Thứ sáu, 13/09/2013 10:37 GMT+7

Dùng cây xanh xử lý đất ô nhiễm kim loại nặng

Hiện nay, nhiều vùng đất sau khi hoàn thổ tại các khu mỏ bị ô nhiễm các kim loại nặng như Pb, Cd, Zn,… và As vẫn chưa có điều kiện được cải tạo.


Xử lý đất ô nhiễm ở Thái Nguyên

Tại Thái Nguyên, ở 4 vùng khai thác mỏ đặc trưng (mỏ than Núi Hồng, sắt Trại Cau, chì - kẽm làng Hích, xã Tân Long và thiếc núi Pháo, Hà Thượng), hàm lượng các kim loại như chì (Pb), kẽm (Zn), asen (As), cadami (Cd) trong đất cao gấp nhiều lần mức cho phép. Ví dụ, tại Hà Thượng, huyện Đại Từ, hàm lượng As trong một số mẫu đất cao hơn quy chuẩn cho phép là 1262 và 467 lần, tương ứng. Tại huyện Yên Lãng, hàm lượng As trong đất cao hơn quy chuẩn cho phép của Việt Nam là 308 lần,…

Tại huyện Đồng Hỷ, hàm lượng Cd, Pb và Zn ở trong đất Làng Hích, xã Tân Long cao hơn ở các điểm thu mẫu khác. Đặc biệt, hàm lượng Pb ở trong 03 mẫu là 108,5; 45,1 và 51,3 ppm, đều vượt QCVN. Hàm lượng Zn trong các điểm mẫu đó cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 45 lần. Hàm lượng As và Cd ở 3 điểm lấy mẫu nêu trên cũng cao hơn khi so với đất không ô nhiễm…

Tìm cây xử lý ô nhiễm

GS.TS Đặng Đình Kim, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam- Chủ nhiệm đề tài KC08.04/06-10 cho biết, các nhà khoa học đã phải vật lộn hơn 2 năm với 6 đợt điều tra nghiên cứu, thu thập mẫu vật tại các bãi thải và vùng phụ cận thuộc các mỏ than (Núi Hồng), chì - kẽm (Làng Hích), thiếc (Hà Thượng), sắt (Trại Cau), đã thu được trên 2000 tiêu bản thực vật.

Sau khi tuyển chọn, các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu sâu về 7 loài thực vật triển vọng cho xử lý ô nhiễm As, Pb, Cd và Zn trong đất tại 02 vùng khai thác mỏ lựa chọn là mỏ thiếc Núi Pháo, Đại Từ và mỏ chì, kẽm làng Hích, Đồng Hỷ. Trong 7 loài thực vật này, có 3 loài thực vật bản địa, thu tại khu vực khai thác mỏ (Dương xỉ Pteris vittata, Dương xỉ Pityrogramma calomelanos và cỏ Mần trầu Eleusine indica); 02 loài thực vật triển vọng thu thập tại các vùng ô nhiễm kim loại nặng nghiên cứu của Việt Nam (Ngổ dại và cỏ Voi lai) và 02 loài mà thế giới sử dụng nhiều cho xử lý ô nhiễm kim loại nặng (cỏ Vetiver và Cải xanh).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các cây như dương xỉ, cỏ mần trầu, cải xanh, nghể nước… thích hợp với việc “giải cứu” đất ô nhiễm kim loại nặng.

Cải tạo đất bị ô nhiễm bằng phương pháp thân thiện với môi trường

Sau khi tìm được các thực vật phù hợp, các nhà khoa học tiến hành xây dựng quy trình xử lý đất nhiễm As bằng dương xỉ, xử lý đất nhiễm Pb bằng cỏ Mần trầu, Vetiver và Dương xỉ Pteris vittata, xử lý đất nhiễm Zn và Cd bằng công nghệ sử dụng cây Mần trầu..

Tiếp theo đó, nhóm nghiên cứu đề tài đã áp dụng thí điểm nghiên cứu trên ở xã Hà Thượng, huyện Đại Từ (điểm đất bị ô nhiễm bởi As và Cd) và làng Hích, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.


Ông Đỗ Xuân Cương, Giám đốc Văn phòng Các chương trình trọng điểm nhà nước đến kiểm tra một mô hình ứng dụng cây xanh làm sạch đất nhiễm kim loại nặng

Ở xã Hà Thượng, sau khi trồng các loại cây làm sạch đất, sau hơn 2 năm, hàm lượng As còn lại trong đất chỉ bằng 14,5 % so với ban đầu. Tuy nhiên, hàm lượng As còn lại trong đất vẫn cao hơn quy chuẩn cho phép công việc xử lý cần phải tiếp tục. Ở làng Hích, xã Tân Long, sau thời gian trồng cây thì hàm lượng Pb và Zn tương ứng là 399,11 và 780,49 ppm giảm đi đáng kể so với ban đầu. Tuy nhiên, muốn đưa đất đạt với quy chuẩn cho phép thì vẫn cần thêm thời gian xử lý (thời gian trên 2 năm).

GS Đặng Đình Kim cho biết, mong muốn lớn nhất của nhóm thực hiện đề tài là có điều kiện được mở rộng diện tích xử lý đất ô nhiễm do khai thác quặng ra nhiều ha với sự trợ giúp của các công ty khai khoáng cũng như các nhà quản lý địa phương và Trung ương. Trên hết là Luật Bảo vệ môi trường cần được thực thi nghiêm túc hơn.

Là công nghệ thân môi trường, hy vọng việc sử dụng thực vật thích hợp để xử lý ô nhiễm kim loại nặng trong đất sau khai thác khoáng sản chắc chắn sẽ có hiệu quả kinh tế và môi trường khi được chuyển giao cho các địa phương nhân rộng.

Lượt xem: 5246

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)