Thứ năm, 03/12/2020 23:51 GMT+7

Quy trình sản xuất rượu vang thanh long

Khởi nguồn từ công thức ủ rượu hoa quả học từ mẹ và các chuyên gia, chị Hồ Thị Bạch Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã thanh long Hàm Kiệm, Bình Thuận đã biến 40kg quả tươi thành 10 lít rượu vang. Hướng đi này giúp Bình Thuận có thêm một đặc sản mới bên cạnh mứt, siro từ thanh long… giúp giải bài toán được mùa rớt giá hay nâng cao giá trị của những trái không đủ tiêu chuẩn xuất ra thị trường do gãy cuống, nám da…

Nâng cao giá trị cho trái thanh long

Ở Bình Thuận, thanh long là một trong cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu chính cho người nông dân. Khi kinh tế cả gia đình đều dựa vườn thanh long thì có nghĩa là cuộc sống của người dân cũng nương theo sự lên xuống của giá cá thị trường. 

“Chúng tôi luôn đau đáu tìm cách để nâng giá trị cho cây thanh long quê hương, từ việc làm mứt, siro cho tới làm bánh kẹo… nhất là những thời điểm thanh long không xuất khẩu được, thị trường trong nước tiêu thụ không hết, những sản phẩm chế biến càng có ý nghĩa” – bà Hồ Thị Bạch Hoàng nói với tư cách là người nông dân có 1,5ha đất trồng thanh long và chủ tịch hợp tác xã Hàm Kiệm.



 

Ở tuổi 65, người phụ nữ này vẫn chạy đôn chạy đáo khi thì mang sản phẩm đi giới thiệu, lúc thì đi học mô hình thành công của địa phương khác nhằm tìm thêm nhiều hướng đi cho thanh long Bình Thuận. Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi gia đình bà và nhiều hộ trong hợp tác xã chịu thiệt hại kinh tế nặng nề khi đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thanh long bị ứ đọng lại. Hồi đầu tháng 2/2020, theo thống kê của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, lượng thanh long tồn đọng khoảng 139.000 tấn tương đương với giá trị khoảng 1.000 tỉ đồng.Tất nhiên cú sốc này không phải lần đầu xảy ra với bà con trồng thanh long ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung. Vì thế, bà Hồ Thị Bạch Hoàng luôn đau đáu tìm thêm những hướng đi khác để thanh long sau chế biến dễ dàng tiêu thụ, để được lâu và nâng cao được giá trị.

Chính điều này đã thôi thúc bà Hoàng mạnh dạn thử ủ rượu thanh long như cách mẹ bà từng vẫn làm với nho, cam. “Mỗi vụ thu hoạch có rất nhiều trái đảm bảo chất lượng nhưng bị gẫy tai, vỏ nám,… không đủ tiêu chuẩn vào siêu thị hay xuất khẩu, bán thì rẻ và cũng không ai mua. Vì thế năm 2012, tôi tận dụng thanh long của nhà ủ rượu và dùng trong gia đình với cách làm khá đơn giản, ủ thanh long và đường cho lên men rồi tách lấy rượu uống” – bà Hoàng nói về cách mình đã bắt đầu. Một năm sau, trong buổi tọa đàm của Liên Hợp quốc dành cho những người phụ nữ nông thôn giới thiệu về đặc sản quê hương, bà Hoàng được 1 chuyên gia người Nhật gợi ý rằng ‘bất kỳ trái cây có đường nào cũng có thể làm rượu vang’ và hướng dẫn cách làm.



 

“Tôi không biết uống rượu, cũng chưa từng có kinh nghiệm làm rượu vang nhưng được dạy làm nên tôi rất hào hứng. Nếu làm thành công, quê hương tôi đã có thêm một đặc sản nữa để giới thiệu với du khách và bạn bè quốc tế” – bà Hoàng nhớ lại. Cho đến giờ, bà cũng không nhớ mình đã làm hỏng bao nhiêu mẻ để cho ra được công thức cuối cùng. Có khi cho nhiều đường khiến rượu ngọt gắt, khi lại cho ít đường vị nhạt, hay khi chưa biết cách kiềm chế sự phát triển của vi sinh vật khiến rượu bị hỏng sau vài tháng đóng chai, dịch quả lắng xuống đáy chai khiến rượu mất màu và không đẹp mắt… Cứ mỗi mẻ hỏng bà lại gọi điện cho phía chuyên gia nhờ tư vấn thêm. Suốt 1 năm liền, bà Hoàng những chạp ủ 60kg-100kg lần lượt ra đời: “Đầu tư vào bánh kẹo đặc sản hay mứt siro có tiền thu về ngay nhưng làm rượu thì suốt 1 năm liền tôi phải vay nợ ngân hàng”. Người phụ nữ 65 tuổi thú nhận có những lúc muốn buông tay để tập trung làm kinh tế nhưng mỗi lần chưng cất rượu vào chai, nhìn những dòng chảy vàng óng hay đỏ sậm đam mê trong bà lại trỗi dậy. “Đây là màu cờ sắc áo của quê hương. Khi có thêm nhiều sản phẩm sau chế biến từ thanh long, hình ảnh Bình Thuận sẽ thêm mở rộng, đời sống bà con sẽ khấm khá” – bà Hồ Thị Bạch Hoàng nói về lý do quyết theo đuổi đến cùng

