Chủ nhật, 23/05/2021 16:15 GMT+7

Làm chủ công nghệ chế tạo robot y tế vận chuyển: Đưa KH&CN Việt Nam tiệm cận với khu vực và thế giới

Hệ thống robot y tế Vibot-2 có thể hoạt động thay thế nhân viên y tế vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm, thu gom rác thải… phục vụ người bệnh và đặc biệt có thể hỗ trợ công tác thăm, khám bệnh nhân, hạn chế tối đa sự tiếp xúc thông qua đường truyền thông tin giao tiếp. Đây là sản phẩm của đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đặt hàng Học viện Kỹ thuật Quân sự triển khai khi đại dịch Covid -19 bùng phát.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng GS.TS.NGND Nguyễn Lạc Hồng - Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự (HVKTQS), Bộ Quốc phòng về quá trình triển khai đề tài cũng như các tính năng hiện đại của Hệ thống robot nói trên.
 

Thiếu tướng GS.TS.NGND Nguyễn Lạc Hồng - Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng.
 

Đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn

Phóng viên: Thưa ông, được biết đề tài được Học viện triển khai trong thời gian ngắn. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về quá trình triển khai và kết quả của đề tài?

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng: Tháng 4/2020, trong bối cảnh toàn thế giới cũng như cả nước đang phải chống đỡ vất vả với đại dịch Covid-19, được Bộ KH&CN tín nhiệm giao nhiệm vụ, HVKTQS đã khẩn trương triển khai thực hiện đề tài KH&CN độc lập cấp Nhà nước về “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo Hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao”, đặt tên là Vibot. Các chức năng chính đặt ra cho Vibot là thay thế nhân viên y tế để vận chuyển các giá đựng đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm và các đồ vật khác từ khu vực tập kết (ở ngoài khu cách ly) đến các buồng bệnh (trong khu cách ly) để cung cấp cho người bệnh; vận chuyển giá đựng rác đến các buồng bệnh để nhận rác và vận chuyển ra khu tập kết rác thải; di chuyển đến các buồng bệnh để y bác sĩ, người nhà (ở ngoài khu cách ly) giao tiếp từ xa với bệnh nhân.

Đề tài được triển khai theo 2 giai đoạn với các yêu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm khác nhau. Giai đoạn 1, Hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot-1 gồm 1 Trung tâm giám sát, điều khiển và 1 robot di chuyển theo đường dẫn có từ tính kiểu AGV (Automated Guided Vehicle), nhằm hỗ trợ hoặc thay thế một phần nhân viên y tế và tạp vụ trong một không gian hạn chế có nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt là khu vực cách ly với dịch Covid-19. Sau 2 tuần thực hiện, hệ thống Vibot-1 đã được chế tạo và lắp đặt và thử nghiệm tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội để phục vụ người nghi nhiễm Covid-19. Đến nay, hệ thống Vibot-1 vẫn đang “trực chiến” tại đây, sẵn sàng tham gia chống dịch khi cần.

Ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1, nhóm nghiên cứu đã triển khai các nội dung nghiên cứu giai đoạn 2 với mục tiêu làm chủ công nghệ và thực thi phát triển hệ thống robot di động tự chủ kiểu AMR (Autonomous Mobile Robot), hoạt động linh hoạt, thông minh trong không gian rộng lớn và phức tạp hơn, nhiệm vụ đa dạng hơn... nhằm giải quyết triệt để hơn vấn đề nhân lực và an toàn lao động trong môi trường bệnh viện.

Từ cuối tháng 4/2021, hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot-2 đã được lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hiện nay, chúng tôi đã lắp đặt để sử dụng hệ thống Vibot-2 gồm 1 Trung tâm giám sát, điều khiển và 5 robot tại Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai (tại tỉnh Hà Nam) để thay thế nhân viên y tế phục vụ trong các khu cách ly bệnh nhân Covid-19.

Phóng viên: Robot y tế vận chuyển trong khu cách ly đã giúp ngăn ngừa nguy cơ lây lan Covid-19 như thế nào, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng: Hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot được thiết kế theo triết lý một nền tảng - đa mục đích (One Platform - Multi Purpose) cho phép robot thay thế con người vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm... từ ngoài khu vực cách ly vào trong khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh. Ở chiều ngược lại, robot vận chuyển rác thải, đồ dùng bẩn từ các buồng bệnh ra vị trí tập kết ở bên ngoài khu vực cách ly. Ngoài chức năng vận chuyển, robot còn có đường truyền thông tin giao tiếp riêng với Trung tâm giám sát, điều khiển. Với chức năng này, người bên ngoài khu vực cách ly (y, bác sỹ, người thân) có thể giao tiếp (thăm bệnh, tư vấn, động viên,…) từ xa với bệnh nhân bên trong khu vực cách ly bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao.

