Thứ năm, 24/12/2020 10:35 GMT+7

Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học

Trường đại học là cái nôi sáng tạo ra tri thức và công nghệ mới, nhưng đến nay số lượng đơn đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nhất là sáng chế vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng lượng đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT). Điều đó ảnh hưởng đến việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu và tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Nâng cao năng lực SHTT cho các trường đại học, với các mô hình quản trị tài sản trí tuệ phù hợp đang là vấn đề đặt ra hiện nay đối với các trường đại học và cơ quan quản lý về SHTT.

Cục SHTT cho biết, tại các trường đại học lớn trên thế giới, vấn đề SHTT có vai trò rất quan trọng. Một số trường đại học đã đưa SHTT vào giảng dạy, đào tạo chuyên ngành SHTT ở bậc sau đại học hoặc thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT để quản trị tài sản trí tuệ. Các hoạt động đó góp phần nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học và khẳng định thương hiệu của các trường đại học. Trong khi đó ở Việt Nam, SHTT trong trường đại học vẫn khá mới mẻ. Tuy đã có một số trường đại học triển khai hoạt động SHTT, bắt đầu thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT, nhưng hoạt động vẫn còn lúng túng. Tại Hội thảo về SHTT mới đây, ông Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, trường thuộc tốp 400 trường đại học hàng đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật và thuộc tốp 500 về khoa học máy tính, do đó trường luôn chú trọng vấn đề SHTT và chuyển giao công nghệ. Từ năm 2008, trường đã thành lập Công ty BK-Holdings để chuyển giao công nghệ và mới đây đã thành lập Ban chuyển giao công nghệ. Nhưng vướng mắc là năng lực quản trị tài sản trí tuệ của trường vẫn còn yếu. Ông Trần Văn Nam, Trưởng Khoa Luật, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, có trường hợp được cấp hai bằng độc quyền sáng chế, được chuyên gia nước ngoài định giá dây chuyền công nghệ trị giá lên tới hàng triệu USD nhưng lại đang loay hoay trong việc thương mại hóa sản phẩm công nghệ của mình.



Bể nuôi tảo xoắn Spirulina của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

 

Nguyên nhân của tình trạng bảo vệ quyền SHTT tại các trường đại học chưa hiệu quả là do phần lớn các trường chưa có quy định về SHTT phù hợp với điều kiện hoạt động của trường, dẫn đến khó khăn trong việc phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ được thương mại hóa. Việc xác lập quyền đăng ký bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa được các nhà khoa học nhận thức một cách đầy đủ, nhiều kết quả nghiên cứu chưa tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế. Mặc dù những năm gần đây số lượng bài báo của trường đại học công bố trên các tạp chí khoa học tăng đáng kể, nhưng nhiều nhà khoa học không nhận thức được cần phải đồng thời tiến hành bảo hộ sáng chế cho các kết quả nghiên cứu đó. Ngoài ra còn do nhiều trường chưa thành lập tổ chức có chức năng về SHTT và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ, tư vấn cho các nhà khoa học trong việc đăng ký, xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ.

Thực tế cho thấy, để tạo ra giá trị mới dựa trên tài sản trí tuệ, các doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào việc tự nghiên cứu phát triển mà bắt buộc phải liên kết với các trường đại học. Các trường đại học phải chủ động bắt tay với doanh nghiệp, đặt ra các yêu cầu thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Theo các chuyên gia về SHTT, để làm được điều này, các trường phải hình thành tổ chức, nhân lực có chuyên môn về SHTT và chuyển giao công  nghệ. Đối với những trường không khai thác thương mại từ tài sản trí tuệ thì chỉ cần thành lập bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Chia sẻ về xu hướng này, bà Elizabeth Ritter, chuyên gia của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) cho biết, tại Hoa Kỳ, trước năm 1980, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu công lập không chú trọng chuyển giao các kết quả nghiên cứu, nhưng nhu cầu về tài sản trí tuệ đã làm thay đổi mối quan hệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp. Kể từ khi có các quy định về việc các viện nghiên cứu, trường đại học công lập sở hữu sáng chế được nhà nước cấp kinh phí thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ thì hoạt động quản trị tài sản trí tuệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu, sáng chế trong các trường đại học đã thay đổi nhanh chóng. Tiến trình tương tự cũng diễn ra tại Bra-xin. Năm 2000, Bra-xin chỉ có 4 trường quan tâm đến tài sản trí tuệ. Năm 2006, Bra-xin ban hành Luật về đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, trong đó yêu cầu các trường đại học chú trọng chuyển giao kết quả nghiên cứu và thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ. Đến nay, đã có 400 trường thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ, số đơn xin cấp sáng chế của các trường đại học tăng cao. Nguồn vốn có được từ chuyển giao công nghệ đã giúp các trường có nguồn lực đáng kể để tái đầu tư cho nghiên cứu. Các trường đại học của Việt Nam không thể đi chệch xu hướng này.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thế giới đang cạnh tranh khốc liệt về kinh tế, nhất là về SHTT, do vậy cần xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực SHTT, trong đó, thúc đẩy hoạt động SHTT tại các trường đại học. Hiện nay, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ do Cục SHTT quản lý có các dự án nâng cao năng lực SHTT cho các trường đại học, tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT tại các trường. Đồng thời, Cục SHTT cũng đang cùng WIPO triển khai Dự án khởi tạo môi trường SHTT nhằm tạo ra hệ sinh thái SHTT, xây dựng một mạng lưới các tổ chức SHTT của các viện nghiên cứu, trường đại học, giúp hoạt động SHTT phát triển mạnh mẽ. Trong khuôn khổ dự án, sẽ có các chuyên gia nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong chuyển giao công nghệ ở các viện nghiên cứu, trường đại học trên thế giới phân tích về quản trị tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ chia sẻ lợi ích. Từ đó, sẽ giúp các trường sẽ xây dựng mô hình quản trị tài sản trí tuệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 960

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)