của Tổ chức CTBTO về sự kiện này./.

Lượt xem: 1606

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)