Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Nguyễn Trọng Thừa, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Ngày 30/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hội thảo "Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng 2021-2030."
Theo Dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030, trọng tâm 10 năm cải cách hành chính là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, chú trọng cải cách tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Một số chỉ tiêu cụ thể đáng chú ý như đến năm 2025 cả nước phấn đấu 80% thủ tục hành chính, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đến năm 2030 sẽ nâng lên 100%.
Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90% vào năm 2025 và đạt 95% vào năm 2030.
Đến năm 2025 xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Đáng chú ý, đến năm 2025 phấn đấu tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành đổi thành công ty cổ phần. Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử…
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đã tập trung thảo luận về các kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đánh giá chuyên sâu một số nội dung về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ bộ máy hành chính nhà nước đồng thời đề xuất những nội dung chính về cải cách hành chính phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Hội thảo cùng chủ đề đã được tổ chức trước đó tại Hà Nội và sau đó tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được, đặc biệt nêu ra những bài học kinh nghiệm, định hướng các quyết sách trong thời gian tới.
Cải cách hành chính luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt trong thời gian thực hiện công cuộc đổi mới. Chỉ có cải cách hành chính mới mang lại sự phát triển. Đây là quá trình liên tục, mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi thời điểm lịch sử, mỗi bối cảnh luôn luôn có những bước đi, quyết sách mới.
"Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác quản lý, Ban Tổ chức sẽ tiếp thu, báo cáo Lãnh đạo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ để chuẩn bị nội dung tốt nhất với tinh thần tốt nhất để đánh giá đúng công cuộc cải cách hành chính vừa qua, đồng thời đưa ra định hướng các vấn đề quan trọng, từ đó góp phần đưa đất nước ngày càng ổn định và phát triển thịnh vượng," Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết thêm.
Theo ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, trong 10 năm qua (2011-2020), nền hành chính tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tốc độ cải cách còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.
Cải cách hành chính vẫn chưa là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước chưa gắn kết với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Ông Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Một số cán bộ, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân chưa làm hết trách nhiệm, có lúc có nơi còn nhũng nhiễu, tiêu cực.
Trong bối cảnh đó, để đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và bài học cũng như đề ra định hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức hội thảo nhằm bổ sung luận cứ khoa học, thực tiễn để hoàn thiện báo cáo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Góp ý hoàn thiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2020 -2030, bà Ngô Thị Hoàng Các, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ban soạn thảo chương trình nghiên cứu và bổ sung nhiệm vụ về "công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách hành chính" vì thực tiễn cho thấy nếu cơ quan, địa phương nào thực hiện tốt nhiệm vụ này cần thực hiện tốt tất cả nhiệm vụ của cải cách hành chính còn lại.
Đồng thời, Ban soạn thảo cần phân định rõ "Đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử" với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, phát triển dịch vụ công trực tuyến để các địa phương tập trung giải quyết thủ tục hành chính, thống kê, cập nhật số liệu để báo cáo bộ ngành chủ quản…
Trong tham luận gửi tới hội thảo, ông Phan Văn Hợp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đối với nhiệm vụ cải cách chế độ công vụ, cần hướng đến việc xóa bỏ việc bổ nhiệm hàm vì không cần thiết, dễ phát sinh tình trạng nể nang, tranh thủ, thậm chí tiêu cực.
Đồng thời, tiến tới việc giảm dần và xóa chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chính quy, tinh nhuệ gắn với chính sách phù hợp…/.
Liên kết nguồn tin: https://www.vietnamplus.vn/muc-tieu-dua-viet-nam-vao-nhom-50-nuoc-dan-dau-ve-chinh-phu-dien-tu/679604.vnp