Thứ năm, 19/06/2014 08:15 GMT+7

Hội thảo “Hệ thống giao thông thông minh, Công nghệ Nhật Bản và khả năng áp dụng tại Việt Nam”

Ngày 17/6/2014, tại Hà Nội, trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Viện Ứng dụng công nghệ- Bộ Khoa học và Công nghệ và Hiệp hội ITS (Phát triển và triển khai hệ thống giao thông thông minh) Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Hệ thống giao...


Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Shinya Omi- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội ITS Nhật Bản, ông Lê Hùng Lân- Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ, ông Nguyễn Văn Vịnh- Phó Hiệu trưởng trường Đại học GTVT.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều công trình giao thông đã và đang được xây dựng trên khắp Việt Nam để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời đáp ứng sự gia tăng không ngừng số lượng các phương tiện tham gia giao thông. Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề cấp bách trong giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông, và ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Để giải quyết vấn đề này, chúng ta đang cố gắng từng bước xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ và ứng dụng khoa học mới trong hệ thống điều khiển giao thông.

Hiện tại, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều dự án ứng dụng ITS trên hệ thống đường cao tốc. Tiêu biểu là các hệ thống ITS trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP HCM - Trung Lương, và sắp tới sẽ triển khai dự án ứng dụng ITS trên quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) và hệ thống đường cao tốc vành đai Hà Nội.

Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn đã thực hiện một số dự án ứng dụng ITS như đề án thí điểm xây dựng mô hình quản lý Đại lộ Thăng Long với sự hình thành trung tâm quản lý đường cao tốc Hà Nội. Trung tâm này sẽ ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý như đếm, phân loại phương tiện giao thông tự động, hệ thống camera giám sát, hệ thống bảng thông báo điện tử, kiểm soát xe quá tải, quá khổ,…

Tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đã và đang triển khai xây dựng hệ thống giám sát, điều hành giao thông. Các dự án này sử dụng hệ thống camera giám sát, trung tâm điều khiển giao thông, hệ thống radio để thu thập thông tin, điều hành giao thông và cung cấp thông tin cho người sử dụng.

Ngoài ra, trong lĩnh vực giao thông công cộng, việc ứng dụng ITS cũng bắt đầu được nghiên cứu và triển khai thực hiện thông qua hệ thống biển báo điện tử cung cấp thông tin về khoảng cách xe đến trạm dừng cho hành khách.

Ông Lê Hùng Lân - Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ cho biết: Hiện nay, ITS là xu hướng phát triển tất yếu của ngành GTVT tất cả các nước trên thế giới. Với hơn 40 năm nghiên cứu, phát triển các ứng dụng ITS, hiện Nhật Bản là một trong những nước đi đầu về ITS trên thế giới. ITS đã giúp Nhật Bản giảm thiểu tai nạn, ách tách và ô nhiễm giao thông, nâng cao an toàn và tính tiện nghi của hệ thống GTVT.

Trong thời gian qua, các chuyên gia giao thông của Nhật Bản đã và đang giúp đỡ Việt Nam để từng bước triển khai và ứng dụng ITS trong thực tế như xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển hệ thống giao thông thông minh cho mạng đường cao tốc và hệ thống đường đô thị; Hỗ trợ phát triển xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về hệ thống giao thông thông minh; Triển khai các nghiên cứu thử nghiệm và các dự án thí điểm trong lĩnh vực giao thông thông minh; Triển khai các hoạt động hợp tác, đào tạo và chuyển giao công nghệ, ông Lê Hùng Lân khẳng định.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích hiện trạng và các vấn đề gặp phải khi triển khai hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam; Quản lý hệ thống giao thông thông minh, phương pháp luận đánh giá hiệu quả và tác động của hệ thống giao thông thông minh; Các giải pháp tích hợp cho quản lý vận hành hiệu quả hệ thống giao thông dựa trên các công nghệ hiện đại; Các công nghệ và thiết bị mới và khả năng áp dụng tại Việt Nam.

Theo các đại biểu, phát triển ITS là hướng đi quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển GTVT. Với những tiềm năng và lợi thế, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng thành công ITS góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông và cải thiện môi trường.

Lượt xem: 1709

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)