Thứ sáu, 04/12/2020 14:33 GMT+7

Một lời giải cho chuyển đổi số trong SME

Mười năm triển khai chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, một trong những điều mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã làm được là tạo nền tảng, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số.

Tổng công ty Cổ phần Phong Phú áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong dệt may. Ảnh: Cao Thắng/saigondautu.com.vn
 

Được coi là đối tượng năng động và có độ linh hoạt nhất định với hoàn cảnh mới nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ lại là nhóm dễ có nguy cơ chịu nhiều rủi ro trong những cuộc chuyển đổi. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam do nguồn vốn ít nên chủ yếu tập trung vào kinh doanh, không có điều kiện đầu tư lâu dài về R&D cũng như nguồn nhân lực nên “đôi khi các chính sách hỗ trợ của nhà nước ít khi xuống được trọn vẹn được với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết trong hội nghị Tổng kết 10 năm triển khai chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, diễn ra vào ngày 26/11/2020 tại Hà Nội.

Do đó, chương trình do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng triển khai này được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm 98% trong tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp Việt Nam, theo số liệu từ Hiệp hội. Không chỉ đơn thuần là công cụ giúp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, những công cụ về quản trị, điều hành sản xuất như 5S – tiêu chuẩn về sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng giúp doanh nghiệp có thể thực hiện các hệ thống đảm bảo chất lượng, Sáu Sigma - hệ thống bao gồm các công cụ và chiến lược nhằm nâng cao quá trình hoạt động, Lean - sản xuất tinh gọn, đã thông qua chương trình tới được các doanh nghiệp, vốn đang rất cần các hỗ trợ trong quá trình vận hành.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lợi

Thoạt nhìn có vẻ như những điều này “thừa thãi” với tình cảnh hiện nay của những doanh nghiệp vừa và nhỏ: đang ngày ngày phải đối mặt với quá trình cạnh tranh trên thị trường hơn 90 triệu dân và sức mua chủ yếu tập trung ở các trung tâm kinh tế lớn trong cuộc chạy đua với các ông lớn quốc tế - những công ty đa quốc gia đang ngày một tận dụng được ưu thế từ quá trình toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Đó cũng là thách thức của công ty cổ phần truyền thông và máy tính Thánh Gióng, một trong số không nhiều doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất máy tính ở Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa 70%, theo chia sẻ tại hội nghị tổng kết của ông Đặng Hoàng Dương, giám đốc R&D của công ty. Là một trong số hơn 3.000 doanh nghiệp được tư vấn, công ty Thánh Gióng đã học hỏi để đạt được các tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015 về hệ thống quản lý chất lượng cho quá trình sản xuất và kiểm soát các sản phẩm dịch vụ; ISO 14001:2015 về quản lý môi trường; ISO/IEC 17025: 2005 về hệ thống quản lý chất lượng áp dụng chuyên biệt cho phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn… “Vì vậy, ngoài máy tính của công ty, chúng tôi còn có thể đủ tiêu chuẩn cung cấp các linh kiện cho nhiều doanh nghiệp khác như Intel Việt Nam”, ông Đặng Hoàng Dương không giấu nổi tự hào.

Những điều họ tích lũy từ năm 2018 – thời điểm công ty đang gặp khó khăn vì cạnh tranh và cố gắng tìm hướng đi để thoát khỏi tình trạng đó - thông qua tham gia các khóa học và được chuyên gia của chương trình tư vấn không ngờ đã giúp họ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra hai năm sau. “Doanh thu của chúng tôi tăng 20%, kể cả trong thời kỳ Covid”, ông nói. Nhưng thành công không chỉ tính được bằng tiền mà còn được định lượng bằng rất nhiều chỉ số khác: “Trước chỉ có 5% khách hàng liên lạc lại thì nay con số này tăng 95%, 75% khách hàng phản hồi sẽ sử dụng sản phẩm của công ty nếu như có nhu cầu, 70% khách hàng đã quay lại mua hàng, sản phẩm lỗi giảm từ 2% xuống 1,5%, xử lý lỗi từ 120 phút xuống còn 30 phút, năng suất tăng lên 15% trên một dây chuyền sản xuất, các linh kiện được chuẩn hóa theo mã số mã vạch, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc từ linh kiện đến sản phẩm…”, ông Đặng Hoàng Dương thống kê.


