Báo cáo trước Hội đồng, cơ quan chủ trì là Trường Đại học Hải Phòng đã trình bày 3 nội dung của đề tài: kinh nghiệm về dân chủ và an sinh xã hội (ASXH), đánh giá thực trạng thực hiện dân chủ cơ sở và ASXH, một số giải pháp bảo đảm dân chủ và ASXH phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Hải Phòng.
Hội đồng đánh giá
Đánh giá thực trạng thực hiện dân chủ cơ sở, ASXH ở Hải Phòng, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, Hải Phòng đã có nhiều thay đổi tích cực trong hoạt động này: Cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước đã từng bước đi vào đời sống; Công tác tổ chức chỉ đạo của các cấp chính quyền có những thay đổi bám sát vào thực tiễn xây dựng NTM; Sự quan tâm và thực hiện quyền của người dân về những việc dân biết, dân bàn, dân quyết định, giám sát; Việc chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập và giảm nghèo được quan tâm; Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe dân cư nông thôn, chính sách trợ giúp xã hội, phát triển giáo dục - đào tạo ở địa bàn nông thôn ngày càng phát triển… Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ cơ sở, ASXH ở Hải Phòng còn một số những hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu sâu sát trong chỉ đạo tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng NTM; Việc cụ thể hóa thành văn bản tổ chức thực hiện còn lúng túng; Xây dựng kế hoạch thực hiện dân chủ trong xây dựng NTM ở một số địa phương còn chung chung, chưa cụ thể; Một số hạng mục kinh phí chưa được công khai, minh bạch; Công tác tuyên truyền còn chậm đổi mới, thiếu đa dạng; Thu nhập của người dân còn thấp, công tác giảm nghèo chưa bền vững; Các chính sách trợ giúp xã hội còn hạn chế; Vấn đề nhà ở, vệ sinh môi trường, văn hóa nông thôn còn hạn chế…
Từ việc tham khảo kinh nghiệm triển khai xây dựng dân chủ cơ sở và ASXH tại một số nước lân cận (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan), một số tỉnh thành tại Việt Nam (Hà Nội, Thái Bình… ) và từ thực tế nêu trên, đề tài đã đề xuất những giải pháp bảo đảm dân chủ và ASXH. Về dân chủ: Cần đa dạng hóa các hình thức tham gia của nhân dân về xây dựng các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; Hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo dân chủ; Đổi mới và hoàn thiện hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; Nâng cao nhận thức, trình độ văn hóa của nhân dân. Giải quyết vấn đề về ASXH, nhóm tác giả chia thành các nhóm giải pháp cụ thể như: Giải pháp xây dựng và phát triển ASXH trực tiếp ở nông thôn Hải Phòng qua chính sách xóa đói, giảm nghèo; Giải pháp xây dựng và phát triển ASXH phòng ngừa ở nông thôn Hải Phòng bằng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Giải pháp xây dựng và phát triển ASXH giảm thiểu thiệt hại ở nông thôn Hải Phòng qua việc tăng cường chính sách trợ giúp xã hội cho nông dân.
Hội đồng đánh giá cao tính thiết thực của đề tài, coi đây là một hướng đi sáng tạo, tích cực, góp phần quan trọng trong xây dựng NTM.
Ban chủ nhiệm đề tài chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Hội đồng đánh giá
Nguyễn Lưu