Thứ tư, 17/02/2021 11:58 GMT+7

Chào Xuân Tân Sửu: "Con trâu - Đầu cơ nghiệp" trong tài sản trí tuệ Việt Nam

Nếu như trong quá khứ, hình ảnh trâu gắn với sáng tạo của cộng đồng, cá nhân và được thừa nhận nguồn gốc xuất xứ cũng bởi cộng đồng thì nay khá nhiều nhãn hiệu có chứa hình ảnh hoặc từ "trâu" đã được đăng ký, bảo hộ độc quyền.

Từ biểu tượng văn hóa…

Trong mười hai con giáp, trâu là loài vật thiết thân, gắn bó với nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Từ buổi đầu sơ khởi của đất nước, con trâu đã được tạc thành hiện vật trang trí gắn liền với cư dân người Việt cổ ngay tại trung tâm của đồng bằng sông Hồng (các vật đeo hình trâu được chế tác bằng đá ngọc đã được tìm thấy ở văn hóa Gò Mun, cách ngày nay khoảng 3000 năm) [1]

Với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, con trâu là cả một khối tài sản vật chất khổng lồ - “đầu cơ nghiệp”, là thước đo của sự giàu có (giàu khi có “ba bò chín trâu”), thậm chí là biểu tượng của cả niềm hạnh phúc, của thành công đối với người trưởng thành (“tậu trâu” bên cạnh “cưới vợ, làm nhà”). Vì thế con trâu gánh chở biết bao ân tình, gửi gắm của người Việt xưa: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”, mà đến tận ngày nay bất kỳ ai cũng thuộc nằm lòng.



Tranh chăn trâu thổi sáo của dòng tranh dân gian Đông Hồ

 

Hình tượng con trâu là khối tài sản tinh thần chung của người Việt nhưng cách thể hiện, cách ghi nhớ, cách sáng tạo hình ảnh ấy mang đậm dấu ấn riêng của những người sáng tạo, dù là nghệ nhân của các dòng tranh dân gian hay những người họa sĩ, điêu khắc gia thời hiện đại. Trâu đi vào dòng tranh dân gian Đông Hồ trong những bức vẽ “chăn trâu thả diều”, “chăn trâu thổi sáo”, “chăn trâu học bài” ngộ nghĩnh, đặc tả sự thanh bình của làng quê. Đến thế kỷ 20, hình tượng trâu cũng là một đề tài được ưa chuộng trong tranh của nhiều họa sĩ bậc thầy như: Nguyễn Sáng (Chọi trâu), Nguyễn Tư Nghiêm (Con nghé, 12 con giống), Tô Ngọc Vân (Con trâu quả thực)... Gần đây hơn, khi đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games năm 2003, các nhà tổ chức Việt Nam đã chọn Trâu vàng làm “linh vật” tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt. 

… đến góp phần tạo nên tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân

Hiện nay, làm cách nào để những sáng tạo gắn với trâu, ở nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ sản phẩm tinh thần cho đến vật chất, được công nhận, được bảo hộ quyền sáng tác, sáng tạo? và không ai khác có thể sao chép, cạnh tranh không lành mạnh? hay để những giống trâu đặc trưng của Việt Nam được biết tới nhiều hơn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm trâu của Việt Nam?

Nếu như trong quá khứ, hình ảnh trâu gắn với sáng tạo của cộng đồng, cá nhân và được thừa nhận nguồn gốc xuất xứ cũng bởi cộng đồng thì nay nhãn hiệu trâu có thể được đăng ký, bảo hộ độc quyền. Tra cứu trên Thư viện điện tử IPLIB của Cục Sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu có từ khóa là “trâu” hoặc “buffalo”, đã có đến 238 nhãn hiệu nộp đơn đăng ký, trong đó có 142 nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó nhiều nhãn hiệu thuộc về các sản phẩm truyền thống sản xuất nông nghiệp của Việt Nam như giống, lương thực, thực phẩm, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho những sản vật đặc trưng của vùng miền, bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế cho các sáng tạo riêng... là việc mà các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần quan tâm đến. Trong đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mang lại cho doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sự độc quyền ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu giống hoặc tương tự gây nhầm lẫn. Chưa kể, với những sản phẩm đặc trưng của vùng miền, việc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý còn góp phần bảo hộ lợi ích của cộng đồng, của dân tộc đó, hoặc của quốc gia.

