Thứ hai, 11/01/2021 15:56 GMT+7

Chuyển đổi số thân thiện, lấy con người làm trung tâm

"Chuyển đổi số thân thiện với con người", lấy con người làm trung tâm, đây là mục tiêu của Nhật Bản cũng như Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

 

Trao đổi tại Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, ông Okuda Naohiko, Cục Quản lý hành chính, Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết, tại Nhật Bản, việc đối phó với dịch COVID-19 đã làm nổi lên nhiều vấn đề liên quan đến chuyển đổi số như: Chậm trễ chuyển đổi số và thiếu nhân lực của nhà nước, của địa phương; quản lý hành chính kém hiệu quả do kết nối hệ thống không đầy đủ; thủ tục hành chính phức tạp và sự chi trả chậm trễ; sự suy giảm dịch vụ đối với người dân, sự chuyển đổi số tại doanh nghiệp và xã hội...

Khó khăn như vậy đặt ra yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số tại Nhật Bản, làm thế nào để bảo đảm an toàn cho người dân trong thiên tai, tình hình dịch bệnh. Chính sự biến đổi về các vấn đề xã hội và kinh tế, từ góc độ quản lý hành chính buộc Chính phủ Nhật Bản phải thuận tiện hóa hơn các thủ tục cho người dân.

Để giải quyết một cách cơ bản vấn đề trên, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thực hiện cải cách quy chế một cách toàn diện, xóa bỏ quản lý hành chính theo chiều dọc.

"Một sự đột phá là thành lập Cục Kỹ thuật số (Digital Agency), dự kiến sẽ được thành lập vào tháng 9/2021", ông Okuda Naohiko cho biết.

Cục Kỹ thuật số như một bộ chỉ huy để thúc đẩy chuyển đổi số tại Nhật Bản, đóng vai trò trọng trách về chính phủ số trong thời gian tới. Tuy nhiên, sẽ mất 1-2 năm để triển khai và dự kiến tập hợp nhân lực trình độ cao không phụ thuộc nhà nước hay tư nhân tham gia. Đây là tổ chức dẫn đầu quá trình chuyển đổi số trong toàn xã hội tại Nhật Bản.

Ông Okuda Naohiko cho biết, chuyển đổi số thân thiện với con người là mục tiêu của Nhật Bản trong quá trình chuyển đổi số tại nước này, đồng thời đưa ra 10 nguyên tắc cơ bản trong định hướng tới xã hội số là: Mở/Minh bạch, Công bằng/Đạo lý, An toàn/an tâm, Liên tục/ổn định/tăng cường, Giải quyết các vấn đề xã hội, Nhanh chóng/linh hoạt; Bao trùm/đa dạng, Sự xâm nhập vào cuộc sống, Tạo ra giá trị mới; Sự nhảy vọt/đóng góp cho cộng đồng quốc tế.



Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP) chia sẻ kết quả, kinh nghiệm của Việt Nam. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

 

Lấy con người dùng làm trung tâm

Chia sẻ một số kết quả về công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP) cho biết, đây chính là điểm nhấn của Chính phủ nhiệm kỳ này. Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã cắt giảm trên 3.800 điều kiện dinh doanh, trên 6.700 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.

Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 (Nghị quyết 68); thông qua phương án đơn giản hóa trên 1.000 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân làm tiền đề đổi mới căn bản quản lý nhà nước về dân cư.

Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, 100% các bộ ngành, địa phương đã kiện toàn bộ phận một cửa, 59/63 địa phương tổ chức trung tâm phục vụ hành chính cấp tỉnh; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao, có phản hồi tích cực, đạt tỷ lệ 97,37% đúng hẹn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số, điểm nghẽn mang tính cốt yếu nhất chính là tại điểm một cửa. Qua khảo sát của VPCP cũng như báo cáo của các địa phương, các bộ, ngành, tại điểm một cửa các cấp, 93,7% hồ sơ vẫn là hồ sơ giấy, chỉ có 6,3% là hồ sơ điện tử.

“Nếu chúng ta muốn chuyển đổi số thành công thì bộ phận một cửa từ cấp xã, huyện, tỉnh phải trở thành những trung tâm chuyển đổi số. Đây chính là điểm nghẽn sẽ được tập trung giải quyết trong thời gian tới”, ông Ngô Hải Phan nói.

Do đó, VPCP đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Về Chính phủ điện tử, Nghị quyết số 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử đã nhận diện ra những điểm nghẽn về mặt thể chế, hạ tầng, nguồn lực. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản để tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ điện tử và vận hành nhiều hệ thống thông tin do VPCP chủ trì cùng với các bộ, ngành, địa phương thực hiện như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống E-cabinet, Hệ thống báo cáo quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia.

VPCP cũng đã đổi mới cách thức làm việc, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Tháng 5/2018, đã thực hiện ký số xử lý hồ sơ công việc, ký số văn bản điện tử, từ đó lan tỏa đến các bộ, ngành địa phương…

Theo ông Ngô Hải Phan, nếu chúng ta muốn chuyển đổi số thành công thì trước hết, trong nội khối các cơ quan hành chính, phải thực hiện xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử của từng cán bộ, công chức, viên chức, số hóa các báo cáo để có thể điều hành dựa trên dữ liệu cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, quốc gia, tăng tương tác kết nối, chia sẻ.



10 nguyên tắc cơ bản trong định hướng tới xã hội số của Nhật Bản

 

Trong mối quan hệ người dân, doanh nghiệp, vấn đề cần tập trung là số hóa các hồ sơ thủ tục hành chính tại điểm một cửa các cấp chính quyền cũng như thực hiện xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp bộ, tỉnh tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cũng như thực hiện truyền thông…

“Lấy con người dùng làm trung tâm. Tái cấu trúc quy trình theo hướng thuận lợi, đơn giản rồi sau đó mới ứng dụng CNTT”, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Kết luận tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết những thông tin và bài học kinh nghiệm được các chuyên gia của Nhật Bản cung cấp, chia sẻ, trao đổi là hết sức quý báu và có ý nghĩa thiết thực đối với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Việt Nam.

Cho rằng tỷ lệ hồ sơ điện tử tại Việt Nam còn thấp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng một lần nữa nhấn mạnh phải tái cấu trúc lại các thủ tục và có sự kết nối, chia sẻ, nếu còn cát cứ dữ liệu ở đâu đó thì không thành công.

 Lấy ví dụ về việc chúng ta đã thực hiện nộp phí trước bạ ô tô, xe máy trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hay như Trung tâm hành chính công Quảng Ninh đã thực hiện 5 tại chỗ, tại Bình Định đã thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, thời gian qua vấn đề kết nối, chia sẻ đã có sự chuyển biến lớn nhưng đó mới là kết quả ban đầu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh quan điểm không chạy theo thành tích, số lượng dịch vụ công trực tuyến đưa lên; đề nghị các bộ, ngành, địa phương cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, phù hợp với nhu cầu người dân, doanh nghiệp, phối hợp với VPCP tái cấu trúc, đơn giản hóa thủ tục, quy trình…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tin tưởng, với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam cùng với sự hỗ trợ, kinh nghiệm của Nhật Bản, chúng ta sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra trong triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và Việt Nam số trong tương lai.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Chuyen-doi-so-than-thien-lay-con-nguoi-lam-trung-tam/419205.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 783

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)