Chủ nhật, 21/03/2021 15:46 GMT+7

Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay”

Ngày 16/3/2021, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng nghiệm thu đã tiến hành đánh giá và nghiệm thu đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay”, mã số KX.01.49/16-20.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu.
 

Đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay”, mã số KX.01.49/16-20 thuộc Chương trình: Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” do TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, làm Chủ nhiệm.

Tại buổi nghiệm thu, thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai đã trình bày tóm tắt Báo cáo khoa học tổng hợp kết quả thực hiện của đề tài. Báo cáo nhấn mạnh: Thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng mạnh mẽ đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trước hết phải đáp ứng những yêu cầu chung của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời, xuất phát từ vị trí, vai trò của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có yêu cầu riêng để khai thác tiềm năng, lợi thế của Vùng.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như kinh nghiệm xây dựng cán bộ lãnh đạo, quản lý của một số quốc gia trên thế giới, đề tài đề xuất các nhóm giải pháp đối với Việt Nam: đổi mới nhận thức trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hoàn thiện thể chế xây dựng đội ngũ; đổi mới các khâu chủ lực trong công tác cán bộ; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát và chú trọng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài báo cáo, các thành viên trong Hội đồng đều cho rằng, đề tài có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Đề tài đã hoàn thành sản phẩm theo yêu cầu, thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Đây là công trình có tính chất tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thiết thực, công phu, có nhiều điểm mới, có tính đặc thù riêng so với các công trình khác.

Bên cạnh đó, đề tài đã thực hiện được nhiệm vụ cung cấp các căn cứ lý luận thực tiễn để xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý các tỉnh vùng trọng điểm phía Nam, đánh giá đúng được thực trạng cán bộ, làm rõ được những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm về việc xây dựng đội ngũ cán bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhóm giải pháp của đề tài thể hiện tính đột phá, những kiến nghị mang tính khả thi, giải quyết được những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đưa ra những hạn chế cần khắc phục, như cần xây dựng một chương riêng về chế độ chính sách,nên bổ sung thêm giải pháp có chế tài quy định về xử lý xử phạt nghiêm cán bộ vi phạm pháp luật và những điều đảng viên không được làm, có chế độ khen thưởng đãi ngộ,… hay làm thế nào nêu bật được sự khác biệt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu mà từng địa phương đặt ra; cần làm rõ khái niệm “vùng kinh tế trọng điểm” để nêu lên những ảnh hưởng, đóng góp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối với cả nước.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 437

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)