Nếu không đăng ký, rất có thể những sản phẩm đặc trưng hoặc nhãn hiệu ấy sẽ bị sao chép, người tiêu dùng có thể bị mắc lừa còn người sáng tạo có nhãn hiệu bị thất thu, thậm chí bị tổn hại danh tiếng nếu sản phẩm của đối thủ cạnh tranh có chất lượng thấp. 

Các nhãn hiệu về trâu của Việt Nam chưa bị vấp phải những vụ việc kiện tụng kéo dài liên quan đến sao chép, đạo nhái nhưng nhiều nhãn hiệu khác, ở nhiều loại mặt hàng đặc trưng khác nhau của Việt Nam đều có những bài học “xương máu”. Một vài đơn cử như thuốc lá Vinataba bị các doanh nghiệp Indonesia đăng ký thương hiệu trước tại 12 nước; thương hiệu nước mắm Phú quốc bị một số nhà sản xuất nước mắm tại Thái Lan sử dụng để đưa sản phẩm ra bán ở thị trường Mỹ, Châu Âu, bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên,… cũng bị đăng ký nhãn hiệu trước khiến các doanh nghiệp này phải mất nhiều năm ròng, hao tổn chi phí lớn thương thảo, đòi lại quyền bảo hộ thương hiệu. 

Từ thực tế này, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sản xuất kinh doanh các sản phẩm liên quan đến trâu, sử dụng nhận diện hàng hóa hình trâu nói riêng và các sản phẩm khác nói chung cần tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt. 

---

Ví dụ về một số nhãn hiệu có chứa hình ảnh hoặc từ "trâu" đăng ký từ rất sớm (từ cách đây 2 – 4 thập niên), cho đến những nhãn hiệu mới được đăng ký gần đây: 



Nhãn hiệu tập thể “Trâu Bảo Yên” của Hội nông dân huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (số đơn 4-2013-23148, số giấy chứng nhận 4-0225900)




Nhãn hiệu tập thể "Trâu Chiêm Hóa Tuyên Quang" của Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang (số đơn 4-2015-11757, số giấy chứng nhận 4-0255719)




Nhãn hiệu “Trâu nhà nông” của Hợp Tác Xã Cao Su Quận 3 ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1989 (số đơn 4-1989-01364, số giấy chứng nhận 4-0001275)



Nhãn hiệu ngô “SPC C Trâu vàng lực sĩ 99 Giống bắp lai đơn VN 25 – 99 NGAN HAN - HAT DEP - NANG SUAT CAO” của công ty bảo vệ thực vật Sài Gòn (số đơn 4-2004-03196, số giáy chứng nhận 4-0072141)



Nhãn hiệu thuốc bảo vệ thực vật “Khoẻ như trâu” của công ty Bayer Việt Nam (số đơn 4-2004-13451, số giấy chứng nhận 4-0073232)




Nhãn hiệu gạo “Con trâu vàng” của Công ty chế biến gạo Việt Nguyên / Công ty lương thực Tiền Giang ở Mỹ Tho, Tiền Giang, từ năm 1995 (số đơn 4-1995-22677, số giấy chứng nhận 4-0019006).

 

---

Chú thích nguồn tham khảo: 

[1] https://nhandan.com.vn/dong-chay/Di-t%C3%ADch-kh%E1%BA%A3o-c%E1%BB%95-S%C6%A1n-Vi-v%C3%A0-G%C3%B2-Mun-%E1%BB%9F-Ph%C3%BA-Th%E1%BB%8D-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-x%E1%BA%BFp-h%E1%BA%A1ng-qu%E1%BB%91c-gia-494370/

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 653

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)