Thứ năm, 28/11/2013 07:15 GMT+7

Chế tạo thành công chế phẩm bảo quản nhiều loại hoa quả

Nước ta có vô vàn trái cây mà các nước giàu cũng không có. Vì thế, thị trường xuất khẩu luôn là mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp khai thác. Nhưng một vấn đề đặt ra là phải bảo quản hoa quả như nào để vừa giữ được lâu, vừa không có hóa chất độc...


Cam được bảo quản bằng chế phẩm (trái) và cam bảo quản thông thường

Mặt khác, vì lòng tham, nhiều người bán hàng ngoài chợ đã sử dụng một số loại thuốc bảo quản, để hoa quả tươi lâu hơn, khiến người ăn vào bị tổn thương nội tạng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trước yêu cầu đó, PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm cùng các cộng sự ở Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch đã chủ trì đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất chế phẩm bảo quản (chế phẩm tạo màng) dùng trong bảo quản một số rau quả tươi” (Mã số KC.07.04/06-10).

Sau hơn 3 năm nghiên cứu, chế phẩm CEFORES CP-10-01 đã ra đời. Nó ở dạng sáp vi nhũ tương, dùng bôi trực tiếp lên bề mặt của quả, với thành phần chính là các loại sáp có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật (ví dụ như sáp polyethylene, sáp carnauba, sáp ong...) nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Ru ngủ” cam, bưởi...

Sau khi nghiên cứu xong, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá chất lượng sản phẩm. Chất bảo quản đã được bôi lên cam Hà Giang, từ 10/01/2009 đến ngày 25/02/2009. Cam sau bảo quản vẫn giữ được mầu sắc và hương vị ban đầu, tỷ lệ thối hỏng và hao hụt khối lượng tự nhiên là 6%, hình thức và chất lượng quả được đảm bảo. Hiệu quả kinh tế đạt trên 28%.


Mô hình bảo quản cam

Tiếp đó là dùng bảo quản cam xanh miền nam và bưởi Năm Roi từ ngày 05/4/2010 đến ngày 06/5/2010. Sau bảo quản, hình thức và chất lượng quả được đảm bảo. Tỷ lệ thối hỏng, hao hụt khối lượng tự nhiên thấp hơn 10%. Hiệu quả kinh tế đạt 10 - 26%.

Sau đó là bảo quản cam Vinh, từ 01/12/2012 - 15/01/2013. Cam sau bảo quản có hình thức và chất lượng đảm bảo giá trị thương mại. Hiệu suất kinh tế đạt gần 20%.

Từ đó, chế phẩm này đã được nhân rộng tại một số vùng có diện tích trồng cam, bưởi lớn như Nghệ An, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Đồng Nai, Vĩnh Long….

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Hiện nay, chế phẩm này đang bước đầu được đưa ra sản xuất để bán trên thị trường.

TS Phạm Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm tra nông sản thực phẩm cho biết, dùng chế phẩm CEFORES CP-10-01 để bảo quản quả có múi ở điều kiện thường đã hạn chế được sự biến đổi bất lợi về các tính chất cơ lý và sinh hóa của quả, làm tăng thời gian bảo quản và duy trì được chất lượng của quả.


Các bình đựng chế phẩm

Trong điều kiện thử nghiệm quy mô nhỏ tại phòng thí nghiệm, chế phẩm làm tăng thời gian bảo quản cam Vinh từ 20 ngày tới 60 ngày (tăng 3 lần), cam Hàm Yên và cam Hà Giang từ 20 ngày tới 45 ngày (tăng 2,2 lần), bưởi Diễn từ 4 tuần tới 12 tuần (tăng 3 lần), bưởi Đoan Hùng từ 4 tuần tới 13 tuần (tăng >3 lần).

Khi so sánh với chế phẩm nhập khẩu, thấy rằng hiệu quả bảo quản của chế phẩm CEFORES CP-10-01 tương đương với chế phẩm nhập khẩu BQE-15. Kết quả thử nghiệm CEFORES CP-10-01 ở quy mô lớn tại cơ sở sản xuất cho hiệu quả bảo quản phù hợp với kết quả thu được khi thử nghiệm ở quy mô nhỏ phòng thí nghiệm. Các chế phẩm có thể kéo dài thời gian bảo quản tới 45 - 60 ngày tùy theo giống quả có múi và điều kiện bao gói./.

Lượt xem: 2395

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)