Thứ sáu, 14/08/2015 16:34 GMT+7

Cần xây dựng cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp là rất mới với các cơ quan nhà nước, môi trường kinh doanh ở Việt Nam nhưng là điều hết sức cần thiết để phát huy trí tuệ của người Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ xây dựng đề án và sẽ...

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Hồng Quất – Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KHCN), đơn vị chủ trì Đề án cho biết: Đề án sẽ chú trọng xây dựng Quỹ đầu tư về khoa học công nghệ để tạo nguồn vốn cho các doanh nhân khởi nghiệp và nghiên cứu, đầu tư áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thưa ông, việc xây dựng Đề án cần xuất phát từ việc trải nghiệm thực tế để tránh việc “ngồi phòng lạnh” đưa ra những quy định khó khăn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nền tảng để Bộ KHCN lấy thước đo để xây dựng Đề án ở đây là gì?

Cục trưởng Phạm Hồng Quất: Ngày 4/6/2013, Bộ trưởng Bộ KHCN phê duyệt Đề án tổng thể thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam giai đoạn 2013-2018. Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ ưu tiên thuộc các lĩnh vực năng lượng, y sinh, cơ khí, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thông tin và viễn thông theo mô hình Thung lũng Silicon và xây dựng mối quan hệ giữa Quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp khởi nghiệp.



Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Phạm Hồng Quất

Đề án mang tính chất từ một mô hình thí điểm đó là đưa các thành tố quan trọng nhất của hệ sinh thái từ Hoa kỳ và hướng tới việc xây dựng hệ thống thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, các quỹ đầu tư theo mô hình Thung lũng Silicon.

Sau hơn một năm hoạt động cho thấy tác động về mặt xã hội rất lớn, các cộng đồng khởi nghiệp đã có được những người “cầm cờ” và sự cam kết của Chính phủ hỗ trợ các bạn trẻ có đam mê và đặc biệt là các tầng lớp cao trong giới tri thức trẻ đã kết hợp với nhau để tìm ra một thị trường, mà đôi khi những nhà đầu tư, quản lý truyền thống không nhìn thấy được; họ kết nối được với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ở Silicon.

Chính phủ thấy đây là một mô hình hay và đã đến thời điểm cần phải xây dựng một chương trình quốc gia để hỗ trợ đó là hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo. Đât cũng là cơ hội để chúng tôi nâng dự án của mình lên tầm quốc gia.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ là một sân chơi rộng mở, đặc biệt là kết nối với cộng đồng quốc tế cho các bạn trẻ khởi nghiệp, đồng thời tạo ra một mạng lưới các nhà đầu tư “thiên thần” trong nước, các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài cũng sẽ được thuận lợi hơn khi đầu tư.

Sau hơn 1 năm mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam hoạt động thì những bước tiến rõ nét nhất ở đây là gì, thưa ông?

Cục trưởng Phạm Hồng Quất: Đề án Thung lũng Silicon tại Việt Nam nhằm xây dựng hệ thống các BA (tổ chức thúc đẩy kinh doanh) và mạng lưới các nhà đầu tư “thiên thần”, nhà tư vấn khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm theo mô hình của Hoa kỳ tại Việt Nam để thúc đẩy thương mại hóa công nghệ trong một số lĩnh vực tiềm năng như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nông nghiệp, y tế….





Hệ thống Siloncon Valley tại Mỹ

Bước tiến rõ nét nhất đó là chúng ta đã vượt qua được một số rào cản hiện có của cơ chế chính sách để Đề án tiếp tục sống và chạy được, để hỗ trợ được các bạn trẻ khởi nghiệp.

Chúng ta cũng đã làm được một số sự kiện trên cơ sở một số sản phẩm rất chất lượng mà mình tư vấn để cộng đồng quốc tế biết đến tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Trước chưa ai biết Việt Nam là một thị trường khởi nghiệp mà chỉ biết đến chúng ta có một đội ngũ sinh viên tài năng nhưng có thể đi làm thuê ở đâu đó. Bây giờ chúng ta đã có tên trên bản đồ thế giới.

Điều quan trọng nhất đó là Đề án đã tạo một niềm tin cho giới khởi nghiệp. Ý nghĩa về mặt xã hội đối với việc này là rất lớn. Hiện nay dự án có 5 nhóm được nhận quỹ đầu tư tiếp theo và chắc chắn sẽ mang lại một lợi ích kinh tế rất cao. Như vậy chúng ta đã tạo niềm tin là có một cơ quan, hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp để họ có thể làm giàu bằng chính trí tuệ của mình.

Hiện này có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài đi vào Việt Nam, tuy nhiên cơ chế ràng buộc về quản lý, pháp lý của chúng ta đã gây khó khăn cho họ dẫn đến hiệu quả chưa được tốt như mong đợi. Ông nghĩ sao về điều đó?

