Thứ năm, 17/12/2020 15:11 GMT+7

Triển khai hoạt động đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tại Việt Nam

Tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong đó, Đảng đã đề các chủ trương, chính sách lớn nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nói trên, một trong các biện pháp chính là ưu tiên nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, là nhân tố trọng yếu nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Xuất phát từ chủ trương, đường lối của Đảng tại Hội nghị này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TW. Một lần nữa, việc phát triển và thúc đẩy chuyển gia công nghệ lại được nhắc đến như một trọng tâm trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình. Cụ thể, Chính phủ giao Bộ khoa học và công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành địa phương tập trung cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Trong năm vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua bản sửa đổi của Luật Chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ tại Khoản 6, Điều 54 về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ bao gồm việc hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ, năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của từng thời kỳ. Do đó, để đạt được mục tiêu nâng cao năng lực công nghệ, qua đó đóng góp vào việc tăng năng suất, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, thì cần phải nắm rõ được năng lực công nghệ của ngành, doanh nghiệp, hay địa phương để làm cơ sở giúp các các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra được những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Bên cạnh đó đối với với doanh nghiệp thì kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp xác định được hiện trạng công nghệ của doanh nghiệp: hiện trạng trang thiết bị, máy móc; khả năng tổ chức, quản lý; khả năng khai thác những công nghệ hiện có; khả năng nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới; hiện trạng đổi mới công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Qua đó có cái nhìn tổng quát về hiện trạng công nghệ của doanh nghiệp theo chu trình đi từ nghiên cứu và phát triển đến sản xuất sản phẩm (đánh giá khả năng vận hành, hấp thụ, làm chủ, đổi mới, sáng tạo công nghệ của doanh nghiệp). Kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất cũng là cơ sở để doanh nghiệp so sánh trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh trong nước và quốc tế cũng như là cơ sở để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh theo sự phát triển của công nghệ sản xuất sản phẩm. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của ngành, lĩnh vực giúp cho cơ quan quản lý nhà nước xác định được hiện trạng công nghệ của các doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực (tỷ lệ các doanh nghiệp ở các mức lạc hậu, trung bình, trung bình tiên tiến, tiên tiến; đánh giá tỷ lệ các doanh nghiệp có khả năng vận hành, hấp thụ, làm chủ, đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp). Kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của ngành, lĩnh vực cũng là cơ sở để cơ quan quản lý so sánh trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực khác nhau cũng như của Việt Nam so với thế giới. Cùng với việc xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của ngành, lĩnh vực sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước cập nhật được liên tục hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp cũng như vai trò của công nghệ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực cũng như tại từng khu vực, địa phương khác nhau để từ đó làm cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp và hiệu quả.

Chính vì những lý do trên, trong năm 2019, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã phối hợp với Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ đã xây dựng, hoàn thiện và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt và ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất ngày 10/12/2019 (Thông tư 17/2019/BKHCN). Thông tư được xây dựng trên cơ sở kế thừa một số nội dung về đánh giá trình độ của Thông tư 04/2014/TT-BKHCN về đánh giá trình độ công nghệ sản xuất đồng thời bổ sung thêm vấn đề đánh giá năng lực công nghệ theo tiếp cận chung của thế giới hiện nay. Thông tư sử dụng 5 nhóm tiêu chí để đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất, trong đó 3 nhóm chú trọng vào việc phân tích, xác định hiện trạng, hiệu quả sử dụng, khai thác công nghệ sản xuất và đánh giá khả năng tổ chức, khai thác công nghệ hiện có (nhóm T, E và O) và 2 nhóm chú trọng vào việc đánh giá khả năng làm chủ, nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo công nghệ sản xuất của doanh nghiệp (nhóm R và I) đồng thời bổ sung thêm các nội dung liên quan đến chuyển đổi số và sản xuất thông minh theo xu hướng phát triển hiện nay.

 

Các nhóm tiêu chí đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất
 

Các nội dung của Thông tư 17/2019/BKHCN đã được vào danh mục phân công triển khai nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ (Quyết định số 18/QĐ-BKHCN ngày 08/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ). Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Quyết định số 607/QĐ-BKHCN ngày 11/3/2020 phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất, trong đó giao Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ là đầu mối chủ trì phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành và các địa phương triển khai đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.

Trong năm 2020, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã hỗ trợ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất trong ngành chế biến một số sản phẩm nông sản (thịt, rau quả, gỗ, thủy sản) và một số địa phương như Sơn La, Bắc Ninh...xây dựng kế hoạch điều tra đánh giá trình độ và năng lực công nghệ trên địa bàn của các địa phương năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
 

Hội thảo đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất ngành chế biến thịt, rau quả
 

Trong thời gian tới, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ các bộ, ban, ngành và các địa phương thực hiện hoạt động đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực tại Việt Nam./.

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 1247

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)