Thứ sáu, 04/12/2020 10:11 GMT+7

202 thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia

Hiện đã có 202 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với trên 3,44 triệu hồ sơ của hơn 42,7 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Theo Tổng cục Hải quan, Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại, cơ quan này đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành kết nối thêm thủ tục mới.

Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines thông qua Cơ chế một cửa ASEAN. Đến ngày 15/11/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 228.813 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 303.412 C/O.

Đồng thời, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Theo kế hoạch của ASEAN, 2 chứng từ này dự kiến sẽ được kết nối trao đổi trong năm 2020.

Liên quan đến triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN: Việt Nam đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu; đang đàm phán trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; trao đổi chứng nhận điện tử với New Zealand (đã ký thỏa thuận hợp tác với New Zealand).
 

Giao diện cổng thông tin một cửa quốc gia.
 

Đánh giá về hiệu quả khi triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, việc triển khai thực hiện các thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa quốc gia đã giúp doanh nghiệp giảm thời gian thực hiện các quy định, giảm khó khăn của việc phải giao dịch với nhiều đầu mối trong thực hiện các thủ tục hành chính, chủ động theo dõi được tiến độ xử lý của cơ quan có liên quan, đẩy nhanh việc đưa hàng hoá vào lưu thông, giảm chi phí,…

Còn đối với cơ quan nhà nước sẽ góp phần giảm thời gian xử lý công việc, minh bạch hoá về quy trình thủ tục và tiến độ giải quyết, tăng cường khả năng theo dõi thống kê để kịp thời có các biện pháp cải tiến ở các công đoạn chưa hiệu quả.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cắt giảm được các bước như nộp giấy đăng ký kiểm tra nhà nước cho cơ quan làm tờ khai hải quan, sau đó nộp tờ khai hải quan cho Cơ quan kiểm tra nhà nước và Tổ chức đánh giá sự phù hợp cũng như các bước bổ sung hồ sơ khác.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc, trên cơ chế một cửa, doanh nghiệp sẽ không phải nộp hồ sơ giấy mà chỉ phải khai thông tin liên quan đến hàng hóa nhập khẩu một lần qua mạng, hệ thống sẽ gửi thông tin đến các cơ quan liên quan, sau đó nếu hàng hóa phù hợp, kết quả kiểm tra sẽ được gửi đến doanh nghiệp và cơ quan hải quan để thông quan.

“Trước đây, thời gian xử lý một bộ hồ sơ đầy đủ mất từ 2-3 ngày. Khi thực hiện xử lý trên Cơ chế một cửa quốc gia, thời gian này giảm xuống còn khoảng 1 ngày”, ông Tuấn cho hay.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/202-thu-tuc-hanh-chinh-ket-noi-co-che-mot-cua-quoc-gia-d181378.html

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 533

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)