Cục trưởng Phạm Hồng Quất: Điều này phản ánh rất đúng tình hình thực tế hiện nay. Ngay như bản thân chúng tôi ở trong Đề án Thung lũng Silicon tại Việt Nam có Bộ Khoa học và Công nghệ đứng ra bão lãnh để các nhà đầu tư tư nhân thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam nhưng cũng phải mất 2 năm mới xin được giấy phép thành lập, bây giờ lại phải xin giấy phép hoạt động. Quỹ này mặc dù đã có tiền, doanh nghiệp khởi nghiệp đã có nhưng chưa thể hoạt động được vì chưa biết dùng cơ chế nào để đầu tư, rút vốn, thuế. Như vậy, nước ngoài đầu tư vào đương nhiên là phải khó khăn.

Đối với nước ngoài thì khi vào Việt Nam họ rất quan tâm đến cơ chế, giấy phép, mục đích sử dụng, rút tiền ra như thế nào… Chính vì thế chúng ta cũng phải có sự cởi mở và ít nhất cơ chế của Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phải tương đồng với các nước xung quanh.




Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ cộng đồng Startup (những người khởi nghiệp trẻ)

Ngày 12/8, các doanh nghiệp trẻ đã cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tại buổi gặp này, nhiều bạn đã bày tỏ những băn khoăn, thắc mắc về thủ tục pháp lý “rườm rà” khi tiếp cận với nguồn vốn hoặc các tổ chức đầu tư. Đây cũng sẽ là những khó khăn khi chúng ta thực hiện Đề án. Theo ông thì chúng ta nên làm gì để giải quyết bất cập này?

Cục trưởng Phạm Hồng Quất: Theo tôi, các quỹ đầu tư mang tính hỗ trợ khởi nghiệp thì cần phải được thực hiện đơn giản và minh bạch. Điều này liên quan đến việc người quản lý quỹ là ai, cơ chế cấp phát phép là như thế nào?...

Khi tôi sang Singapore thì tất cả thuyết trình của họ chỉ thực hiện trong vòng 5 phút. Tức là nhóm khởi nghiệp đam mê, nghiên cứu đưa ra các bản thuyết trình chỉ trình bày trong 5 phút. Sau khi qua vòng loại và vào vòng trong thì có thể bị phỏng vấn cả ngày. Như ở chúng ta hiện nay, việc tiếp cận hồ sơ có thể cả ngày, thậm chí cả tháng. Vì thế, cơ chế cấp cho dự án đầu tư nghiên cứu truyền thống nó không hề tương thích cho đổi mới sáng tạo

Vấn đề ở chỗ là người cầm tiền phải biết nhìn nhận và đánh giá được dự án, mà không ai khác đó chính là các nhà đầu tư chứ không phải là những nhà quản lý.

Đối với mô hình quỹ, tôi cho rằng, đầu tiên phải chọn người đã có kinh nghiệm để xem xét các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thì mới quản lý hiệu quả được. Cơ chế đó phải là cơ chế đặc thù. Hiện nay tất cả quỹ của chúng ta mang tính chất nghiên cứu, mang tính chất truyền thống, hội đồng. Nhiều vòng thẩm định, hồ sơ dày cộm, không ai có thể đáp ứng được, thậm chí còn làm nản chí những người muốn xin tiền hoặc những người xứng đáng thì lại không được chọn bởi người thẩm định nhìn quá sâu vào kỹ thuật công nghệ, trong đó quên mất bài toán thị trường và đầu tư mới là chính trong các mục tiêu.

Xin cảm ơn ông!

Theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp KH&CN đóng vai trò quan trọng trong việc thương mại hóa công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức của đất nước.

Nhà nước có chủ trương thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các nội dung chính như xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm phát triển môi trường khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam; Xây dựng Quỹ đầu tư khởi nghiệp quốc gia với định hướng của nhà nước và vai trò góp vốn, quản lý của tư nhân để hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, các tổ chức đào tạo khởi nghiệp, đào tạo đầu tư khởi nghiệp và các dự án hỗ trợ khởi nghiệp tiềm năng khác.

Xây dựng hệ thống chứng nhận chất lượng cho các nhà đầu tư thiên thần, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các tổ chức đào tạo khởi nghiệp, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, đào tạo nhà đầu tư khởi nghiệp; Xây dựng, chứng nhận và hỗ trợ phát triển chương trình đào tạo khởi nghiệp tại các trường đại học và trường phổ thông; Hỗ trợ các sự kiện khởi nghiệp cấp quốc gia và cấp địa phương; Hình thành và phát triển các gói hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở vật chất – kỹ thuật; Hình thành và phát triển mạng lưới thông tin kết nối các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp…



Lượt xem: 5882

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)