Thứ ba, 13/10/2015 14:03 GMT+7

Việt Nam có trở thành Quốc gia khởi nghiệp?

Hiểu một cách đơn giản, quốc gia khởi nghiệp là quốc gia dành sự ưu tiên cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có hoạt động đầu tư mạo hiểm (đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo với tư duy chấp nhận rủi ro) nhằm phát triển kinh tế - xã hội....

Trong điều kiện, hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chỉ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam mới hy vọng tăng tốc để phát triển đất nước - đây là con đường duy nhất để chúng ta sớm đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai không xa.

Kể từ ngày 02/9/1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta đã trải qua 7 thập niên kháng chiến và phát triển. Từ một đất nước nghèo khó sau chiến tranh, đến nay chúng ta đã ghi dấu ấn trên bản đồ thế giới ở một số lĩnh vực quan trọng: xóa đói - giảm nghèo, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ. Việt Nam ngày nay không chỉ được biết đến là nước đã đánh thắng những đế quốc hùng mạnh trên thế giới, mà còn được biết đến với tư cách là một nước có những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, dù đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, dù nhiều nước đã tìm đến Việt Nam để học hỏi trong lĩnh vực y tế... nhưng về cơ bản chúng ta vẫn là một nước nghèo và lạc hậu ở nhiều lĩnh vực.

Nhìn lại chặng đường đã qua, 70 năm kể từ ngày lập nước (1945-2015), 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, non sông thu về một mối (1975-2015), 30 năm kể từ ngày chúng ta thực hiện đường lối đổi mới (1986-2015), có lẽ chừng ấy thời gian đủ để một quốc gia 90 triệu dân có trí tuệ và khát vọng có thể cất cánh, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” - như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng điều đó có lẽ sẽ còn xa vời, nếu chúng ta không có những chính sách quyết liệt và tư duy hành động đúng đắn ngay từ bây giờ.

Nhìn rộng ra các quốc gia láng giềng có cùng hoàn cảnh lịch sử như Việt Nam: Hàn Quốc bước ra khỏi cuộc chiến tranh với Triều Tiên cách đây hơn 6 thập kỷ là một đống tro tàn, kiệt quệ, nghèo đói. Bằng sự cần mẫn và ý chí quật cường, Chính phủ và người dân Nam Hàn đã xây dựng nên một Hàn Quốc ngày hôm nay - một trong những con rồng Châu Á. Tương tự như vậy, lịch sử tăm tối từ ách thống trị của đế quốc và phát xít, nguồn tài nguyên khiêm tốn, tình trạng đa sắc tộc lộn xộn, và tiềm lực kinh tế quốc gia gần như ở con số 0, đã khiến khởi đầu của Singapore phải đối mặt với vô vàn khó khăn ngay khi tuyên bố độc lập năm 1963 (lúc đó dân số là 1,8 triệu người, trên một lãnh thổ vỏn vẹn 700 km2). Vậy mà, chỉ sau 5 thập niên, Singapore đã trở thành một nước phát triển có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Nhìn lại Việt Nam trên chặng đường đã qua, chúng ta đã mất quá nhiều thời gian tiếp cận với kinh tế thị trường, tạo cơ chế đột phá để đưa đất nước tăng tốc phát triển. Đã đến lúc chúng ta cần quyết liệt thực hiện những cơ chế, chính sách phù hợp để sớm đạt mục tiêu đưa nước ta “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Dù cho nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, chúng ta vẫn còn nguồn tài nguyên giàu có và tiềm tàng: đó chính là chất xám, là trí tuệ. Để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, không có con đường nào khác là phải phát triển dựa trên nguồn tài nguyên chất xám này. Đẩy mạnh, khích lệ sự hình thành các doanh nghiệp dựa trên trí tuệ - các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là giải pháp thích hợp để tăng tốc phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển sắp tới. Kinh nghiệm phát triển thần kỳ của quốc gia nhỏ bé Ixraen cho chúng ta thấy, cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo để phát triển đất nước. Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến đất nước này đều có chung một câu hỏi: tại sao một quốc gia nghèo và nhỏ, luôn bị kẻ thù bao vây như Ixraen lại có thể thành công và được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp sáng tạo, trong khi Việt Nam chúng ta tài nguyên nhiều hơn, đất đai rộng lớn hơn, dân số đông hơn lại vẫn chỉ là một nước nghèo? Đó cũng chính là lý do thôi thúc chúng ta phải thay đổi tư duy, xây dựng đất nước theo mô hình quốc gia khởi nghiệp sáng tạo.