“Chúng tôi kiến nghị nên lập một cổng thông tin quốc gia về năng suất chất lượng và chuyển đổi số cho SME. Cổng thông tin này có thể cho Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai dưới sự quản lý của Bộ KH&CN, trong đó cung cấp mọi thông tin hỗ trợ về chuyển đổi số với nội dung có thể áp dụng được cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp các chính sách hỗ trợ của chính phủ ở cấp vĩ mô có thể áp dụng trực tiếp cho doanh nghiệp, đặc biệt cho chuyển đổi doanh nghiệp thành doanh nghiệp KH&CN hay nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp. Chúng ta cũng cần đưa lên nền tảng thông tin này đầy đủ bộ mẫu hướng dẫn để SME đăng ký tham gia các chương trình hỗ trợ, tư vấn…

Ngoài ra việc phổ biến kiến thức, nền tảng thông tin này có thể kết nối các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công để các doanh nghiệp khác trao đổi học hỏi kiến thức”.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam


Thánh Gióng không phải trường hợp duy nhất may mắn gặp “đúng thầy, đúng thuốc”. Tại hội thảo, nhiều tiếng nói của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã cất lên, giãi bày về những điều nhận được thông qua các khóa hướng dẫn. Chị Nguyễn Thanh Thủy, CEO Gen Green, một công ty nông nghiệp hữu cơ có vùng nguyên liệu và nhà máy ở Đồng Nai, cho biết nhờ được tư vấn, đào tạo theo tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản, chị đã trồng được nhiều loại cây vừa làm rau ăn, vừa chứa dược chất có thể chiết xuất cho các sản phẩm hóa mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe, “ví dụ đu đủ và nha đam/lô hội hữu cơ ngang bằng về năng suất với cây trồng cùng loại được canh tác trong điều kiện thông thường nhưng nhỉnh hơn ở chất lượng: không rỗng dinh dưỡng, ngon về mùi vị và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…”. Nhờ vậy, Gen Green có được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tự tin đưa nhiều sản phẩm vào tại chuỗi siêu thị Lotte Mark, Coopmark ở miền Nam và một số siêu thị quốc tế tại Hà Nội cũng như tham gia nhiều triển lãm quốc tế.

Tương tự như vậy, theo phát biểu của ông Ngọc Khải, chủ một doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ thành lập năm 2016, thì những bước hướng dẫn dần dần từ tiêu chuẩn VietGAP năm 2018 đã dẫn đến việc đáp ứng một số tiêu chuẩn ISO khác liên quan đến chất lượng hàng hóa nông sản như ISO 22000, ISO 9001… Khi nhận thấy “hiệu quả từ việc áp dụng các quy trình chuẩn như giá thành hàng hóa được nâng cao thì doanh nghiệp tự động bỏ tiền thuê Quacert chứng nhận mà không cần hô hào”, ông đề cập đến việc thay đổi nhận thức của chính mình.

Chuyển đổi số trên nền tảng năng suất, chất lượng

Giữa lúc doanh nghiệp cả nước đang bị cuốn hút theo sự mời gọi của chuyển đổi số, vấn đề nâng cao năng suất và chất lượng ở đây có ý nghĩa gì? Nhìn sâu vào chuyển động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình, khi hiệu quả năng suất chất lượng không chỉ là doanh thu mà quan trọng hơn, việc tổ chức, sắp xếp lại công ty, từ hoạt động sản xuất đến kinh doanh, đã tạo một nền tảng sẵn sàng cho chuyển đổi số. Dường như tất cả đã đi vào đường ray để chuẩn bị cho số hóa. “Theo Tổ chức năng suất châu Á thì con đường phát triển năng suất của doanh nghiệp trải qua sáu giai đoạn: 1. Nâng cao năng suất dựa trên lao động; 2. Nâng cao năng suất dựa trên nền đầu tư vốn; 3. Nâng cao năng suất dựa trên cải thiện hệ thống công cụ quản lý; 4. Nâng cao năng suất dựa trên quản lý tri thức; 5. Tập trung vào các yếu tố dựa trên quản lý đổi mới sáng tạo; 6. Dựa trên hệ thống chuyển đổi số”, ông Hà Minh Hiệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, lưu ý. Chương trình 10 năm qua đã hỗ trợ được doanh nghiệp ba giai đoạn ban đầu, ba giai đoạn tiếp theo là mục tiêu của giai đoạn 10 năm tới, khi thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030.

Câu chuyện chuyển đổi số dường như rất rõ ràng với các doanh nghiệp lớn, nơi có tiềm lực kinh tế và nguồn lực con người, nhưng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tất cả vẫn còn rất mông lung: vốn liếng thì ít ỏi mà có quá nhiều câu hỏi bủa vây: cần bắt đầu từ đâu? có quá tốn kém không? có ‘cạm bẫy’ nào trong số hóa không? có đủ năng lực vận hành khi doanh nghiệp số hóa không?... Kết quả đề tài “Mô hình ứng dụng Lean tại doanh nghiệp ngành May trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số” mà TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, trình bày có thể trả lời một phần câu hỏi đó.

