Thứ sáu, 19/02/2021 10:49 GMT+7

Số lượng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tăng mạnh

Năm 2020, mặc dù bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, biến động nhưng số lượng đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được tiếp nhận và giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý được cấp đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, trong năm 2020, Cục đã tiếp nhận 22 đơn và cấp 21 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tương tự các năm trước đây, cơ cấu sản phẩm các chỉ dẫn địa lý được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong năm vừa qua không có nhiều thay đổi, chủ yếu vẫn là các sản phẩm nông nghiệp, không có sản phẩm chế biến.

Các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý trong năm đều là các sản phẩm tươi sống, trong đó có 06 sản phẩm là hoa quả tươi (sầu riêng Cái Mơn, na dai Lục Nam, thanh long Châu Thành Long An, cam Hàm Yên, bưởi Khả Lĩnh, khóm Cầu Đúc), 03 sản phẩm thủy hải sản (tôm hùm Phú Yên, ba ba Văn Chấn, yến sào Khánh Hòa), còn lại các nông sản khác bao gồm gia vị, động vật tươi sống và gạo (tỏi An Thịnh, tỏi Lý Sơn, thảo quả Vị Xuyên, quế Trà Bồng, vịt Cổ Lũng và gạo Ba Chăm Mang Yang). 

Các tổ chức nộp đơn đăng ký và quản lý các chỉ dẫn địa lý được nộp trong năm 2020 vẫn là các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp huyện/ thành phố trực thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các sở Khoa học và Công nghệ, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó Ủy ban nhân dân cấp huyện/ thành phố trực thuộc tỉnh vẫn là tổ chức nộp đơn và quản lý số lượng chỉ dẫn địa lý lớn nhất (với 09 chỉ dẫn địa lý). Điều này cho thấy sự tham gia của các hội nghề nghiệp, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm chỉ dẫn địa lý vào quá trình xây dựng hồ sơ đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý vẫn còn rất hạn chế.

Như vậy, tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 06 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) (chính thức được Quốc hội của hai Bên phê chuẩn, có hiệu lực vào ngày 01/08/2020) cũng đã mở ra “cơ hội vàng” cho 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam khi được chính thức bảo hộ và hưởng các ưu đãi thuế quan trong xuất khẩu tại Liên minh Châu Âu. Đồng thời, theo Hiệp định này, Việt Nam đã bảo hộ thêm 169 chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu. Do ảnh hưởng của những khó khăn chung trên toàn thế giới trong năm 2020, các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chưa phát huy được những lợi thế sau khi được bảo hộ tại Liên minh châu Âu.

Vải thiều Bắc Giang là một trong ba nông sản của Việt Nam đang được Cục Sở hữu trí tuệ làm thủ tục, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vào thị trường Nhật Bản. Ảnh: TTXVN 

Yêu cầu đổi mới phương thức quản lý

Tuy nhiên, để tận dụng hết được những lợi thế mà chỉ dẫn địa lý mang lại, cần có các chính sách thúc đẩy và đổi mới trong phương thức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Một mặt, các quy định chính sách bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần phù hợp với bản chất của chỉ dẫn địa lý - là tài sản trí tuệ chung của cộng đồng những người sản xuất sản phẩm gắn với khu vực địa lý tương ứng. Mặt khác, các quy định cần phải xác định rõ vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước là điều phối chung nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích và công bằng xã hội trong việc xây dựng, đăng ký, quản lý chỉ dẫn địa lý chứ không phải là chủ sở hữu.

Yêu cầu thay đổi này sẽ dẫn tới đòi hỏi phải thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng cư dân, các nhà sản xuất sản phẩm vào tiến trình đăng ký quản lý chỉ dẫn địa lý (thay cho tình trạng chủ yếu các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện như hiện nay), đưa tiến trình đăng ký chỉ dẫn địa lý về đúng với nhu cầu thực tế của cộng đồng, xã hội. Điều này cũng sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong các chương trình hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý, đó là cần tập trung vào hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ chức tập thể, các tổ chức đại diện cho cộng đồng dân cư, các nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm chỉ dẫn địa lý thay vì hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý và thiết lập hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý như hiện nay.

Mặt khác, đối với các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, các tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý hiện nay (nhà nước trực tiếp quản lý hoặc trao quyền quản lý CDĐL cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL) cần thay đổi phương pháp tiếp cận: hỗ trợ cộng đồng cư dân, các nhà sản xuất thành lập các tổ chức tập thể để quản lý chỉ dẫn địa lý nếu tổ chức tập thể chưa được hình thành; hoặc củng cố, nâng cao năng lực nếu tổ chức tập thể chưa đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò của chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý.

Tất cả những đòi hỏi đó đặt ra yêu cầu phải sửa đổi các quy định hiện hành về quản lý chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, quá trình sửa đổi các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ trong đó có chỉ dẫn địa lý thuộc Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đang được gấp rút hoàn thành. Hi vọng năm 2021 sẽ là năm bản lề đánh dấu sự thay đổi mang tính bước nhảy về chất trong các quy định về tiến trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ đó phát huy hơn nữa lợi thế mà chỉ dẫn địa lý mang lại.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, hiện công tác sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ đã tính đến những yêu cầu đổi mới trong phương thức quản lý chỉ dẫn địa lý, trong đó chú trọng tới việc “trao quyền” cho cộng đồng những người sản xuất sản phẩm, nhà nước đóng vai trò “điều phối” để hài hòa lợi ích. Cụ thể, đề xuất sửa đổi một số nội dung sau: 

Đề xuất sửa đổi Điều 88 trong đó có nội dung quy định về quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Theo đó, tổ chức đại diện cho những người sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý này. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

Việc sửa đổi này thay cho quy định cũ quy định rằng quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 121. Trong đó, nêu rõ: "Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc sở hữu chung của cộng đồng những người sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở khu vực nơi có chỉ dẫn địa lý. Tổ chức đại diện cho những người sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý chỉ dẫn địa lý và hướng dẫn việc thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý."

Việc sửa đổi này thay cho quy định cũ quy định chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước. Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

(Trích Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005).

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/so-luong-bao-ho-chi-dan-dia-ly-tang-manh-d183823.html

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 1374

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)