Ixraen là quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới


Vậy quốc gia khởi nghiệp là gì?

Khởi nghiệp - theo định nghĩa phổ biến nhất - đó là giai đoạn sớm nhất trong vòng đời của mỗi doanh nghiệp khi người sáng lập ra nó hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình. Theo Neil Blumenthal - CEO của Công ty Warby Parker thì “một doanh nghiệp khởi nghiệp là một doanh nghiệp bắt đầu hoạt động để giải quyết một vấn đề còn chưa rõ ràng và thành công thì không được đảm bảo”. Với nhiều người, hoạt động khởi nghiệp được hiểu đơn giản là theo đuổi những quyết định mạo hiểm trong tương lai, đây là quá trình gần như không thể thiếu trong kinh doanh nhưng do tính chất rủi ro nên không phải doanh nghiệp nào khởi nghiệp cũng thành công. Quốc gia khởi nghiệp chính là quốc gia dám đầu tư cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo cho dù không đảm bảo chắc chắn nó sẽ thành công. Ixaren được gọi là quốc gia khởi nghiệp, và khi nhắc đến đất nước này người ta chỉ có thể thốt lên rằng: đó là một nền kinh tế thần kỳ. Khắp nơi trên đất nước Ixraen, người ta đều thấy một tinh thần doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm. Ixraen là đất nước chấp nhận sự thất bại trong kinh doanh, coi thành công là kết quả của sự thất bại, vì quốc gia này tự coi mình là “đất nước được hồi sinh”, không xét theo ý nghĩa tôn giáo. Vậy nên luật pháp và các quy định về phá sản và đăng ký thành lập mới doanh nghiệp đều thuận lợi, cởi mở. Thay vì ngồi nghĩ về những thất bại, người Ixraen luôn chú trọng tìm kiếm cơ hội của tương lai. Văn hóa của họ nằm ở 3 yếu tố then chốt: có sáng kiến, chấp nhận rủi ro và tốc độ. Câu chuyện thần kỳ của nền kinh tế Ixraen không đơn giản chỉ là câu chuyện của một dân tộc mãnh liệt, của tinh thần doanh nhân chiến đấu, mà còn là những chính sách hiệu quả và linh hoạt của công tác quản lý nhà nước.

Liệu Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp?


Nếu chúng ta vẫn phát triển với một tốc độ như hiện nay, thì theo ước tính chúng ta có thể trở thành nước công nghiệp vào năm 2050 (tức là cần đến khoảng 35 năm nữa). Để đất nước có thể đạt được mục tiêu trên sớm hơn, chỉ có con đường duy nhất là chúng ta phải hành động, đó là tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này còn rất nhiều việc để làm và phải làm, với một tinh thần rất quyết liệt, và tập trung cao độ. Việc đầu tiên đó chính là tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được sinh ra và phát triển, hay nói một cách khác là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Mỗi năm chúng ta có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KH&CN trong doanh nghiệp và các nhà sáng chế không chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu này còn rất hạn chế. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Ixraen… cho thấy, để khởi nghiệp sáng tạo thành công cần tạo ra một môi trường “vườn ươm” để các “hạt giống” có điều kiện nảy mầm tốt nhất. Môi trường này được gọi là hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và cần được Nhà nước đứng ra xây dựng để đảm bảo tính ổn định và độ sẵn sàng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Cấu thành của một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo gồm một số thành phần cơ bản là:

