Thứ hai, 22/06/2015 10:36 GMT+7

Đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị toàn thể lần thứ 9 Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham gia các hoạt động thuộc khuôn khổ Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT), Đoàn công tác...

Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân được đề xuất từ năm 2006 và đến nay đã có 86 quốc gia và 5 quan sát viên của các nước và các tổ chức quốc tế tham gia. Tại Hội nghị lần này, các nước thành viên của Sáng kiến GICNT đã xem xét đánh giá các kết quả đạt được trong 2 năm qua và các tiến bộ đã đạt được trong 3 nhóm công tác về Giám định hạt nhân, Ghi đo hạt nhân và Ứng phó khẩn cấp trong việc tạo ra các công cụ và tài liệu hướng dẫn hành động hiệu quả cho cộng đồng quốc tế và đồng thuận về các sản phẩm đã thu được của Sáng kiến GICNT trong 2 năm qua. Đồng thời Hội nghị cũng đã trao đổi về các định hướng và hoạt động cho hai năm tiếp theo 2015-2017. Ngoài ra, trong chương trình nghị sự của Hội nghị cũng đã bầu Điều phối viên mới cho nhóm thực hiện và đánh giá (IAG) và bầu Đồng Chủ tịch cho nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo.

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị, nhấn mạnh tầm quan trọng của Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân và các hoạt động của nước chủ nhà trong lĩnh vực này. Liên bang Nga và Hoa Kỳ được bầu làm Đồng Chủ tịch cho giai đoạn 2015-2019. Các Đồng chủ tịch đã phát biểu cám ơn các nước thành viên và quan sát viên về các cam kết tiếp tục ủng hộ các hoạt động của Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân và chào mừng thành viên mới là Irac và quan sát viên mới là Viện nghiên cứu luật pháp và tội phạm liên khu vực của Liên Hợp quốc. Đồng Chủ tịch cũng đánh giá cao đóng góp của Hàn Quốc với vai trò là Điều phối viên IAG đã thực hiện tốt các chiến lược của Sáng kiến được thông qua tại Hội nghị toàn thể lần thứ 8 tổ chức ở Mexico. Phần Lan đã được bầu làm Điều phối viên IAG cho giai đoạn 2 năm tiếp theo. Trưởng các đoàn đại biểu đã phát biểu về hoạt động của quốc gia mình trong lĩnh vực an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân và các đóng góp của quốc gia cho hoạt động chung của Sáng kiến GICNT trong 2 năm qua.

Kết quả hoạt động của Sáng kiến GICNT kể từ Hội nghị toàn thể lần thứ 8 ở Mexico thể hiện ở việc đã tổ chức 9 sự kiện (hội thảo và diễn tập) về các nội dung giám định hạt nhân, ghi đo hạt nhân và ứng phó khẩn cấp cũng như việc chuẩn bị được 4 tài liệu quan trọng phục vụ cho các hoạt động của Sáng kiến bao gồm Các cơ sở cho việc thiết lập và duy trì khuôn khổ ứng phó về an ninh hạt nhân, Trao đổi thông tin về giám định hạt nhân, Hướng dẫn ghi đo hạt nhân trong một quốc gia và Tài liệu thực hành các kịch bản về an ninh hạt nhân. Các kế hoạch hoạt động trong 2 năm tiếp theo của 3 tổ công tác về giám định hạt nhân, ghi đo hạt nhân và ứng phó sự cố đã được thảo luận và thống nhất. Mục tiêu chính của các hoạt động của 3 tổ công tác vẫn là tập trung xây dựng năng lực của quốc gia tham gia Sáng kiến GICNT. Ngoài ra, các hoạt động cũng cần quan tâm đến các thách thức về an ninh hạt nhân đặc thù của từng khu vực, các nội dung liên ngành giữa 3 tổ công tác, các kinh nghiệm thực tiễn tốt về xây dựng khuôn khổ pháp lý và pháp quy và sự tham gia của đại diện ngành công nghiệp hạt nhân trong các hoạt động của Sáng kiến này. Moroco và Úc tiếp tục giữ vai trò Tổ trưởng các tổ công tác về ứng phó sự cố và giám định hạt nhân, còn Phần Lan sẽ đảm nhiệm cương vị Tổ trưởng tổ công tác về ghi đo hạt nhân. Với vai trò Điều phối viên IAG, Phần Lan sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Sáng kiến GICNT trong năm 2016. Hội nghị toàn thể lần thứ 10 của GICNT sẽ diễn ra vào năm 2017.

Ngoài Hội nghị toàn thể, các đại biểu được mời tham quan nhà máy điện hạt nhân và cơ sở chôn cất chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của Phần Lan tại Olkiluoto. Hiện nay, phần liên quan đến chôn cất chất thải phóng xạ mức thấp và trung bình đã đi vào hoạt động ở độ sâu 60-100 mét dưới đất, còn cơ sở chôn cất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sẽ đi vào hoạt động khoảng năm 2020 ở độ sâu 420 mét dưới mặt đất. Đây sẽ là cơ sở đầu tiên trên thế giới về chôn cất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Phần Lan đã có quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí cho Quỹ quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Hiện nay, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được lưu giữ tạm thời 40 năm tại nhà máy và sau đó sẽ chuyển đến chôn cất tại cơ sở chôn cất ở độ sâu 420 mét dưới mặt đất./.

Lượt xem: 1445

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)