Thứ năm, 21/01/2016 09:52 GMT+7

Sản xuất thành công chế phẩm Lumbrokinase làm thuốc phòng chống tắc nghẽn mạch máu

Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học do cố PGS.TS. Quyền Đình Thi và ThS. Lê Thanh Hoàng đứng đầu vừa nghiên cứu, sản xuất thành công chế phẩm Lumbrokinase tái tổ hợp từ giống giun đất - một nguyên liệu sẵn có trong nước để làm thuốc phòng...

Đây là kết quả của đề tài "Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất Lumbrokinase tái tổ hợp làm thuốc phòng chống tắc nghẽn mạch máu", mã số KC04.01/11-15 thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011- 2015 "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học", mã số KC04/11-15. Đề tài vừa được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 13/01/2016.


Ông Hồ Quang Vinh – Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước phát biểu tại buổi nghiệm thu


ThS. Lê Thanh Hoàng, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài được thực hiện từ 01/01/2012 đến 01/06/2015 với mục tiêu xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất Lumbrokinase tái tổ hợp; sản xuất được Lumbrokinase tái tổ hợp ở quy mô phòng thí nghiệm; đánh giá được tác dụng điều trị của sản phẩm ở giai đoạn tiền lâm sàng. Cụ thể, tạo ra các chủng vi sinh vật/ dòng tế bào sản xuất lumbrokinase tái tổ hợp dùng làm thuốc; tạo ra quy trình công nghệ ổn định sản xuất lumbrokinase tái tổ hợp dùng làm thuốc; sản xuất 20 gam lumbrokinase tái tổ hợp dạng sơ chế, từ đó sản xuất 0,5-1 gam dạng tinh chế đạt tiêu chuẩn tương đương sản phẩm cùng loại tại Việt Nam; thử nghiệm lâm sàng chế phẩm lumbrokinase tái tổ hợp trên chuột.

Sau 3 năm triển khai, đến nay, đề tài đã hoàn thành đầy đủ các mục tiêu đặt ra. Cụ thể, đã thu thập được 61 mẫu giun trong đó tập trung chủ yếu là 3 loài Pheretima (chiếm 85%), loài G.papillatus (chiếm 1,6%) và loài P.excavatus (13%). Đã phân loại bằng hình thái và phân tích trình tự nucleotide phân đoạn gene 16S rRNA cho thấy chủng Ph. Elongata (BNQ12) có độ tương đồng cao nhất với các loài thuộc họ E. fetida và loài P. excacatus có độ tương đồng cao nhất với loài E. fetida. Nhân dòng 2 gene mã hóa lumbrokinase từ loài E. fetida (lkpx) và E. fetida (lkphe) có độ tương đồng cao nhất 99% tương ứng từ loài E. fetida. Thiết kế và biểu hiện thành công Lumbrokinase trong E. coli BL21, B. subtitlis và P.pastoris cũng như tinh sạch và đánh giá tính chất lý hóa của các Lumbrokinase tái tổ hợp trong P. pastoris.

Cùng với đó, xây dựng được quy trình sản xuất Lumbrokinase tái tổ hợp sạch từ P.pastoris X33. Sau 45 ngày uống chế phẩm các chỉ số hóa sinh ở máu, gan và thận cho các kết quả khá khả quan. Chế phẩm Lumbrokinase không gây độc trên các tế bào gan, thận và tim. Thử nghiệm được khả năng thủy phân cục máu đông của chế phẩm Lumbrokinase tái tổ hợp. Đã xây dựng được mô hình gây nhồi máu não trên động vật thực nghiệm sát với thực tế lâm sàng và phù hợp để đánh giá tác dụng của những thuốc tiêu sợi huyết dùng cho điều trị nhồi máu não. Đồng thời cũng đã xây dựng được bộ các thử nghiệm dùng trong đánh giá tác dụng của thuốc trên mô hình xây dựng được.

Thuốc Lumbrokinase tái tổ hợp mức liều 200 mg/kg có tác dụng tốt trong điều trị nhồi máu não trên mô hình thực nghiệm, làm giảm mức độ tổn thương vận động (cả vận động cưỡng bức và vận động tự nhiên), làm tăng khả năng phối hợp vận động khi thử trên rotarod, tăng khả năng ghi nhớ và học tập khi thử trên mê lộ nước. Thuốc tác dụng tốt cả trong giai đoạn cấp (3 ngày đầu sau gây nhồi máu) và trong dùng điều trị kéo dài. Các tác dụng này của Lumbrokinase tái tổ hợp tương đương với thuốc chuẩn Boluoke (lumbrokinase) của Canada.

Nhóm nghiên cứu cũng đã công bố 05 bài báo, 03 bài Hội nghị, 03 bài tạp chí, 01 bài báo quốc tế; 01 Hội nghị quốc tế, 02 trình tự gene, 02 giải pháp hữu ích đã được chấp nhận đơn, đào tạo 2 ThS, 03 cử nhân.


ThS. Lê Thanh Hoàng – Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả của đề tài


Với những kết quả của đề tài, Hội đồng đánh giá nghiệm thu đã đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ và phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm để tiến tới chuyển giao công nghệ.

Lượt xem: 4758

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)