Thứ ba, 25/05/2021 11:25 GMT+7

Đổi mới sáng tạo - chìa khóa để phát triển

Đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Việt Nam đã, đang đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, coi đây là nguồn lực nội sinh, chìa khóa để tạo đột phá trong phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình...

                                        Một buổi hội thảo của Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác xã ngành hàng rau hoa quả, tháng 10-2020.

3 thách thức trong đổi mới sáng tạo

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, đổi mới sáng tạo là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; cung cấp giải pháp giải quyết các thách thức về kinh tế - xã hội, môi trường đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia. Thời gian qua, nước ta luôn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, coi đây là "chìa khóa thành công" và một trong những "lợi khí" quan trọng nhất trong chiến lược phát triển.

Một trong những hoạt động đáng chú ý là tháng 1-2021, đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Đây sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế...

Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập về Chỉ số đổi mới sáng tạo, tăng 10 bậc so với năm 2015. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, có 3 thách thức lớn nhất của Việt Nam trong đổi mới sáng tạo. "Thứ nhất, Việt Nam có nguồn lao động đông đảo, dồi dào nhưng lại thiếu chuyên môn sâu và trình độ công nghệ cao để có thể chủ động áp dụng được đổi mới sáng tạo... Thứ hai, 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, chưa có đổi mới mạnh về tư duy để bắt kịp xu hướng về công nghệ. Vì vậy, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp gắn với đổi mới công nghệ và thị trường là thách thức của Việt Nam trong thời gian tới. Thứ ba là những bất cập tồn tại trong việc triển khai các hiệp định thương mại song phương, đa phương đi vào cuộc sống, để doanh nghiệp nhận thức được và tham gia vào chuỗi toàn cầu", ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Để đổi mới sáng tạo thực sự là chìa khóa phát triển đất nước, theo các chuyên gia cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo; chấp nhận rủi ro, độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học - công nghệ.

Liên quan tới vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và tăng cường sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, phát huy vai trò của hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn kết với các địa phương về hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội...

Về phía thành phố Hà Nội, theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp quan trọng, như: Hình thành và phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở, tăng cường liên kết, kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ trung ương, Hà Nội, các tập đoàn, doanh nghiệp, nhằm tạo lập môi trường phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới; nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó tiếp tục quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô; tổ chức các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia và quốc tế, kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái sáng tạo quốc gia và quốc tế.

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng các mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên mời các doanh nghiệp lớn, có uy tín quốc tế tham gia với vai trò dẫn dắt, định hướng; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo có sản phẩm, công nghệ mới tham gia các trung tâm này. Đặc biệt, thành phố tập trung phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội và quốc gia, mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao.

"Hà Nội cũng sẽ xây dựng “Mạng lưới Sáng kiến Thủ đô” và phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo” nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ trí thức và doanh nhân để phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển Thủ đô", ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay.

Liên kết nguồn tin:

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1000507/doi-moi-sang-tao---chia-khoa-de-phat-trien

 

 

 

 

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 1099

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)