Thứ sáu, 09/04/2021 15:18 GMT+7

Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: Công cụ hữu hiệu xây dựng nền hành chính hiện đại

Sau hơn 7 năm triển khai, hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, sau này được nâng cấp thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đã khẳng định được vai trò là một công cụ quan trọng, hỗ trợ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chuẩn hóa các quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân công dân có liên quan; minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội nghị.
 

Đó là nhận định của PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Hội nghị do Bộ KH&CN tổ chức sáng ngày 9/4/2021, nhằm đánh giá, ghi nhận những kết quả đã đạt được, đồng thời, thảo luận, trao đổi về các khó khăn, vướng mắc, qua đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh hoạt động chuyển đổi số ngày càng được đẩy mạnh.

Triển khai hiệu quả trên cả nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, việc áp dụng HTQLCL nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, góp phần xây dựng Chính phủ “kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực, phục vụ nhân dân”. Với nhiệm vụ được giao là cơ quan đầu mối theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã luôn nhận được sự đồng hành của các ban, bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định nói trên một cách mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ và thống nhất trên phạm vi cả nước. “Hội nghị là cơ hội để chúng ta chia sẻ, nhân rộng các cách làm tốt và ghi nhận, tôn vinh những cống hiến thầm lặng của những cán bộ trực tiếp triển khai, sự quyết tâm bền bỉ, kiên định của lãnh đạo các cấp trong việc xây dựng và áp dụng HTQLCL vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Những nỗ lực đó đã có đóng góp quan trọng vào việc cải tiến các quy trình xử lý công việc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đồng thời, góp phần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất Lượng Nguyễn Hoàng Linh báo cáo sơ kết tình hình triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg tại Hội nghị.
 

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trong 7 năm qua, dưới sự chỉ đạo và quan tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan đã tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và thống nhất trên phạm vi cả nước.

Theo đó, đã hình thành hệ thống các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL. 91% Bộ, ngành (20/22) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo quy định (tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng của các Bộ, ngành đã xây dựng, công bố HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001 đối với toàn bộ thủ tục hành chính). Các Bộ, ngành cũng đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng (74/98 cơ quan, tổ chức, tỷ lệ 75,5%).

Tại địa phương, 98,4% địa phương (62/63) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo quy định (tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng của địa phương đã xây dựng, công bố HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001 đối với toàn bộ thủ tục hành chính). Các địa phương cũng đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng, theo đó  có 62/63 địa phương (tỷ lệ 98,4%) đã triển khai việc xây dựng, áp dụng HTQLCL tại các UBND cấp xã, trong đó đã có 5.564/8.910 UBND cấp xã (tỷ lệ 62,5%) đã xây dựng, áp dụng, công bố HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001 theo quy định.

Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cả về chuyên môn, quản lý nhà nước và chế độ tài chính được triển khai hiệu quả; Các Bộ, ngành đã công bố đầy đủ Mô hình khung HTQLCL theo TCVN ISO 9001 cho các cơ quan, tổ chức theo hệ thống ngành dọc trực thuộc đóng tại địa phương; Bộ KH&CN đã công bố Mô hình khung HTQLCL cho các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tại địa phương; Đã hình thành hệ thống các cơ sở đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước đối với chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá và hệ thống tổ chức/chuyên gia tư vấn, tổ chức chứng nhận/chuyên gia đánh giá, đáp ứng yêu cầu tư vấn, kiểm tra HTQLCL trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Việc xây dựng, áp dụng HTQLCL vào hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước một cách có hiệu lực, hiệu quả là một trong những biện pháp thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ. Theo đó, đã giúp tìm ra biện pháp để cải cách thủ tục hành chính. HTQLCL yêu cầu cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân/tổ chức phải công khai các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu mà người dân phải nộp; nêu rõ quy trình xử lý công việc, kết quả xử lý cuối cùng, thời gian hoàn thành, từ đó có thể đưa ra biện pháp để giúp đơn giản hoá các thủ tục hành chính; Giúp vận hành cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” hiệu quả hơn: HTQLCL giúp thấy rõ trong hoạt động của nội bộ cơ quan khi giải quyết công việc, các khâu trong các phòng, ban phải kết nối với nhau một cách hợp lý, từ đó có thể thấy rõ khâu nào bị chồng chéo, bất hợp lý để liên tục cải tiến các quy trình xử lý công việc cho phù hợp, phục vụ người dân/tổ chức tốt hơn.

