Thứ tư, 31/03/2021 17:59 GMT+7

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp hướng tới chuyển đổi số trong thời đại công nghiệp 4.0

Ngày 26/3/2021 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp hướng tới chuyển đổi số”. Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công Thương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Khoa học Đất Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang, đại diện lãnh đạo một số Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận, lãnh đạo một số doanh nghiệp công nghệ thông tin và Giám đốc một số hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Theo các tác giả chia sẻ thông tin tại Hội thảo, ngành nông nghiệp lúc này sẽ không thể đặt trong bối cảnh đơn lẻ, đứng một mình mà phải nằm trong cấu trúc chung của nền kinh tế số, để đồng tốc với sự phát triển chung của công nghiệp 4.0 đó là công nghệ robot, automation (tự động hóa), IT (công nghệ thông tin), IOT (công nghệ internet kết nối vạn vật), Drone (thiết bị không người lái), thương mại điện tử, marketing số big data, AI (trí tuệ nhân tạo). Công nghệ số có thể cải thiện quản lý thời gian, giảm sử dụng nước và hóa chất, sản xuất các loại cây trồng khỏe mạnh hơn và năng suất cao hơn, tất cả đều có lợi cho nông dân, gia tăng lợi nhuận và bảo tồn tài nguyên trong khi giảm tác động từ phân bón hóa học. Do đó, cần có những giải pháp ứng dụng thích hợp để đưa công nghệ số thực sự là một trong những nhân tố thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa.

Theo TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện song song việc xây dựng, tích hợp và kết nối và chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) đối với các thực thể HTX là biện pháp quan trọng trong quá trình chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cải cách hành chính chuyển từ quản lý sang dịch vụ, phục vụ: Tăng cường tương tác giữa HTX / thành viên với cơ quan QLNN; Hỗ trợ quảng bá sản phẩm, thương hiệu của HTX; Nâng cao hiệu quả của QLNN với HTX để đưa ra các chính sách quản lý sát thực tiễn hơn đáp ứng yêu cầu phát triển, mặt khác nhằm giảm chi phí (thời gian, tiền bạc) cũng như tăng cường tính công khai, minh bạch và đáp ứng nhiệm vụ do Chính phủ yêu cầu (Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030) nhằm tận dụng tốt xu hướng KHCN đáp ứng nhu cầu được cung cấp thông tin và nhu cầu kinh doanh của HTX trong bối cảnh mới. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi số còn gặp phải một số thách thức như sau: Nhận thức và hiểu biết của một số người đứng đầu HTX; Chất lượng nguồn nhân lực phía HTX để hấp thụ công nghệ còn hạn chế; Các nền tảng, dữ liệu (Data) và Công nghệ; Chi phí. Cũng theo TS. Lê Đức Thịnh, nội dung ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước rất đa dạng và ở nhiều cấp độ dữ liệu về lĩnh vực liên quan bao gồm: Xây dựng dữ liệu về thể chế, tổ chức, tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của các HTX (đất đai, sản phẩm, quy trình sản xuất); Dữ liệu về môi trường SXKD của HTX; Dữ liệu về pháp luật: Tiêu chuẩn, quy chuẩn; Hệ thống kết nối điện tử giữa cơ quan QLNN và HTX, thành viên HTX; Cung cấp các dịch vụ công và thông tin (đào tạo từ xa); Các phần mềm phục vụ quản lý, sản xuất kinh doanh được kết nối. Trong thời gian qua, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã thực hiện chuyển đổi số trong QLNN về HTX: Đã xây dựng phần mềm phục vụ quản lý nhà nước liên cấp; Đang và sẽ tiếp tục xây dựng dữ liệu đa mục tiêu; Cung cấp dịch vụ công và đào tạo từ xa.



TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ thông tin tại Hội thảo (ảnh VISTIP)
 

Tại Hội thảo, TS. Phạm Vũ Minh Tú- Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đưa ra một số khuyến nghị chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp Việt Nam như sau:

- Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỉ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

- Xây dựng một nông thôn văn minh cho đặc thù văn hóa Việt Nam gắn liền với mô hình nông thôn mới (nâng cao) của Việt Nam. Theo TS. Tú, để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp thì cần: Tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn và cơ sở trí thức của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi thủy sản; Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp (trên không, mặt đất) phục vụ hoạt động nông nghiệp; Cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; Chuẩn hóa và tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tự động hóa, cơ giới hóa sản xuất, quy trình quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm hướng đến một nền nông nghiệp được cơ giới hóa đồng bộ; đảm bảo nhan chóng, minh bạch chính xác an toản và vệ sinh thực phẩm với các ứng dụng công nghệ số.

- Cần đào tạo kỹ năng cho người nông dân, công nhân nông nghiệp ứng dụng trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo.

- Đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong nông nghiệp; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có chính sách điều hành kịp thời trong phát triển nông nghiệp, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch…

Các đại biểu được nghe phần trình bày của đại diện một số hãng công nghệ với các công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.



Đại diện
Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đưa ra một số khuyến nghị chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp Việt Nam (ảnh VISTIP)



Ông Lê Anh Hoàng
, Giám đốc HTX Nông nghiệp số chia sẻ một số nội dung tại buổi hội thảo (ảnh VISTIP)
 

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu và ban tổ chức cũng tập trung thảo luận các vấn đề về hội nhập và hợp tác quốc tế trong vấn đề phát triển công nghệ số để nâng cao chất lượng sản phẩm của HTX tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đào tạo nguồn nhân lực Giám đốc HTX và xã viên; việc nâng cao tính minh bạch trong vấn đề quản lý thực phẩm bằng cách ứng dụng kỹ thuật số vấn đề mã vạch và truy xuất nguồn gốc, vấn đề quản lý rủi ro trong ứng dụng chuyển đổi số khi tham gia chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn GLOBALGAP, sự liên kết giữa các nhà quản lý, hiệp hội chuyên môn về nông nghiệp, các HTX và các hãng kinh doanh công nghệ trong quá trình chuyển đổi số; các bộ tiêu chuẩn yêu cầu của các quốc gia tiên tiến tiêu thụ nông sản của Việt Nam cần được đơn giản hóa và cung cấp cho nhà công nghệ và HTX để việc hợp tác ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số được tốt hơn.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Lượt xem: 798

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)