Tham dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế đến từ CITS, Viện Năng lượng nguyên tử In-đô-nê-xi-a (BATAN), Nhà máy điện hạt nhân Kozloduy của Bulgari và các đại biểu trong nước đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách an toàn của các Sở KH&CN: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Dương; một số cơ sở bức xạ trong cả nước và cán bộ có liên quan của Cục ATBXHN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Vương Hữu Tấn đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh trong các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực như y tế, công nghiệp, nông nghiệp,… Trong những năm gần đây, sau những sự cố liên quan đến mất an toàn, an ninh nguồn phóng xạ tại Việt Nam, bên cạnh văn hoá an toàn, văn hoá an ninh cũng được đặt ra cần phải xây dựng và tăng cường tại các cơ sở bức xạ. Cục trưởng mong muốn, Hội thảo này là cơ hội tốt để giúp các đại biểu nâng cao nhận thức về văn hoá an ninh cũng như trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của Hoa Kỳ, In-đô-nê-xi-a, Bulgari trong việc nâng cao văn hoá an ninh hạt nhân.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp một cách tiếp cận có hệ thống, toàn diện đối với đảm bảo an toàn, an ninh của cơ sở: Giới thiệu về an ninh hạt nhân, Văn hoá an ninh hạt nhân, Mối quan hệ giữa văn hóa an toàn và văn hoá an ninh, Các nguyên tắc về bảo vệ thực thể; Phát hiện, trì hoãn và ứng phó liên quan đến nguồn phóng xạ và nguồn di động, Mô hình mẫu về văn hoá an ninh hạt nhân và phương pháp tự đánh giá của IAEA.
Cục ATBXHN cũng giới thiệu về kế hoạch phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân và tầm quan trọng của đảm bảo an ninh hạt nhân, chiến lược đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ và các thách thức hiện nay của Việt Nam.
Hội thảo cũng thảo luận về việc đảm bảo an toàn, an ninh đối với các nguồn phóng xạ di động, vai trò quan trọng của nhân tố con người trong đảm bảo an toàn, an ninh và chiến lược của Việt Nam về đảm bảo an ninh và thúc đẩy văn hoá an ninh hạt nhân./.