Suốt 2 năm trời mầy mò nghiên cứu thử nghiệm, cuối cùng người phụ nữ này đã tạo ra được đặc sản rượu vang từ thanh long ruột đỏ và ruột trắng có thể bảo quản lâu năm. Từ 40kg ruột thanh long tươi khi phối trộn với đường, ủ, chưng cất rồi pha thêm rượu chùm ruột theo công thức riêng để tăng hương vị, sau 1 năm bà Hoàng thu được 10 lít rượu vang có giá bán sỉ từ 160.000-180.000 đồng/1 cặp 750ml. Theo bà Hoàng, trong toàn bộ quy trình làm rượu, khâu khó nhất là chọn nguyên liệu đầu vào, do thanh long dễ bị nấm kim, làm thối quả từ bên trong nên người xử lý phải có kinh nghiệm, nếu không có thể làm hỏng cả mẻ.

Rồi có đợt, bà làm hỏng vài mẻ nguyên liệu lên tới hàng trăm cân do thanh long trái vụ và chính vụ có lượng đường khác nhau. Vì thế, tỷ lệ đường phối trộn và thời gian ủ cũng phải thay đổi để đảm bảo hương vị cho rượu vang.  

“Mỗi công đoạn mùa vụ thời tiết thay đổi lại ảnh hưởng đến quy trình ủ và chưng cất rượu, phải rất gian nan mới ra được công thức. Rượu thanh long trắng cho màu vàng tươi còn thanh long đỏ thì có màu đỏ đặc trưng. Tất cả đều được sản xuất thủ công không hóa chất” – bà Hoàng hồ hởi nói. Chủ tịch Hợp tác xã thanh long Hàm Kiệm vui bởi biết rằng, trái thanh long thải loại của nông dân đã không còn là thứ bỏ đi mà có hoàn toàn có thể trở thành một sản vật khác gắn liền với Bình Thuận.

Vì vậy, quy trình sản xuất rượu vang thanh long của bà Hồ Thị Bạch Hoàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002456 được công bố vào ngày 26/10/2020.


Oằn mình vì Covid-19

Niềm vui khi quy trình sản xuất rượu vang thanh long được bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa kịp tan, những ấp ủ mở rộng nhà xưởng, địa điểm phân phối sản phẩm chưa kịp thực hiện thì Covid-19 đã “đập tan” mọi dự định.

Do Covid-19 nên du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hệ thống cửa hàng tiêu thụ gần như bị tê liệt, là hộ kinh doanh nhỏ nên gia đình bà Hoàng bị ảnh hưởng nặng về kinh tế. Không bán được nên việc sản xuất chỉ ở mức ‘túc tắc” vì dịch bệnh chưa biết khi nào mới kết thúc. Dù có những đề nghị mua đứt lại quy trình sản xuất hay hợp tác sản xuất nhưng người phụ nữ 65 tuổi vẫn kiên quyết không chịu. Với bà, đó là đứa con tinh thần đã mất ăn mất ngủ mà làm ra nên ‘dù khó khăn và vay nợ tôi vẫn cố gắng vượt qua dịch bệnh để gầy dựng lại” – bà quả quyết.

Động lực cho sự quyết tâm như ngọn lửa được nuôi dưỡng từ năm 2013 khi tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo, bà Hồ Thị Bạch Hoàng nhìn thấy hình ảnh của mình trên phông chương trình với dòng chữ ‘Người nâng tầm thanh long Bình Thuận”. Đối với bà, thanh long và những sản phẩm từ loại trái cây này đã không còn là một sản phẩm thương mại mà trở thành cái nghiệp gắn bó suốt cuộc đời.

Bởi vậy ở tuổi 65, bà chỉ mong mình có sức khỏe để tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất rượu vang thanh long, để rượu cho vị ngon, đậm đà hơn, rượu thanh long đỏ không bị mất màu và có thể bảo quản lâu năm cũng như giới thiệu đặc sản này rộng rãi trong và ngoài nước.

Nguồn: Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 1164

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)