Thứ tư, 16/12/2020 14:27 GMT+7

Cần bồi dưỡng chăm lo và phát huy tài năng trẻ

Ngày 12/12/2020, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III năm 2020 đã diễn ra Diễn đàn “Bồi dưỡng chăm lo và phát huy tài năng trẻ” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự Đại hội đã trao đổi, chia sẻ thẳng thắn và đề xuất các giải pháp, sáng kiến trong việc bồi dưỡng chăm lo và phát huy tài năng trẻ. Theo đó, phần lớn các đại biểu cho rằng, việc phát hiện và tìm kiếm các nhân tài cần được theo dõi trong một quá trình, bởi lẽ tài năng phải qua thời gian đào tạo và gắn với rèn luyện trong thực tiễn. Hơn nữa, giải pháp bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ phụ thuộc nhiều vào cán bộ lãnh đạo quản lý.

Nhà giáo trẻ Phan Duy Anh (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, muốn phát hiện ra nhân tài thì phải trân trọng nhân tài và cần nhìn con người trong một quá trình, vì mọi việc đều có sự chuyển biến, con người thay đổi nếu môi trường thay đổi. Muốn đánh giá nhân tài chính xác phải kiên nhẫn tìm hiểu, theo dõi trong một thời gian dài. “Để đào tạo nhân tài cần xác định mục tiêu đào tạo ra làm gì, đào tạo như thế nào. Vai trò của người thầy rất quan trọng. Người thầy vĩ đại là người thầy để học trò đứng trên đôi vai của mình. Học trò vượt được thầy là điều vĩ đại của đất nước”, nhà giáo trẻ Phan Duy Anh chia sẻ.

TS. BS Phạm Lê Duy (Trường đại học Y dược TP.HCM) cho rằng, hiện Việt Nam đang làm tốt việc phát hiện, vinh danh nhân tài nhưng chưa chuyên sâu vào đào tạo. Theo anh Lê Duy, môi trường rèn luyện rất quan trọng, nếu như trường nào cũng là trường chuyên, lớp nào cũng là lớp chọn thì học sinh sẽ phải cố gắng.

Theo các đại biểu, hiện có một thực trạng là nhiều người tài năng không trở về nước làm việc, hoặc nhiều người giỏi bỏ khu vực Nhà nước sang làm ở khu vực tư nhân. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có chính sách thu hút, đãi ngộ tài năng chưa đủ mạnh và vấn đề thu nhập.

Về việc dùng người tài, một số ý kiến cho rằng, người quản lý cần có “bốn phải": phải độ lượng vĩ đại mới có thể đối với nhân tài một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến người tài không rời bỏ; phải có tinh thần rộng lượng, thân thiện; phải sáng suốt; phải có thái độ vui vẻ, đúng mực. Cùng với đó, việc dùng nhân tài, không nên căn cứ những điều kiện quá khắt khe; phải khuyến khích tạo điều kiện cho giới trẻ phát biểu suy nghĩ, đóng góp ý kiến của mình. Các cơ quan nên tin tưởng tạo điều kiện, giao nhiệm vụ trọng trách cho người trẻ. Làm thế nào giới trẻ tự tin hơn, đóng góp cho sự phát triển của đất nước; cần có nhiều sân chơi hơn cho những tài năng trẻ, đặc biệt là lĩnh vực khoa học xã hội, vì hiện có rất nhiều giải thưởng cho các nhà khoa học khối tự nhiên, nhưng chưa có một sân chơi nào cho các nhà khoa học xã hội.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1005

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)