Thứ sáu, 11/12/2020 10:26 GMT+7

Việt Nam là cầu nối thúc đẩy hợp tác năng suất giữa ASEAN – APO

Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch APO. Việt Nam đã làm rất tốt vai trò này trong hoạt động thúc đẩy hợp tác về năng suất trong khu vực trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Việt Nam khởi đầu cho sự kết nối giữa hai thiết chế đa phương quan trọng ASEAN và APO.

Tham dự Hội nghị “Thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và APO trong lĩnh vực năng suất”, về phía Việt Nam có ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Lê Xuân Định – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; đại diện một số đại sứ quán của các thành viên APO và ASEAN tại Hà Nội; một số tổ chức quốc tế tại Hà Nội; đại diện Việt Nam tại các Ủy ban liên quan của ASEAN; đại diện các Bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
 

Về phía nước ngoài (tham dự theo hình thức trực tuyến) có ông AKP Mochtan – Tổng thư ký APO; ông Robert Matheus Michael Tene – Phó Tổng thư ký ASEAN; Ban thư ký APO; Ban thư ký ASEAN; Lãnh đạo và đại diện các tổ chức năng suất của thành viên APO, các cơ quan tiêu chuẩn hóa của ASEAN, các ủy ban chuyên ngành của ASEAN, các tổ chức quốc tế liên quan đến lĩnh vực năng suất, chất lượng.

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và APO trong lĩnh vực năng suất, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch APO, khởi đầu cho sự kết nối giữa hai thiết chế đa phương quan trọng, ASEAN và APO, nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác về năng suất trong khu vực trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chúng ta đang chứng kiến các thay đổi chưa từng có tiền lệ trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, đặt tất cả các quốc gia trước thách thức của việc phải luôn đổi mới các phương thức quản trị và hệ thống điều hành để thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt trong việc giúp các Chính phủ thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh, vừa nhanh chóng phục hồi kinh tế.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong góp phần tái định hình thế giới sau Covid-19 và điều chỉnh chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu, thực hiện Khung phục hồi tổng thể của ASEAN với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, việc làm và sinh kế cho người dân. Lợi thế cạnh tranh sẵn có của ASEAN cần được bổ sung thêm các giá trị của khoa học và công nghệ tiên tiến, năng lực chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025 của APO cũng xác định mục tiêu thúc đẩy quá trình tăng trưởng năng suất toàn diện, dựa trên động lực đổi mới sáng tạo trong toàn khu vực châu Á đến năm 2025, đồng thời nhấn mạnh cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên ứng phó với các tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 hướng tới phục hồi bền vững thông qua các giải pháp tăng cường năng suất.

Thông điệp chung đó đặt trong bối cảnh khu vực và quốc tế càng cho thấy sự phù hợp và đúng thời điểm của sáng kiến hợp tác giữa ASEAN và APO về năng suất hôm nay, cho phép chúng ta khai thác các cơ hội mới, lĩnh vực và phương thức hợp tác mới với các chương trình, dự án cụ thể có thể mang lại hiệu quả và tác động lớn, giúp các nền kinh tế thành viên trở nên năng suất hơn (more productive), cạnh tranh hơn (more competitive) và có khả năng chống chịu tốt hơn (more resilient) trước các thách thức và biến động khó lường của thế giới hiện đại.

Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), tăng cường năng suất và công nghệ là chìa khóa để hội nhập và kết nối thành công vào mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia trong khu vực và chuỗi cung ứng toàn cầu. Cần nhiều hơn nữa các giải pháp thông minh, sáng tạo, thực tiễn và kịp thời để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Lực lượng khoa học và công nghệ vì vậy phải được trang bị đủ năng lực và tiềm lực để đón đầu các xu hướng mới, giải quyết được các thách thức đặt ra trong thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trụ vững và phát triển dựa trên các nền tảng sản xuất thông minh và công nghệ mới.

Thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và APO trong lĩnh vực sản xuất thông minh và việc triển khai Sáng kiến ASEAN về sản xuất thông minh sẽ giúp các quốc gia thành viên tăng cường năng lực ứng phó với các cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và phục hồi kinh tế nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19.

Với sự đồng hành của APO, Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ) đã phối hợp với các ủy ban chuyên ngành của ASEAN xây dựng lộ trình và giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong các quốc gia ASEAN. Với trách nhiệm cơ quan chủ trì đề xuất Sáng kiến ASEAN về sản xuất thông minh, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN, góp phần thực hiện thành công Sáng kiến về sản xuất thông minh trong năm 2020.

“Tôi tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm và các nỗ lực đóng góp, chia sẻ tích cực với các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy hợp tác tăng cường năng suất, công nghệ và sản xuất thông minh trong khu vực. Hãy cùng kết nối các ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, sát cánh bên nhau chúng ta cùng chung tay đóng góp cho sự phát triển bền vững, bao trùm và thịnh vượng trong khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hỗ trợ mục tiêu phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo của các quốc gia”, Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.
 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu tại Hội nghị.
 

Bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam và các nước ASEAN trong việc nâng cao năng suất. Ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng Việt Nam với quy mô dân số lớn, đội ngũ lao động cần cù và ưu tú đang trở thành thị trường tiềm năng.

“Trong bối cảnh đại dịch việc cải thiện năng suất trở nên thiết hơn lúc nào hết để phát huy nguồn lực trên. Chính phủ Nhật Bản luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và các nước ASEAN trong lĩnh vực nâng cao năng suất lao động”.

Hội nghị là một trong các sự kiện để triển khai sáng kiến của Việt Nam (do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đề xuất) trong Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 về xây dựng lộ trình, giải pháp nhằm tiếp cận, thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia ASEAN.
 

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm.
 

Đây là một trong 13 sáng kiến đã được các nhà lãnh đạo ASEAN phê duyệt trong năm 2020. Ở cấp độ khu vực, ACCSQ chủ trì, phối hợp với APO và các ủy ban chuyên ngành của ASEAN xây dựng dự thảo lộ trình và giải pháp nêu trên. Bộ Khoa học và Công nghệ/Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đại diện cho Việt Nam tham gia tích cực trong việc xây dựng Lộ trình và các giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong ASEAN.

Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 10-11/12. Các thành viên APO (gồm 8 trong tổng số 10 quốc gia ASEAN đã là thành viên của APO (trừ Myanmar và Brunei sẽ cùng đóng góp ý kiến cho dự thảo bản Lộ trình và tạo cơ hội cho bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các ý tưởng mới cũng như các xu thế phát triển của thế giới và khu vực như chuyển đổi số, sản xuất thông minh và thúc đẩy năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm góp phần vào xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization, APO) là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, liên chính phủ được thành lập vào ngày 11 tháng 05 năm 1961. Với 21 nền kinh tế thành viên, APO là tổ chức duy nhất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương có nhiều hoạt động triển khai tại các nền kinh tế thành viên nhằm nâng cao năng suất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực. Hiện nay, 8 trong tổng số 10 quốc gia ASEAN đã là thành viên của APO (trừ Myanmar và Brunei).

Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APO từ ngày 01 tháng 01 năm 1996. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) được ủy quyền là đại diện thường trực của Việt Nam tại APO và là đầu mối tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của APO, các dự án song phương với các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO.
 

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1000

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)