Thứ năm, 25/02/2021 16:12 GMT+7

Ninh Bình ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Ninh Bình thực hiện chín dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi (NTMN) nhằm ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) vào sản xuất. Kết quả thực hiện đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực.

Mô hình trồng rau sạch, an toàn ở Ninh Bình.

Mục tiêu chung của chín dự án thuộc Chương trình NTMN là tập trung ứng dụng KH và CN vào sản xuất, góp phần cải thiện đời sống người dân, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Từ đó từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ KH và CN ở nông thôn, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội NTMN theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các dự án đã chuyển giao được các quy trình chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến cây dược liệu, quy trình sản xuất lúa gạo; khẳng định được giống mới, đối tượng nuôi trồng mới... Kết quả đã xây dựng được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến về nông sản, thủy sản, dược liệu…

Dự án xây dựng mô hình từ sản xuất giống đến chế biến lúa gạo chất lượng, an toàn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của tỉnh Ninh Bình triển khai tại xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh bước đầu giúp địa phương làm chủ được công nghệ sản xuất giống lúa chất lượng cao nguyên chủng, sản xuất lúa xác nhận 1. Xây dựng được mô hình chế biến lúa gạo an toàn thực phẩm bằng dây chuyền sấy tháp của Nhật Bản và buồng đốt trấu Thái-lan, tiết kiệm 50% chi phí mua than đá và giảm ô nhiễm môi trường. Mô hình chế biến gạo an toàn thực phẩm bằng công nghệ xay xát khép kín, tỷ lệ gạo thành phẩm tăng giá trị sản phẩm gạo lên tới 12% so với công nghệ thông thường. Ðại diện Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cho biết: KH và CN đã thật sự là động lực quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ cao vào các khâu khép kín. Doanh nghiệp và người lao động đã tiếp cận các tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất lúa và ISO22000 trong chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng và an toàn. Ðược sự hỗ trợ về quy trình, người dân đã làm chủ được nguồn giống để mở rộng quy mô sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập. Qua đánh giá, năng suất lúa thương phẩm đạt từ 70 đến 78 tạ/ha, người dân tham gia dự án đã có thu nhập tăng hơn 30% so trước đây.

Dự án ứng dụng KH và CN trong sản xuất giống và chăn nuôi lợn giống triển khai tại xã Ðông Sơn, TP Tam Ðiệp đã tiếp nhận và chuyển giao năm quy trình công nghệ chăn nuôi lợn hoàn chỉnh, tiên tiến, phù hợp điều kiện của địa phương. Dự án đã đào tạo các kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn cho 180 lượt người dân nắm vững các quy trình công nghệ, là cơ sở để đưa tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi lợn cho các trang trại tại địa phương. Hiện, mô hình nuôi lợn giống và lợn thương phẩm của dự án là kiểu mẫu để người dân trên địa bàn và các địa phương khác học tập. Kết quả của dự án cũng góp phần nâng cao kiến thức cho người dân về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi lợn, từ đó thúc đẩy nghề chăn nuôi phát triển, đẩy mạnh phong trào ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Vài năm trở lại đây, tỉnh Ninh Bình chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng cường ứng dụng KH và CN vào sản xuất rau màu, mở rộng diện tích rau an toàn. Ðiển hình như dự án xây dựng mô hình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn, chất lượng tại xã An Khánh, huyện Yên Khánh do Công ty cổ phần đầu tư Công nghệ Xanh tham gia. Dự án đã xây dựng được 1.000 m2 nhà kính để sản xuất rau, 5.000 m2 nhà lưới sản xuất rau thương phẩm với thiết bị hiện đại theo công nghệ Nhật Bản phục vụ sản xuất rau chính vụ và trái vụ. Người dân đã tiếp nhận và áp dụng các quy trình như: sản xuất rau trong nhà lưới, sản xuất rau trong vòm che thấp, sản xuất rau trên ruộng đại trà, quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản và vận chuyển rau an toàn...

Có thể nói, các dự án thuộc Chương trình NTMN được triển khai tại Ninh Bình có mục tiêu cụ thể, phù hợp đặc điểm sinh thái địa phương, đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Lãnh đạo Sở KH và CN tỉnh Ninh Bình cho biết: Quá trình triển khai dự án có nhiều thuận lợi, nhất là UBND tỉnh đặt hàng nhiệm vụ KH và CN hằng năm, người dân tham gia tích cực học tập, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các đơn vị chủ trì dự án đã làm chủ công nghệ, qua đó tổ chức triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, còn một số khó khăn như: Các dự án triển khai ở những nơi giao thông đi lại khó khăn, thiếu vốn sản xuất, đời sống người dân còn nghèo cũng như tập quán canh tác đơn giản, cho nên tiếp cận tiến bộ KH và CN còn hạn chế. Ðội ngũ cán bộ KH và CN ở cơ sở còn thiếu, chưa sâu sát trong việc đề xuất, triển khai thực hiện, quản lý các nhiệm vụ KH và CN.

Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm tiếp theo, Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và chế biến nông sản, trong đó lựa chọn các giống mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến phù hợp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để bảo đảm ổn định an ninh lương thực, từng bước nâng cao đời sống người dân; xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật viên, khuyến nông viên cơ sở đủ sức tiếp nhận tiến bộ KH và CN để hỗ trợ người dân sản xuất và phát triển nông thôn mới.

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/ninh-binh-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-nong-nghiep-636467/

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 1141

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)