Chủ nhật, 23/08/2015 08:29 GMT+7

Giao lưu trực tuyến “Thu hút nhà khoa học trẻ, cách nào?”

Cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thu hút nhà khoa học trẻ, cách nào?” do báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sẽ bắt đầu từ 14h chiều thứ Ba, 25/8 trên...
Cuộc giao lưu có sự tham dự của ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; GS.TS Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.


Ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Ngoài ra, buổi giao lưu còn có sự tham dự của ba nhà khoa học trẻ tài năng, đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu gồm:

- PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp - Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, người vừa giành giải thưởng trẻ của Giải thưởng Tạ Quang Bửu, vinh danh những nghiên cứu xuất sắc trong nghiên cứu khoa học cơ bản;

- ThS. Lê Văn Huyên, người có 11 sáng kiến, giải pháp giúp Tổng công ty Viễn thông Mobifone tiết kiệm 25 tỷ đồng chi phí đầu tư;

- TS. Vũ Thị Thu - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà khoa học có tám bài báo quốc tế, một văn bằng bảo hộ, một công trình áp dụng thực tế, mười hai nhiệm vụ NCKH cùng ba giải thưởng KH&CN và 23 bài đăng hội thảo quốc tế trong lĩnh vực sinh lý học, y sinh.

Buổi giao lưu là cơ hội để độc giả trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực sử dụng, trọng dụng nhà khoa học trẻ đồng thời lắng nghe chia sẻ của chính những nhà khoa học trẻ đã đạt được thành công trong nghiên cứu.

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ KH&CN đã dành nhiều sự quan tâm đối các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định về sử dụng, trọng dụng các cá nhân hoạt động khoa học công nghệ đã dành riêng một mục quy định những chính sách đãi ngộ với các nhà khoa học trẻ tài năng.

Với những nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng như ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước… lần lượt gỡ bỏ những nút thắt trong nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho nhà khoa học nói chung, nhất là nhà khoa học trẻ có môi trường phát triển thuận lợi.

Đồng thời Bộ KH&CN đang triển khai các phương thức hỗ trợ kinh phí, đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu - ứng dụng bằng cơ chế Quỹ: Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted), các Chương trình phát triển KH&CN và đang tiếp tục hoàn thiện Quỹ Phát triển KH&CN của các Bộ, Ngành, Doanh nghiệp, địa phương, các nguồn lực khác. Song song với đó là việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tổ chức KH&CN nhằm hỗ trợ cho nhà khoa học nói chung và nhà khoa học trẻ nói riêng có điều kiện thực hiện các nghiên cứu của mình.

Cùng với sự đam mê của mình, để có được sự thành công như ngày hôm nay, các nhà khoa học trẻ cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía các Viện, Trường, tổ chức nghiên cứu, nơi họ công tác như môi trường học thuật, cơ sở vật chất, kết nối, giao lưu… hay từ sự tâm huyết và phối hợp của thế hệ các nhà khoa học thế hệ đi trước.

Đặc biệt, tháng 9/2015, lần đầu tiên, Bộ KH&CN tổ chức sự kiện "Lãnh đạo Chính phủ gặp mặt các nhà khoa học trẻ". Sự kiện này một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ KH&CN đối với các nhà khoa học trẻ - tương lai của nền KH&CN Việt Nam cũng như tương lai của nước nhà trong thời đại hội nhập và cạnh tranh.

Bạn đọc của báo Tiền Phong có thể giao lưu với các vị khách mời bằng cách đặt câu hỏi, gửi ý kiến, hiến kế cho chủ đề thú vị này ở phần gửi câu hỏi phía dưới.

Trân trọng kính mời quý bạn đọc theo dõi cuộc giao lưu, tọa đàm ý nghĩa này.

Lượt xem: 1471

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)