Thứ tư, 20/05/2015 15:52 GMT+7

Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển KH&CN Bắc Giang giai đoạn 2016 – 2020”

Nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, ngày 18/5/2015, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển KH&CN tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020". Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và Phó Chủ...


Toàn cảnh hội thảo

Theo báo cáo, thời gian qua ngành KH&CN tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại. Hỗ trợ các tổ chức áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; chuyển giao KH&CN vào sản xuất, khai thác có hiệu quả công suất của các nhà máy; nghiên cứu bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch. Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào xây dựng nông thôn mới, cánh đồng mẫu, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; đổi mới cơ chế chính sách, đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư, tuyên truyền nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Các đề tài, dự án KH&CN thực sự đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa thành vùng tập trung như: miến dong (huyện Sơn Động); chè, cam (huyện Yên Thế); gạo thơm (huyện Yên Dũng); nấm (huyện Lạng Giang); khoai tây (huyện Việt Yên); vùng dược liệu Ba kích, Hà thủ ô, Ngưu tất, Địa liền, Địa hoàng,… (huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Lục Nam, Sơn Động);… từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp. Đặc biệt, việc chủ động sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng được quan tâm thông qua các dự án: lúa, gà, trâu, khoai tây,…

Dự án quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Lục Ngạn cho sản phẩm vải thiều được nhân rộng quy mô với 8.500ha theo mô hình VietGAP. Năm 2014, diện tích cây vải thiều đạt khoảng 32.000ha, chiếm 74% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, bằng 34% diện tích vải thiều toàn quốc. Sản lượng vải tươi hàng năm đạt 155.000 tấn, trong đó sản lượng vải VietGAP khoảng 45.000 tấn. Giá bán trung bình đã tăng thêm 3.000 đồng/kg so với trước khi chưa xây dựng thương hiệu; Dự án KH&CN tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế đã góp phần tích cực phát triển đàn gà của huyện Yên Thế. Sản phẩm đã xuất bán khoảng 12 triệu con/năm, tương đương gần 22.000 tấn. Hàng năm người dân Yên Thế có doanh thu từ nuôi gà khoảng 1.000 – 1.300 tỷ đồng, bình quân đạt 59-76,5 triệu đồng/hộ/năm.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp phát triển KH&CN Bắc Giang giai đoạn 2016- 2020. Theo đó, nội dung, tiêu chí các đề tài, dự án đăng ký tham gia phải bảo đảm tính nhân rộng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí; đầu tư cho KH&CN cần tập trung, tránh dàn trải; làm rõ chế độ chính sách về quỹ tài trợ dự án đến đối tượng là các đơn vị chủ nhiệm đề tài, dự án; tích cực nghiên cứu và đưa những giống cây, con mới vào thử nghiệm, nhân rộng sản xuất; phát triển những nhóm cây trồng, vật nuôi có thế mạnh; đầu tư phát triển vùng sản xuất cây dược liệu; tập trung phát triển sản xuất theo hướng công nghệ; có cơ chế thu hút nguồn lực cho phát triển KH&CN, chú trọng nguồn lực ngoài ngân sách; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KH&CN.


Một số sản phẩm KH&CN của tỉnh tại gian hàng trưng bày

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao những kết quả tỉnh Bắc Giang đạt được trong những năm qua trong lĩnh vực KH&CN, đồng thời đề nghị tỉnh Bắc Giang cần xây dựng định hướng phát triển KH&CN sát với thực tế; dành nguồn lực tài chính tương xứng cho KH&CN. Đặc biệt, lựa chọn các sản phẩm là thế mạnh đặc thù, đưa ứng dụng KH&CN từ khâu chọn giống đến tiêu thụ sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, đứng vững trên thị trường và phát triển bền vững.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen và Sở KH&CN tỉnh tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Lượt xem: 1331

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)