Thứ tư, 03/03/2021 15:34 GMT+7

Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng Thanh mai tại Vân Đồn, Quảng Ninh

Cây Thanh mai hay còn gọi là cây Dâu rượu, thuộc họ Dâu rượu (Myricaceae), là cây bản địa của Việt Nam, phân bố tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh - Quảng Trị), Lạng Sơn (Đình Lập), Quảng Ninh (Bình Liêu, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn…).

Tại khu vực Quảng Ninh, Thanh mai thường mọc trên các bãi cỏ tranh, hay các quả đồi thấp, trong các trảng cây bụi lẫn với các loài sim, mua, sầm sì. Thanh mai là cây gỗ nhỏ, chiều cao thường đạt 9 - 10m, phân cành sớm, và nhiều từ sát gốc và trải đều từ gốc lên tới ngọn. Cành cây mọc hơi chếch so với thân chính; cây có tán rất rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ra hoa kết quả nên năng suất quả khá cao. Thanh mai có hệ rễ bên dạng rễ chùm, ăn nông, và phát triển rất rộng ở tầng đất mặt.

Quả Thanh mai có vị ngọt, chua, mát rất đặc trưng nên các sản phẩm chế biến từ quả Thanh mai được nhiều người ưa thích. Người dân vùng núi thường thu hái quả Thanh mai là dược liệu, chế biến thành nước giải khát, rượu vang, ô mai, mứt hay ăn tươi. Quả Thanh mai có chất chống oxy hóa tự nhiên như vitamin C, phenolic, compounds, flavonoid. Quả được ăn tươi hoặc sử dụng qua các dạng sản phẩm chế biến như nước ép, siro, và mứt đều có tác dụng cải thiện sức khỏe cho con người. Hợp chất phenolic đã được chứng minh là có khả năng chống oxy hóa. Dịch chiết từ 100g trọng lượng quả tươi có tổng hàm lượng phenolic từ 61,6 - 256,9mg, flavonoid tổng 13,6 - 117,6mg, tổng anthocyanin 76,2mg, C3G 64,8mg (Chongde Sun và cộng sự, 2013).

Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng cây Thanh mai lấy quả

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (2018) cho thấy, người dân chủ yếu đi bứng cây con mọc tự nhiên hoặc chiết cành từ cây mọc tự nhiên trong rừng về gây trồng tại các vườn hộ, vườn nhà nên chất lượng cây giống và năng suất, chất lượng quả không đồng đều, chỉ có khoảng 50% số cây cho quả đạt ở mức trung bình, còn lại cho quả rất thấp, kích thước và chất lượng quả không đồng đều, thậm chí không cho quả. Tuy nhiên, một số hộ tham gia các mô hình của dự án bước đầu áp dụng các biện pháp kỹ thuật chọn giống tốt, trồng thâm canh nên năng suất và chất lượng quả Thanh mai đã ổn định. Ở các xã Vạn Yên, Đảo Ổ Ngò (Vân Đồn, Quảng Ninh) đã có một số hộ gây trồng và phát triển tại vườn nhà, vườn rừng theo hướng thâm canh đã đam lại hiệu quả kinh tế cao.
 

Cây Thanh mai 5 năm tuổi cho quả tại Vân Đồn, Quảng Ninh

Cây Thanh mai sau trồng 2 - 3 năm (trồng bằng cành chiết) bắt đầu cho quả, từ năm thứ 5 trở đi cây cho năng suất và chất lượng quả ổn định, năng suất quả tăng dần theo thời gian, bởi năng suất quả phụ thuộc vào yếu tố chính là sinh trưởng phát triển của cây, đặc biệt là độ rộng của tán cây. Trung bình mỗi cây ở độ tuổi 7 - 10 tuổi cho năng suất từ 15 - 20kg quả/cây, với giá bán (đầu vụ) tại vườn từ 120.000 - 150.000đ/kg (cuối vụ 100.000đ/kg) thì hiệu quả kinh tế mà cây Thanh mai đem lại là rất cao. Chỉ tiêu NPV đạt từ 269,421 -  330,318 triệu đồng/ha/năm với chu kỳ khai thác trên 20 năm. Hiệu suất đầu tư (BCR) của mô hình phụ thuộc vào sự ổn định của năng suất, giá cả thị trị trường, và sự đầu từ của từng hộ gia đình; chỉ tiêu BCR đạt từ 8,68 - 10,42 lần, nghĩa là các hộ gia đình bỏ ra 1 đồng vốn để trồng Thanh mai sẽ thu lại từ 8,7 - 10,4 đồng sau chu kỳ kinh doanh. Tỷ suất thu hồi vốn nội tại (IRR) của các hộ gia đình điều tra đều dương, nghĩa là đầu tư sẽ có lãi, chỉ tiêu IRR đạt từ 122,5 - 137,8%. Như vậy, các mô hình trồng thâm canh cây Thanh mai đều cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, mô hình còn đem lại hiệu quả về mặt xã hội rất thiết thực trong giải quyết công ăn việc làm cho người dân, trung bình mỗi người dân hái thủ công 1 ngày được 20kg quả, như vậy, ở giai đoạn 7 - 10 năm tuổi, mỗi ha trồng Thanh mai cần nhu cầu từ 234 - 469 ngày công/ha thu hái quả trong 1 tháng.
 

Cây Thanh mai 10 năm tuổi cho quả tại Vân Đồn, Quảng Ninh

Thanh mai là loài cây lâm nghiệp bản địa, cây LSNG đa tác dụng, có giá trị kinh tế lớn về mặt dinh dưỡng cũng như dược liệu học. Thị trường tiêu thụ luôn luôn gây nên những “cơn sốt” mỗi khi mùa quả chín, đặc biệt là thị trường tiêu thụ trong nước, các điểm du lịch (Vân Đồn, Mường Lay, SaPa…), và thị trường tiêu thụ tại Hà Nội. Hiện nay, sản lượng quả Thanh mai chủ yếu khai thác từ cây mọc trong rừng tự nhiên và được tiêu thụ tại chỗ, chủ yếu được người dân ăn tươi, ngâm đường làm si-rô, ngâm rượu, làm ô mai… Trong khi đó, quả Thanh mai được bán nhiều trên các tuyến phố Hà Nội với mức giá khá đắt đỏ (từ 120.000 - 150.000đ/kg) chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vì vậy, nhu cầu sử dụng về quả Thanh mai có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là nguồn gốc trong nước tại thị trường trong nước là rất lớn. Việc nghiên cứu nhân rộng các mô hình trồng thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững… sẽ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế của người dân địa phương; đồng thời góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây Thanh mai cũng như nâng cao nhận thức về khai thác, bảo tồn, và phát triển bền vững nguồn gen cây Thanh mai.

Bài viết đã được đăng trên Chuyên đề Khuyến nông – Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 7/2020

Nguồn: Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Lượt xem: 700

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)