Đồng thời, thúc đẩy việc nâng cao và hoàn thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị văn phòng cho cán bộ, công chức; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức để đáp ứng tốt hơn yêu cầu vị trí công tác; tạo điều kiện để người dân cùng giám sát cán bộ, công chức, giám sát các thủ tục hành chính có được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hay không, từ đó kiến nghị sửa đổi, chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tăng cường Áp dụng ISO điện tử và chuyển đổi số

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện; trao đổi những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 19 cũng như đề xuất nội dung sửa đổi Quyết định này trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho rằng, việc kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin với xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tạo ra một phương pháp làm việc khoa học, mang tính hệ thống, tăng cường tính giám sát, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp cũng như đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Bà Nguyễn Thị Kim Huệ kiến nghị, mở rộng UBND phường, xã, thị trấn là đối tượng bắt buộc phải xây dựng và áp dụng HTQLCL để thực hiện đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương...

Giám đốc Sở KH&CN tỉnh An Giang Tầng Phú An cho rằng, các cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện áp dụng HTQLCL đã góp phần tích cực nâng cao chỉ số cạnh tranh, minh bạch trong quản lý hành chính của tỉnh; các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đã có nhiều đổi mới trong tác phong và lề lối làm việc, nâng cao chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân khi tiếp xúc giải quyết công việc với cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Sở KH&CN tỉnh An Giang kiến nghị, Bộ KH&CN nghiên cứu, cho thực hiện thí điểm việc xây dựng, áp dụng và duy trì, cải tiến HTQLCL tại một số trường Trung học phổ thông tại các thành phố thuộc tỉnh; tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL; sớm sửa đổi Quyết định 19 để các địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai;…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng quy định về điểm số cho hoạt động xây dựng áp dụng HTQLCL trong việc chấm điểm chỉ số cải cách hành chính còn thấp, chưa tạo động lực thúc đẩy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này. Do đó, cần tăng điểm chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh đối với tiêu chí này. Nhiều đại biểu đưa ra một số khó khăn trong việc hướng dẫn địa phương chuyển HTQLCL từ bản giấy sang bản điện tử; cán bộ chuyên trách công tác này thường luân chuyển nên việc tập huấn chưa thuận lợi;…
 

Thứ trưởng Lê Xuân Định kết luận Hội nghị.
 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho rằng, việc áp dụng TCVN ISO 9001 ban đầu khá khó khăn, nhưng đến nay hoạt động này đã trở thành một công cụ hữu hiệu xây dựng nền hành chính hiện đại. Qua công tác sơ kết cho thấy, hầu hết các nội dung và chỉ tiêu quan trọng đặt ra trong Quyết định số 19 đã được triển khai nghiêm túc và hiệu quả. Để tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 19 trong thời gian tới có hiệu lực, hiệu quả cao hơn, Bộ KH&CN đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc hoàn tất các nội dung theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg; tăng cường hoạt động kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo quy định tối thiểu 1 lần/năm. Tổ chức sơ kết việc xây dựng áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001 tại Bộ, ngành, địa phương để nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt.

Đồng thời, gắn kết việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số với hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo TCVN ISO 9001; nâng điểm đánh giá cho việc áp dụng HTQLCL trong điểm đánh giá cải cách hành chính; mở rộng việc xây dựng, áp dụng HTQLCL cho các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng như UBND cấp xã, các đơn vị sự nghiệp...

Thứ trưởng cho biết, Bộ KH&CN đã ghi nhận các ý kiến đóng góp, chia sẻ, trao đổi, thảo luận tại Hội nghị để tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai thực hiện, nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg cho phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001 trong các cơ quan, hành chính trong thời gian tới. Một trong những nhiệm vụ, đề xuất sửa đổi thời gian tới đó là tăng cường áp dụng ISO điện tử gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Đây là một nội dung rất quan trọng cần đẩy mạnh trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
 


 

Thứ trưởng Lê Xuân Định trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
 

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ KH&CN đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho 16 tập thể và 16 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 giai đoạn 2015 – 2020.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2388

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)