Như vậy, Hệ thống robot Vibot giúp cho nhân viên y tế không cần vào trong khu vực cách ly, không phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19, hạn chế được nguy cơ lây nhiễm chéo virus từ người bệnh.


Cải tiến, hoàn thiện và làm chủ công nghệ

Phóng viên: Các công nghệ của hệ thống robot đã được hoàn thiện từng bước như thế nào và được ứng dụng hiệu quả ra sao trong công tác phòng chống dịch Covid - 19, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng: Với robot phiên bản 1 (Vibot-1) chúng tôi đã thực hiện được một số tính năng, nhưng có hạn chế là chỉ hoạt động trong không gian hẹp và đi theo đường vạch từ, cũng có sự giao tiếp giữa người nhà bệnh nhân hay bác sĩ với bệnh nhân. Tuy nhiên chỉ có 1 robot hoạt động cùng với trạm giám sát điều khiển.       

Hệ thống robot y tế vận chuyển giai đoạn 2 (Vibot-2) gồm 5 robot và 1 trạm trung tâm điều khiển, được thiết kế, chế tạo với nhiều tính năng thông minh hơn như khả năng tự xây dựng đường đi theo bản đồ khu vực làm việc nạp trước hoặc tự xây dựng, di chuyển an toàn vào/ra khu vực được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự hỗ trợ nào từ bên ngoài; khả năng phát hiện và dừng hoặc vòng tránh các loại vật cản cố định và di động để đến được các vị trí đã được xác định trước; khả năng phối hợp giữa các robot khi thực hiện cùng một nhiệm vụ trên cùng một sàn,…

Các tính năng giao tiếp và truyền thông kế thừa sản phẩm giai đoạn 1, có thay đổi để đáp ứng yêu cẩu về tính thông minh, đồng bộ, tự chủ cao, khả năng điều khiển đồng thời nhiều robot, nhiệm vụ đa dạng, trong phạm vi rộng.

Từ Trung tâm có thể giám sát và điều khiển được cùng lúc nhiều robot như: theo dõi trạng thái kỹ thuật, thiết lập chương trình đưa đồ ăn, thuốc, thu rác, điều khiển di chuyển từng robot. Ngoài ra, ở phiên bản Vibot-2, hệ thống còn được phát triển thêm 2 giao thức điều khiển robot là giám sát, điều khiển robot từ thiết bị cầm tay có kết nối wifi (như laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh…) hoặc điều khiển trực tiếp trên màn hình của Vibot. Chính vì thế, việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot để hoạt động theo nhóm đều có thể được thực hiện dễ dàng.

Các công nghệ đã được nghiên cứu, hoàn thiện giúp các Vibot vận động linh hoạt trong môi trường bệnh viện nói riêng cũng như trong các môi trường làm việc cùng con người nói chung. Do đó, có thể đầu tư nghiên cứu thêm để phát triển, mở rộng phạm vi ứng dụng của Vibot cho các nhiệm vụ khác như vận chuyển trong phân xưởng, nhà máy thông minh; giám sát, hỗ trợ thông tin… tại sân bay, triển lãm… Trên nền tảng này, chúng tôi nghĩ rằng hoàn toàn có thể phát triển thành các robot quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Phóng viên: Có thể nói, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có rất nhiều thành tựu, kết quả nghiên cứu ra đời phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Ý kiến của ông về năng lực đội ngũ nghiên cứu khoa học trong nước trong việc nghiên cứu những giải pháp đáp ứng nhanh quá trình phòng chống Covid-19 thời gian qua?

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng: Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, có rất nhiều đơn vị trên toàn quốc đã tham gia nghiên cứu, phát triển các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch như bộ KIT xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Học viện Quân y; nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin phòng Covid-19 và đã triển khai tiêm thử nghiệm trên người; phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa để phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo y tế…; hay Robot hỗ trợ trong khu cách ly… Đây là các sản phẩm KH&CN cao, tương đương các sản phẩm quốc tế, do các nhà khoa học Việt Nam tự chủ nghiên cứu, sáng tạo trong thời gian rất ngắn và đã đưa vào ứng dụng hiệu quả trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Những thành công đó đã góp phần vào việc cùng toàn dân phòng, chống đại dịch, đồng thời khẳng định trình độ chuyên môn cao của đội ngũ nhà khoa học của Việt Nam, họ đã dám nghĩ, dám làm, tâm huyết và không ngại khó, ngại khổ, ngày đêm nghiên cứu, “chạy đua” với thời gian để tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công đó là nhờ có sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời có sự vào cuộc, đầu tư đúng hướng, kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ để tạo ra các sản phẩm phòng chống đại dịch trong thời gian ngắn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 

               

Hệ thống robot y tế vận chuyển giai đoạn 2 (Vibot-2) gồm 5 robot và 1 trạm trung tâm điều khiển.
 

Vibot-2 đang đưa thức ăn phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Phủ Lý, Hà Nam).

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 945

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)