Xuất phát từ thực tế của ngành dệt may với 85% doanh nghiệp dưới 200 người lao động, TS. Hoàng Xuân Hiệp phát triển mô hình Lean từ mô hình truyền thống phối hợp với công nghệ số như IoT, điện toán đám mây… với nhiều mô đun để có thể dễ dàng áp dụng ở nhiều quy mô quản trị và sản xuất theo thời gian thực. “12/14 công cụ Lean có thể ứng dụng kèm với công nghệ số”, anh giới thiệu. “Việc lập trình cho các thiết bị số trong dây chuyền may làm giảm thời gian chuyển đổi nhanh, ví dụ với chuyển mã hàng mỏng - dày hay từ may một đường chỉ sang hai đường chỉ, trước mất tới 30 phút để chỉnh thiết bị thì nay thiết bị kỹ thuật số cho phép mình lập trình chế độ đó rồi truyền cho tất cả các máy cùng một chế độ khiến thời gian chỉnh thiết bị giảm đáng kể”.

Trong vòng ba tháng rưỡi ứng dụng mô hình này tại ba doanh nghiệp may lớn là Tổng công ty May Bắc Giang, Tổng công ty CP Phong Phú và Tổng công ty CP Quốc tế Phong Phú, “hiệu quả năng suất tăng từ 5 đến 10%, lỗi giảm từ 1 đến 2% do có thể xử lý được bất kỳ lỗi nào xảy ra”, TS. Hoàng Xuân Hiệp cho biết.

Hiệu quả là vậy nhưng mô hình có nằm ngoài tầm với của những công ty nhỏ? “Chúng tôi đã phát triển một phần mềm quản lý Lean và nếu dùng trong các doanh nghiệp quy mô nhỏ thì hết sức thuận lợi, đồng thời phát triển thêm một số mô đun khác để các đơn vị có tiềm lực tài chính có thể sử dụng thêm”, anh cho biết và phân tích: nhiều công ty dệt may vẫn cho là việc chuyển đổi số đòi hỏi nhiều chi phí vì thông thường, suất đầu tư vào khoảng 100 triệu đồng/chỗ làm việc, còn nếu đầu tư hoàn toàn bằng công nghệ số thì 1 tỷ/chỗ làm việc. “Nhưng đấy theo quy mô sản xuất rất lớn, còn chúng tôi tính toán, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa vẫn có thể làm được. Nếu chỉ áp dụng một số công đoạn chính trên một dây chuyền thì chỉ cần 69 triệu đồng/chỗ làm việc thôi, nếu trừ chi phí máy tính và phần mềm có thể dùng chung cho cả nhà máy thì tính ra chi phí giảm gần một nửa”.

Rõ ràng, câu chuyện của doanh nghiệp dệt may là gợi ý cho nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác, nếu có một số mô hình chuẩn để học hỏi. “Lĩnh vực khác như nông nghiệp của chúng tôi có nơi dưới 100 nhân công, có trang trại chỉ 20 nhân công, do đó vô cùng khó khăn nếu tự đưa ra quy trình chuẩn. Tuy nhiên nếu có được một quy trình mẫu, một mô hình mẫu thì việc áp dụng và lan tỏa sẽ rất thuận lợi”, ông Ngọc Khải nêu ý kiến.

Sau 10 năm triển khai, chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã đạt được một số kết quả: Thực hiện 7 dự án năng suất chất lượng ngành và 57 dự án năng suất chất lượng địa phương; xây dựng khoảng 13.000 TCVN (đạt tỷ lệ 60% hài hoà tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực), cùng với 800 QCVN do các Bộ quản lý ngành/lĩnh vực ban hành, chủ yếu tập trung vào chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp; xây dựng 8.344 TCVN, 800 QCVN Bộ/ngành và 58 QCĐP về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phổ biến cho hơn 5000 doanh nghiệp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tổ chức 48 khóa đào tạo tiêu chuẩn cơ sở cho hơn 3700 tổ chức…

Trong thời gian tới, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 sẽ được thực hiện với một số mục tiêu đáng chú ý: đạt tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực khoảng 65% trong trong giai đoạn 2021 – 2025 và 70 - 75% trong giai đoạn 2026 – 2030; trong giai đoạn 2021 - 2030: số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10 - 15%, có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm nhân rộng trên cả nước.


Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/mot-loi-giai-cho-chuyen-doi-so-trong-sme/20201203103726346p1c785.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 1124

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)