Thứ tư, 24/03/2021 21:06 GMT+7

Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 2 về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

Ngày 18/3/2021, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), TS. Trần Chí Thành và ông Shri Ranajit Kumar, Trưởng Ban Kiểm soát và Kế hoạch hạt nhân, Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ đã đồng chủ trì Kỳ họp trực tuyến của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 2 về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Cùng tham dự phiên họp có Đại diện của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi, Ban Công nghệ bức xạ và đồng vị, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Bhabha, Ban Pháp quy năng lượng nguyên tử Ấn Độ, Công ty TNHH đất hiếm Ấn Độ, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), Bệnh viện K Trung ương, Ban Hợp tác quốc tế (VINATOM), Viện Công nghệ xạ hiếm (ITRRE, VINATOM), Viện Nghiên cứu hạt nhân (NRI, VINATOM), Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA, VINATOM), Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân (VARANS, MOST) tại các đầu cầu Việt Nam và Ấn Độ.
 

Toàn cảnh cuộc họp

Phiên họp lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần rà soát việc triển khai quan hệ Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trong hơn hai năm qua kể từ Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 1 được tổ chức tại Mumbai, Ấn Độ từ ngày 12-14/12/2018 theo Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Ấn Độ - Việt Nam về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình được ký vào ngày 9/12/2016 tại New Delhi, Ấn Độ và đề ra những biện pháp và phương hướng hợp tác mới cho giai đoạn tới, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1/2022).

Mở đầu Kỳ họp, ông Pradip Mukherjee, Giám đốc điều hành Ban Công nghệ bức xạ và đồng vị của Ấn Độ đã trình bày bài giới thiệu ngắn gọn về những ứng dụng phổ biến và tiên tiến của hạt nhân tại Ấn Độ trong đời sống xã hội như chăm sóc sức khỏe cho nhân dân (Sản xuất đồng vị phóng xạ), trong công nghiệp (Xử lý phóng xạ, kiểm tra đánh giá không phá hủy, các dịch vụ cung cấp nguồn Co-60 và ứng dụng đồng vị và các dịch vụ phân tích phóng xạ).

Viện trưởng Trần Chí Thành đã trình bày sơ bộ về việc nghiên cứu và phát triển những ứng dụng của năng lượng hạt nhân trong các lĩnh vực của các đơn vị trực thuộc của VINATOM và dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Công nghệ hạt nhân (RCNEST). Viện trưởng Trần Chí Thành cũng nhấn mạnh thêm về hợp tác trong ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu, cung cấp thiết bị và các nguồn Cobalt từ Ấn Độ sang Việt Nam, y học hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp, công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ chế biến quặng monazite và đất hiếm.

Trong lĩnh vực y học hạt nhân, thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực, Đại diện của Bệnh viện K Trung ương đã có bài trình bày toàn diện về gánh nặng điều trị của căn bệnh ung thư ở Việt Nam; lịch sử hình thành và các hoạt động chuyên môn, những hạn chế/thử thách của Bệnh viện K Trung ương nói riêng và của các tuyến bệnh viện trong cả nước nói chung về đào tạo phát triển nguồn nhân lực và cung cấp trang thiết bị, những định hướng hợp tác tiềm năng theo kế hoạch về xây dựng trung tâm xạ trị Proton; ứng dụng của hệ thống công nghệ cao trong điều trị bệnh ung thư, đào tạo nâng cao năng lực kỹ thuật cho đội ngũ nhân viên y tế, nghiên cứu xạ trị.

Đại diện của Bệnh viện Tata Memorial Hospital (TMC) - Ấn Độ đã trình bày bài giới thiệu về lịch sử thành lập Bệnh viện và những hoạt động của TMC tập trung vào những sáng kiến tiên phong, những nhóm quản lý các bệnh, quản lý hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa- PACs, dịch vụ hỗ trợ công nghệ, các hoạt động giáo dục và đào tạo, hợp tác với các tổ chức quốc tế…

Ông Subhash P. Gupta, Phó Đại sứ Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Hà Nội đã trình bày bài giới thiệu về Chương trình Hợp tác kinh tế và Kỹ thuật của Ấn Độ (ITEC) và các khóa học trực tuyến của ITEC được Trung tâm hợp tác năng lượng năng lượng hạt nhân toàn cầu đề xuất (GCNEP). E-ITEC là một nội dung của Chương trình Hợp tác kinh tế và Kỹ thuật của Ấn Độ. Chương trình đào tạo này được truyền tải trực tuyến tới tất cả các nước đối tác và tổ chức đa phương bởi các Viện nghiên cứu của Ấn Độ. Là một đối tác của Ấn Độ, phía Việt Nam đã đề xuất nội dung của các khóa học E-ITEC tập trung vào luyện kim và quản lý chất thải phóng xạ.

Ông Hoàng Nhuận, Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm (ITRRE) trực thuộc VINATOM đã trình bày bài giới thiệu về ITRRE, các hoạt động nghiên cứu và chế biến quặng monazite, nhu cầu nghiên cứu chế biến sâu sa khoáng ven biển ở Việt Nam và mục tiêu của ITRRE trong nghiên cứu và chế biến quặng monazite. Ông Hoàng Nhuận cũng đề cập đến những khó khăn hiện nay và đề xuất triển vọng hợp tác với Ấn Độ trong việc cung cấp dây chuyền chế biến quặng monazite quy mô pilot mới cùng dịch vụ hỗ trợ và tư vấn kĩ thuật. Ông D. Singh, C& MD, Công ty TNHH đất hiếm Ấn Độ (IREL), trình bày ngắn gọn bài giới thiệu về các nguồn lực, các hoạt động, năng lực và triển vọng mong muốn hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường trao đổi nghiên cứu nguyên tố đất hiếm, đặc biệt là nghiên cứu chế biến quặng monazite.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân (VARANS) trình bày bài giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ chính của VARANS, lộ trình văn bản pháp quy cho dự án RCNEST và bày tỏ mong muốn phía Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo tại chỗ về phân tích an toàn và tư vấn thẩm định an toàn. Tiến sỹ A U Sonawane, AERB phát biểu nhất trí về triển vọng hợp tác với VARANS trong lĩnh vực này.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA)) thuộc VINATOM và BRIT đã thảo luận về biện pháp hợp tác bền vững giữa hai bên trong cung cấp nguồn Co-60. Đại diện phía Việt Nam đã mời phía Ấn Độ sang thăm Việt Nam để tăng cường quan hệ trong lĩnh vực này khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Bà Hà Thị Lâm Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) đã phát biểu đề xuất cơ chế kinh phí cho các dự án nghiên cứu chung với sự phối hợp của cơ quan ngoại giao hai nước.

Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 2 về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đã thành công tốt đẹp, hứa hẹn sự hợp tác ngày càng thành công và hiệu quả trong tương lai. Cả hai bên mong muốn sẽ có nhiều cuộc họp trực tuyến và trực tiếp để thúc đẩy quá trình hợp tác đi vào chiều sâu./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 439

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)