Nhà nước: Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng thành công Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, Nhà nước ban hành cơ chế tạo lập và bảo hộ tài sản trí tuệ của mọi tổ chức, cá nhân, quy định phương thức chuyển giao công nghệ, chuyển giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, cho phép thành lập và tạo cơ chế vận hành các loại hình Quỹ đầu tư mạo hiểm, kể cả của Nhà nước (giai đoạn đầu) và tư nhân, các loại hình tổ chức dịch vụ trong thị trường công nghệ. Các Quỹ đầu tư sẽ là nơi cung cấp các vốn mồi cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa khả thi do vướng một số luật như: Bộ luật Hình sự, Luật Ngân sách nhà nước, bởi nhiều ý kiến cho rằng nếu đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách nhà nước mà không thành công thì cũng rất gần với tội tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát ngân sách của Nhà nước. Vì vậy, song hành với việc cho phép thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, Nhà nước cần đi trước một bước “để làm gương” cho các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước trong lĩnh vực này. Nếu Nhà nước “không dám đầu tư mạo hiểm” thì sẽ tạo ra tâm lý e ngại cho các thành phần kinh tế khác cũng không dám đầu tư. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy, cách đây mấy chục năm, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển, Chính phủ liên bang và chính quyền các bang cũng đã sử dụng tiền ngân sách đóng góp vào các quỹ đầu tư mạo hiểm. Khi Nhà nước “làm gương” đã thành công thì hoạt động này dần được tư nhân hóa. Lúc đó Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, tạo ra hành lang pháp lý cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển.

Các nhóm “start up”: đây chính là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Họ xây dựng doanh nghiệp từ chính những ý tưởng kinh doanh, ý tưởng sáng tạo của mình. Khi được đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ có nguồn lực biến những ý tưởng của mình thành hiện thực. Tất nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều thành công, thậm chí tỷ lệ thành công rất thấp, nhưng một khi đã thành công họ sẽ tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế. Các công ty thành công ở Thung lũng Silicon như Microsoft, Google, Facebook, Apple… đã chứng minh điều này, và họ là số ít thành công trong số hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp đã thất bại. Ở Việt Nam, chúng ta chưa có tư duy chấp nhận thất bại, vì thế nhiều người đòi hỏi 100% các đề tài nghiên cứu hay các dự án khoa học sử dụng ngân sách nhà nước phải thành công, phải được ứng dụng. Đó thật sự là duy ý chí và không thực tế, bởi tỷ lệ này ở các nước phát triển cũng chỉ dao động xung quanh 20% mà thôi. Trong thời gian vừa qua, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp thành công từ các viện nghiên cứu, trường đại học, nhưng họ mới chỉ như những đốm lửa nhỏ, chưa thể trở thành một phong trào lan tỏa trong cộng đồng, chưa thể đáp ứng được mục tiêu đến 2020 Việt Nam có 5.000 doanh nghiệp KH&CN như kỳ vọng.

Các nhà đầu tư: có hai hình thức đầu tư. Một là, các nhà đầu tư thiên thần, là những nhà đầu tư tự nguyện, họ chấp nhận rủi ro. Nếu thành công thì cùng nhau chia sẻ lợi nhuận, còn nếu thất bại thì sẽ chấp nhận cùng chịu rủi ro. Hai là, các nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư hay các tổ chức tài chính. Các quỹ sẽ thay mặt nhà đầu tư quản lý nguồn vốn, sử dụng đội ngũ tư vấn pháp lý và tư vấn kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và cùng chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro.

Các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp sáng tạo: đây được hiểu là nơi tạo ra các dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong quá trình hoạt động. Các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp là nơi liên kết các nhà đầu tư với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Họ là một tổ chức trung gian độc lập nhằm tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về ý tưởng kinh doanh, tìm kiếm các nhà đầu tư, các vấn đề liên quan đến pháp lý, sở hữu trí tuệ...

Muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp, việc tạo lập và vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành phần như trên là điều bắt buộc và không dễ dàng, nhất là khi chúng ta còn đang chập chững bước vào nền kinh tế thị trường.

Những bước đi đầu tiên

Ngày 04/6/2013, Bộ KH&CN đã phê duyệt “Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam” (VSV). Đề án có mục tiêu thúc đẩy thương mại hóa những công nghệ ưu tiên thuộc các lĩnh vực năng lượng, y sinh, cơ khí, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thông tin và viễn thông theo mô hình Thung lũng Silicon. Trong thời gian hơn 2 năm, với tâm huyết của những người đam mê sáng tạo và khởi nghiệp, Đề án đã thực hiện được nhiều nội dung vượt quá cả nguồn lực được hỗ trợ như: tổ chức các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam nhằm tạo cơ hội cho họ được học tập, tích lũy kiến thức, trao đổi, tìm kiếm đồng sáng lập, nhận được sự tư vấn trực tiếp từ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, kể cả mời chuyên gia nước ngoài; xây dựng và triển khai thành công mô hình Tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator - BA) đầu tiên tại Việt Nam và hỗ trợ 9 nhóm khởi nghiệp trong một chiến dịch tập huấn (bootcamp) trong vòng 4 tháng; tổ chức Ngày hội đầu tư (Demo Day) để hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đến nay đã có 3 nhóm nhận được đầu tư (trong đó có 1 nhóm được nhà đầu tư định giá là 1,8 triệu USD, 1 nhóm được định giá là 2 triệu USD và 1 nhóm được định giá 800.000 USD), 6 nhóm còn lại đang trong quá trình đàm phán với các Quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài...

Qua 2 năm thử nghiệm, từ kinh nghiệm thực tế, Bộ KH&CN đã tư vấn và hỗ trợ thành lập Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN, một dạng quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Rất tiếc là thủ tục thành lập và cấp phép hoạt động cho Quỹ còn quá nhiều trở ngại nên mất quá nhiều thời gian đưa Quỹ vào hoạt động, hơn nữa hành lang pháp lý cho Quỹ cũng chưa được thuận lợi, vì thế Quỹ chỉ có thể hoạt động một cách dè dặt và khó phát triển.

Hãy hình dung nếu đến 2020 chúng ta có được 5.000 doanh nghiệp KH&CN khởi nghiệp thành công, con số đó chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng bằng công nghệ cao, công nghệ mới, giá trị gia tăng lớn, họ có thể đóng góp giá trị tới 5% GDP, như vậy năng suất lao động của các doanh nghiệp KH&CN có thể cao hơn hàng trăm lần so với doanh nghiệp bình thường. Hệ sinh thái khởi nghiệp mà VSV tạo ra tuy còn sơ khai và bé nhỏ, nhưng có triển vọng to lớn, sẽ góp phần hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong tương lai. Vì thế, đang được đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để trở thành Đề án cấp quốc gia. Chúng ta cần phải tiến hành những bước đi tiếp theo với một quyết tâm mãnh liệt và sự nỗ lực không mệt mỏi. Ngoài Đề án VSV, chúng ta cần phát huy sức mạnh của khối liên kết viện - trường, đây chính là nơi sản sinh ra các doanh nghiệp khởi nghiệp cho đất nước.

Vậy thì, ngay từ bây giờ các cơ quan nhà nước hãy thí điểm cho ra đời và vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách nhà nước, thí điểm xây dựng một trường đại học khởi nghiệp, để sau một thời gian nữa chúng ta sẽ xây dựng một thành phố khởi nghiệp, và trong tương lai không xa hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều thành phố khởi nghiệp, sẽ trở thành một quốc gia khởi nghiệp?

TS. Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Lượt xem: 1668

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)